(Baothanhhoa.vn) - Ban hành Sắc lệnh được xem là quyền lập pháp trong tình huống khẩn cấp của Chính phủ mà chỉ có người đứng đầu Chính phủ (hoặc người được ủy quyền của người đứng đầu) mới có thẩm quyền ký ban hành.

Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời và vị Bộ trưởng được trao quyền ký sắc lệnh

Ban hành Sắc lệnh được xem là quyền lập pháp trong tình huống khẩn cấp của Chính phủ mà chỉ có người đứng đầu Chính phủ (hoặc người được ủy quyền của người đứng đầu) mới có thẩm quyền ký ban hành.

Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời và vị Bộ trưởng được trao quyền ký sắc lệnh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thành công (02/9/1945), Việt Nam đã trở thành nước tự do, độc lập nhưng chưa có Quốc hội, chưa có Hiến pháp, luật... nên Chính phủ lâm thời đã triển khai ban hành Sắc lệnh để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh trao quyền ký nhiều Sắc lệnh quan trọng.

Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Sắc lệnh là hình thức pháp luật thành văn, mang tính mệnh lệnh và do chủ thể đặc biệt là nguyên thủ quốc gia (người đứng đầu cơ quan hành pháp) ban hành nên sắc lệnh được áp dụng phổ biến trong những hoàn cảnh đặc biệt (như: chiến tranh, thảm họa thiên tai, tình trạng khẩn cấp...) nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời điều chỉnh các quan hệ pháp luật. Trong những tình thế nóng bỏng, chính quyền giữ vận mệnh đất nước không thể chờ đợi tiến trình lập pháp phải trải qua những khâu trong quy trình thủ tục phức tạp và thời gian.

Việc ban hành Sắc lệnh được xem là quyền lập pháp trong tình huống khẩn cấp của Chính phủ mà chỉ có người đứng đầu Chính phủ (hoặc người được ủy quyền của người đứng đầu) mới có thẩm quyền ký ban hành. Ưu điểm cơ bản của sắc lệnh ở chỗ: vừa bảo đảm tính hiệu lực pháp lý cao (do người đứng đầu Nhà nước ban hành) vừa có thể được xây dựng và ban hành nhanh chóng, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cụ thể và cấp bách của điều chỉnh pháp luật.

Ở Việt Nam, Sắc lệnh được xem là loại văn bản pháp luật phổ biến trong giai đoạn chiến tranh, đặc biệt là từ ngày 02/9/1945 - 31/12/1946 - đây là một khoảng thời gian không dài, song rất khó khăn, phức tạp và đầy biến động của đất nước ta. Trong bối cảnh mới giành được chính quyền với muôn vàn khó khăn, thách thức của đất nước trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” và “ngàn cân treo sợi tóc”, Nhà nước non trẻ vừa ra đời phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; vừa xây dựng, củng cố vừa giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong lúc vận mệnh dân tộc đang hết sức nguy nan. Chính phủ cách mạng đã triển khai hệ thống các sắc lệnh để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và “kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”, quản lý xã hội theo phương châm “kháng chiến kiến quốc”.

Mặt khác, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền mới có Chính phủ lâm thời được thành lập từ Quốc dân đại hội Tân Trào (16/8/1945) và Việt Nam đã trở thành nước tự do, độc lập nhưng chưa được các quốc gia công nhận. Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng, chỉ sau khi có một Quốc hội được bầu bằng cuộc Tổng tuyển cử và Quốc hội thông qua Hiến pháp thì quyền lực nhà nước của Nhân dân Việt Nam mới được xác lập về mặt pháp lý. Vì vậy, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị sớm tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp nhằm trước hết ban bố quyền dân chủ của Nhân dân và hợp thức hóa chính quyền do Nhân dân lập nên sau Cách mạng Tháng Tám. Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức Tổng tuyển cử để sớm có một Nhà nước hợp hiến do Nhân dân bầu ra và ban hành một loạt Sắc lệnh về bầu cử để tạo cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử được tự do và dân chủ.

