(Baothanhhoa.vn) - Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (GNNVBV) được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định là một trong 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020. Sau nửa nhiệm kỳ đại hội, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động xã hội hóa, tạo ra bước chuyển về xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy nội lực để giảm nghèo nhanh và bền vững

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (GNNVBV) được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định là một trong 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020. Sau nửa nhiệm kỳ đại hội, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động xã hội hóa, tạo ra bước chuyển về xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình nuôi dê sinh sản cho thu nhập cao ở xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy). Trần Hằng

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh cũng như ở các địa phương. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình GNNVBV đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với mục tiêu, kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,54%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; sản xuất có bước phát triển, việc làm, đời sống hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, ngày 27-5-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Quyết định 289-QĐ/TU về Chương trình GNNVBV (giai đoạn 2016-2020) và chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các địa phương, các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao và những giải pháp về giảm nghèo để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Sau đó UBND, HĐND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch, nghị quyết về Chương trình GNNVBV giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến từng địa phương và các sở, ngành, đơn vị triển khai thực hiện, trên cơ sở vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vừa đảm bảo hoàn thành được mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Trên cơ sở đó, các địa phương cũng đã cụ thể hóa chương trình, kế hoạch giảm nghèo, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ, với nội dung, giải pháp phù hợp và đạt được kết quả cao, đáp ứng được tình hình thực tế, giải quyết được nhu cầu bức xúc của người nghèo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp được chú trọng; những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình từng bước được khắc phục, đã huy động được nhiều nguồn lực tập trung ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho xã đặc biệt khó khăn, cho hộ nghèo và cận nghèo. Vì vậy, mục tiêu của chương trình từng giai đoạn đã hoàn thành, đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh đã giảm được 47.135 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo đạt khoảng 1,26 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,84 lần cuối năm 2015; mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo đã giảm từ 2,3 chỉ tiêu/hộ xuống 2,2 chỉ tiêu/hộ...

Cùng với các sở, ngành, các địa phương, từ năm 2016 đến nay, các tổ chức hội, đoàn thể cũng đã xây dựng, thực hiện được gần 50 mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo cho trên 2.000 hội viên với kinh phí hỗ trợ trên 15 tỷ đồng. Tiêu biểu như các mô hình nuôi trâu, bò, lợn cỏ sinh sản, lợn rừng thương phẩm, gà ri lai thương phẩm; mô hình nuôi cá lồng; mô hình trồng cam V2, bưởi Diễn, trồng bí xanh, nghệ ruột đỏ, trồng hoa... Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được triển khai, thực hiện có hiệu quả hơn; các mô hình được xây dựng trên cơ sở đề xuất của người dân, thống nhất của chính quyền cấp xã và phê duyệt của chủ tịch UBND cấp huyện; có cơ chế thu hồi một phần vốn hoặc hiện vật để luân chuyển cho nhiều hộ được tham gia. Nhờ đó, đã có 1.354 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình. Thu nhập của các hộ đã tăng bình quân từ 1,8 đến 2 lần so với năm 2015; bình quân có khoảng 15% hộ gia đình tham gia dự án, mô hình thoát nghèo hàng năm.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Một thời, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự hỗ trợ trực tiếp từ phía Nhà nước, không ít gia đình nghèo vẫn thụ động, ỷ lại, không nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Vì thế mà có rất nhiều chương trình giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho rằng: Nghèo đói đôi khi lại xuất phát từ chính những thói quen, tập tục lạc hậu của đồng bào. Bà con cần phải thay đổi thói quen chi tiêu. Phải biết tiết kiệm, đầu tư vào kế hoạch sinh lợi, chỉ có như thế bà con mới có thể thoát nghèo.

Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn huy động trực tiếp thực hiện Chương trình GNNVBV đạt khoảng 16.513 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 1.465 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.942,3 tỷ đồng; vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 8.223,7 tỷ đồng (thực hiện thông qua 18 chương trình tín dụng)... Như vậy, nguồn vốn để người nghèo vay với lãi suất ưu đãi không thiếu. Cho nên, người nghèo có quyền hy vọng, không lâu nữa, từ các xã bãi ngang ven biển đến những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, mỗi người nghèo sẽ có một mô hình thoát nghèo phù hợp với điều kiện nhân lực, đất đai, vốn và kiến thức sản xuất của bản thân và gia đình. Người nghèo có thể hợp sức với nhiều hộ trong thôn để mở rộng trang trại chăn nuôi, trồng trọt nhanh chóng thoát nghèo. Giao thông ở các xã bãi ngang sẽ thông thoáng hơn khi nguồn lực tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp người dân thuận tiện trong việc buôn bán, đi lại. Ngoài việc hỗ trợ học nghề miễn phí, người lao động nghèo còn được phổ biến kiến thức về khoa học - kỹ thuật, tư vấn pháp luật, quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động trợ giúp cần hướng đến tính bền vững, trợ giúp cần có cam kết, điều kiện kèm theo và hướng dẫn hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, đồng thời phối hợp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo. Chính quyền địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tối đa về kỹ thuật và các điều kiện chăn nuôi cho bà con khi có vấn đề phát sinh.

Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Ước đến cuối năm 2018, toàn tỉnh thực hiện giảm 23.779 hộ nghèo theo chỉ tiêu kế hoạch của UBND giao (dự kiến giảm từ 81.758 hộ cuối năm 2017 xuống còn 57.979 hộ cuối năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2,5% (từ 8,43% cuối năm 2017 xuống còn 5,93% cuối năm 2018)... với kinh phí dự kiến phân bổ là 439.673 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư 290.310, kinh phí sự nghiệp 149.363 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các xã đặc biệt khó khăn thuộc xã biên giới, xã an toàn khu, thôn đặc biệt khó khăn.

Để đạt mục tiêu mà Chương trình hỗ trợ GNNVBV đề ra, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh phải giảm còn khoảng 1,01%, bình quân giảm 2,47%/năm; thu nhập bình quân của người nghèo đạt khoảng 1,715 triệu đồng/người/tháng (tăng thêm 460 nghìn đồng/người/tháng)... Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chế độ, chính sách, các cấp hội, chính quyền đoàn thể cơ sở cần trang bị, phổ biến cho bà con những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết trong việc chi tiêu hợp lý. Để làm được như vậy, hơn hết chính bản thân mỗi người dân, mỗi hộ nghèo, người nghèo cần phải đổi mới tư duy, cách làm của mình, tự vận động, quyết tâm và có sự bứt phá vươn lên từ trong suy nghĩ về việc làm kinh tế. Tại những vùng đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục giúp bà con tiếp cận mô hình mới, cách làm hay trong phát triển sản xuất, tận mắt nhìn thấy kết quả để tin và làm theo. Điều này cũng có nghĩa phải tập để hộ nghèo tự tay cầm cái “cần câu” mà Nhà nước đã trao để câu được những “con cá” cho mình. Có như vậy, mới giúp người dân thực sự yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất, con đường thoát nghèo cho những người nghèo từ đó mới có thể rút ngắn hơn, bền vững hơn bằng chính khả năng sẵn có của họ, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]