Trong tình hình đất nước vô cùng khó khăn phức tạp, với Quốc hội và Chính phủ còn non trẻ (thậm chí việc họp Quốc hội gặp rất nhiều khó khăn do các đại biểu bận nhiều công tác khác nhau) nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất thiếu luật; việc quản lý đất nước bằng các sắc lệnh đã trở thành yêu cầu tất yếu và hợp lý với tình hình thực tế. “Để giải quyết khó khăn do thiếu luật, Chính phủ cách mạng và Hồ Chí Minh đã điều hành đất nước bằng chế độ sắc lệnh - những văn bản pháp luật rất phù hợp với điều kiện chiến tranh”1.

Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước đã kịp thời ban hành một số văn bản pháp luật đầu tiên để giải quyết và phục vụ những nhiệm vụ lớn, cấp bách của đất nước đang đặt ra; đã sử dụng hệ thống văn bản pháp luật mà chủ yếu là hình thức sắc lệnh để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của hệ thống chính quyền. Chỉ trong một thời gian rất ngắn (hơn 14 tháng), Nhà nước đã ban hành một số lượng lớn văn bản pháp luật, điều chỉnh nhiều lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội. Việc sử dụng luật lệ của chế độ cũ được thu hẹp dần theo tiến tình xây dựng pháp luật mới.

Khi có Hiến pháp năm 1946, đây là đạo luật cơ bản, nhưng ngay lúc này, Nhà nước chưa thể xây dựng ngay được các bộ luật nên các văn bản pháp luật thời kỳ này thường là Sắc lệnh của Chính phủ do Hồ Chủ tịch ký. Các Sắc lệnh và các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững chính quyền cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu tiên sau khi giành được độc lập và tiếp tục phát triển, đủ sức lãnh đạo Nhân dân thực hiện và giải quyết những nhiệm vụ hết sức nặng nề, tạo những tiền đề cơ bản và quan trọng để đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp một cách tự tin và kiên quyết.

Những văn bản pháp luật (Sắc lệnh) đã giúp cho Chính phủ nhanh chóng ổn định tình hình an ninh, chính trị - một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách nhất lúc bấy giờ; bảo đảm và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân; tổ chức đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng ngày càng tiến bộ; thể hiện bản chất ưu việt của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh của dân tộc để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc; chăm lo đời sống Nhân dân.

Các Sắc lệnh đã điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội của đất nước, tạo cơ sở pháp lý cho thiết lập các cơ quan trong bộ máy nhà nước, bảo vệ an ninh, xây dựng quân đội, phát triển sản xuất nông nghiệp, giao thông, thuế khóa, tài chính, chế độ lương bổng, trợ cấp, cứu tế xã hội, phát triển giáo dục...; đã từng bước tạo được những chuyển biến lớn trong đời sống chính trị và cuộc sống của Nhân dân, đồng thời thể hiện sinh động tính chất ưu việt của chế độ mới được hiện thực hóa trong thực tế ngay trong năm đầu của chế độ dân chủ cộng hòa.

Các Sắc lệnh vừa thể hiện cao tính hiệu lực pháp lý vừa có thể được xây dựng và ban hành một cách nhanh chóng, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cụ thể và cấp bách của pháp luật; hệ thống Sắc lệnh trong những năm 1945 - 1946 đã góp phần giải quyết khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, trực tiếp và cấp bách mà lịch sử đang đặt ra đồng thời đã đặt nền móng cho pháp luật nước ta trên hầu hết các lĩnh vực và cho công cuộc kháng chiến, xây dựng và phát triển đất nước sau này.

Lịch sử đã chứng minh đó là những Sắc lệnh đúng đắn, có vai trò nền tảng cho những giai đoạn tiếp theo của cách mạng Việt Nam. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từ chỗ không có gì đã tạo dựng nên hệ thống pháp luật mới. Những Sắc lệnh, Nghị định... cùng với bản Hiến pháp năm 1946 có giá trị quan trọng đặc biệt trong lịch sử phát triển của Nhà nước pháp quyền Việt Nam từ năm 1945 đến nay.

Vị Bộ trưởng được trao quyền ký nhiều Sắc lệnh

Ngày 28/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cơ cấu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 13 bộ, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao do Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm nhiệm. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, một trong các học trò xuất sắc, người cộng sự đắc lực gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được giao giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách quân sự, trực tiếp lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị trong những ngày tháng đầu tiên khi nước ta mới giành được độc lập.

Trong một thời gian không dài, từ ngày 28/8/1945 - 02/3/1946, trước khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng và giao giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền ký hơn 30 Sắc lệnh ban bố những vấn đề nội vụ, an ninh của đất nước.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã có bài diễn văn quan trọng nêu rõ tầm vóc lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và nêu lên 8 vấn đề cấp bách của Chính phủ cách mạng lâm thời2.

Để sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp tham mưu chuẩn bị một Sắc lệnh thực hiện Tổng tuyển cử, phổ thông đầu phiếu trong cả nước bầu ra Quốc hội để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Ngoài ra, Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng, kiện toàn hệ thống chính quyền Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương. Theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải kêu gọi người hiền tài ra giúp nước nên sau Cuộc tổng tuyển cử, Quốc hội họp bầu ra Chính phủ có nhiều nhân sĩ, trí thức tham gia.

Ngay khi nhận trọng trách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Võ Nguyên Giáp đã bắt tay ngay vào những nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia - tham gia xây dựng các thể chế cho nền hành chính dân chủ và pháp quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Không phụ sự ủy thác, tin cậy và giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tưởng chừng “bất khả thi” trong những ngày đầu tiên của chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ, lại ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sắc lệnh đầu tiên là Sắc lệnh số 01-SL. Ngày 30/8/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký sắc lệnh 01-SL bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ3 .

Ngày 01/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh 03-SL về thiết quân luật tại Hà Nội. Sắc lệnh quy định “từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng không ai được đi lại trên các phố, trừ những người có giấy phép. Không ai được mang khí giới, trừ những người có giấy phép. Ai phạm đến tính mệnh, tài sản của nhân dân sẽ bị sử theo quân luật”4. Việc tuyên bố tình trạng thiết quân luật góp phần bảo đảm an toàn cho buổi Lễ Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945.

Ngày 02/9/1945, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp có bài diễn văn nêu rõ 8 vấn đề cấp bách của Chính phủ cách mạng lâm thời. Diễn văn nhấn mạnh: “...chỉ nay mai Chính phủ lâm thời sẽ ra sắc lệnh triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ. Các đại biểu của Quốc hội đều do dân bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ đem lại cho chúng ta một Hiến pháp và một Chính phủ chính thức”5. Ngoài ra, Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng, kiện toàn hệ thống chính quyền nhà nước các cấp từ trung ương đến địa phương.

Ngày 04/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh số 04-SL về việc lập Quỹ Độc lập. Việc thành lập Quỹ Độc lập để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng đóng góp giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập quốc gia. “Việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”6.

Tiếp đến là Sắc lệnh số 05-SL về việc ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Ngày 05/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh số 05-SL về việc ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Theo Sắc lệnh, cờ quẻ Ly bị bãi bỏ. “Quốc kỳ Việt Nam hình chữ nhật, bề ngang bằng hai phần ba bề dài, nền màu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”7.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của Tổng tuyển cử, được sự tin cậy, giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh số 14-SL, ngày 08/9/1945. Nội dung Sắc lệnh chỉ rõ: “(1). Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội; (2). Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường; (3). Số đại biểu của Quốc dân đại hội ấn định là 300 người; (4). Quốc dân đại hội sẽ có toàn quyền ấn định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; (5). Một Uỷ ban để dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử sẽ thành lập; (6). Để dự thảo một bản hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Uỷ ban khởi thảo hiến pháp 7 người sẽ thành lập; (7). Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền phụ trách thi hành sắc lệnh này”8.

Sau khi giành được chính quyền, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn bởi nạn đói hoành hành khắp đất nước, nhằm góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong việc vận chuyển, buôn bán thóc gạo, chống lại nạn đầu cơ, tích trữ lương thực Chính phủ lâm thời có Sắc lệnh số 07-SL, ngày 05/9/1945 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành. Nhờ Sắc lệnh số 07-SL mà việc buôn bán, chuyên chở thóc gạo ở Bắc Bộ hoàn toàn được tự do, Chính phủ cần thóc gạo sẽ mua thẳng của tư gia. Còn đối với những người có hành vi đầu cơ, tích trữ gạo mà làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thì sẽ bị nghiêm phạt theo luật và bị tịch thu gia sản. Đây là việc làm thiết thực, kịp thời của Chính phủ, phản ánh sinh động một thực tế rằng, nền hành chính dân chủ non trẻ buổi đầu ấy đã luôn biết đặt lợi ích, nhu cầu của người dân Việt Nam lên trên hết, bắt đầu từ những điều dung dị nhất là cơm ăn, áo mặc.

Sắc lệnh số 08-SL, ngày 05/9/1945 về việc giải tán Đại Việt quốc gia xã hội đảng và Đại Việt Quốc dân đảng. Theo Sắc lệnh, “Đại Việt quốc gia xã hội đảng đã tư thông với ngoại quốc để phá hoại nền độc lập dân tộc; Đại Việt Quốc dân đảng đã âm mưu những việc có hại cho nền độc lập và phá hoại kinh tế đất nước. Nếu hai đảng này còn tụ tập hoạt động thì những can phạm sẽ bị đem ra xét xử theo luật”9.

Ngày 07/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành sắc lệnh số 11-SL bãi bỏ thuế thân và việc thay đổi chế độ thuế khóa hiện hành. Theo Sắc lệnh, “cải cách chế độ thuế khóa để đỡ gánh nặng cho dân chúng và phù hợp với công lý”10. Thuế thân là một thứ thuế vô cùng trái ngược, vô lý với chính thể tinh thần thể chế cộng hòa dân chủ. Trong thời kỳ Pháp thuộc, thuế thân là nỗi kinh hoàng đối với người nông dân nghèo. Việc bãi bỏ thuế thân đã củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng.

Tiếp tục tinh thần thượng tôn “thần linh pháp quyền” cũng như thực hiện Sắc lệnh số 14-SL, ngày 08/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc thành lập Ban dự thảo Hiến pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Ban soạn thảo đã hoàn thành Dự thảo và trình Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều thứ 1 của Hiến pháp năm 1946 xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Hiến pháp là một thực thể gắn kết chặt chẽ với chế định dân chủ, bởi vì một xã hội không có Hiến pháp thì ngư­ời dân không thể đ­ược hưởng quyền tự do, dân chủ hay mưu cầu hạnh phúc. Hiến pháp năm 1946 là văn bản pháp luật đầu tiên góp phần quan trọng trong việc đấu tranh giành, giữ và xây dựng chính quyền còn non trẻ, là cơ sở để xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền với nền hành chính vận hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Nền hành chính dựa trên nền tảng dân chủ đó là nền hành chính vì hạnh phúc của người dân.

​Nhận thức rõ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở một chiến dịch chống nạn mù chữ. Vì thế, Người trao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành 3 Sắc lệnh quan trọng về giáo dục11. Đó là, Sắc lệnh số 17-SL, Sắc lệnh số 19-SL và Sắc lệnh số 20-SL, ngày 08/9/1945).

Sắc lệnh số 17-SL thành lập Nha Bình dân học vụ trực thuộc Bộ Giáo dục với nhiệm vụ phụ trách việc chống nạn mù chữ; Sắc lệnh số 19/SL yêu cầu thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Điều này cho thấy Chính phủ đã rất quan tâm và tạo điều kiện học tập cho đội ngũ nông dân, công nhân - vốn là lực lượng nòng cốt trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ với số lượng đông đảo nhưng trình độ còn nhiều hạn chế do chịu hậu quả từ chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Sắc lệnh 19-SL còn quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, đô thị nào cũng phải có lớp học ít nhất có 30 người theo học. Việc đưa ra một chỉ tiêu cụ thể như vậy tưởng có phần cứng nhắc nhưng lại thực sự đem lại hiệu quả khi trở thành mục tiêu để từng làng, từng đô thị phải nỗ lực để đạt được.

Sắc lệnh số 20-SL cưỡng bức học chữ quốc ngữ, không mất tiền. Hạn 1 năm tất cả mọi người dân Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, nếu không sẽ bị phạt tiền. Trong điều kiện nước ta lúc bấy giờ, quả thực không thể không dùng biện pháp “cưỡng bách” bởi vì bên cạnh những người ham học, muốn biết chữ thì cũng còn không ít người, trong đó đa số là người lớn tuổi có tâm lý e ngại, xấu hổ nên không muốn đi học. Có thể nói những chủ trương này táo bạo, quyết liệt nhưng cũng rất đúng đắn và sáng tạo.

Kết quả của phong trào Bình dân học vụ vượt trên cả sự mong đợi. Chỉ trong một năm (8/1945 - 8/1946), phong trào Bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học. Sau 5 năm (đến ngày 30/6/1950), gần 12,2 triệu người biết chữ. 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ 12.

Sắc lệnh số 17, Sắc lệnh số 19 và Sắc lệnh số 20 ngày 08/9/1945 là những văn bản pháp chế hành chính rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy cuộc chiến chống “giặc dốt” thời điểm bấy giờ, đồng thời, đặt nền móng cho việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Cũng trong ngày 08/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh số 16-SL về việc đặt ngạch Thanh tra học vụ.

Ngày 12/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh số 30-SL về việc giải tán tổ chức Việt Nam hưng quốc Thanh niên hội và Việt Nam Thanh niên ái quốc hội. Theo sắc lệnh, hai tổ chức này có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam. Các hội viên của 2 tổ chức này bị cấm hội họp và hoạt động chính trị”13.

Ngày 12/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ nội vụ Võ Nguyên giáp đã ký sắc lệnh số 32-SL về việc bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp. Theo Sắc lệnh, “những viên chức trong hai ngạch hành chính và tư pháp theo chế độ cũ sẽ thôi việc. Những người có năng lực, hạnh kiểm tốt sẽ được bổ dụng vào những ngạch khác”14. Cùng với việc ký nhiều Sắc lệnh, trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp còn được giao ký nhiều Nghị định, chỉ thị quan trọng khác.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Võ Giáp - Anh Văn - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người tham gia đặt nền móng cho việc xây dựng một nền hành chính của Nhà nước Việt Nam. Nghiên cứu, học tập về tấm gương của Đại tướng, một tấm gương mẫu mực, đức độ và nhân cách lớn, sáng ngời, cả một đời vì nước, vì dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúng ta càng tự hào và nguyện noi theo.

Nguyễn Quang Vinh - Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước

Chú thích

1. Lê Hữu Nghĩa. Sáu mươi năm nhà nước cách mạng Việt Nam - Những thành tựu nổi bật và vấn đề đặt ra hôm nay. Tạp chí Cộng sản, số 17/2012, tr.18.

2, 5. Diễn văn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tại Lễ Độc lập 02/9/1945. http://hovuvovietnam.com, ngày 05/7/2021.

3, 4, 6, 7, 8, 9, 13, 14. Biên niên sử Bộ Nội vụ (1945 - 2005). H. NXB Đại học Sư phạm. 2007. tr. 23 - 24, 29 - 30, 7, 7 - 8, 27, 6 - 7, 8, 8, 11.

10. Việt Nam Dân quốc Công báo. Năm 1945, tr.6 - 7.

11. Công bố bản Sắc lệnh về giáo dục do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký năm 1945. http://anninhthudo.vn, ngày 10/10/2013.

12. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ký sắc lệnh về bình dân học vụ. http://moha.gov.vn, ngày 30/7/2015.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 8 (1945 - 1947). H. NXB Chính trị quốc gia, 2000.

2. Hiến pháp năm 1946.

3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4 (1945 - 1946). H. NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011.

4. Hệ thống “sắc lệnh” - nguồn luật chủ yếu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giai đoạn 1945 - 1946. http://nhandan.vn, ngày 05/4/2017.

5. Lịch sử Bộ Nội vụ. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2005.

6. Lịch sử Chính phủ Việt Nam. Tập 1 (1945-1954). H. NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Nguyễn Quang Vinh - Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]