(Baothanhhoa.vn) - Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đứng vững trên “đôi chân” là tinh thần thượng tôn pháp luật và khẳng định quyền lực tối thượng thuộc về Nhân dân. Điều đó không chỉ thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta; mà còn thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân bản là hướng đến hạnh phúc của con người!

“Nước lấy dân làm gốc”!

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đứng vững trên “đôi chân” là tinh thần thượng tôn pháp luật và khẳng định quyền lực tối thượng thuộc về Nhân dân. Điều đó không chỉ thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta; mà còn thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân bản là hướng đến hạnh phúc của con người!

“Nước lấy dân làm gốc”!

Diện mạo đô thị hiện đại của TP Thanh Hóa.

Quyền lực thuộc về Nhân dân!

Việt Nam, cái danh từ hàm súc từng có sức lôi cuốn kỳ lạ và khiến không ít học giả băn khoăn: Vì sao Việt Nam thắng? Vì sao Việt Nam thắng Pháp - đại diện sừng sỏ nhất của chế độ thực dân kiểu cũ? Vì sao Việt Nam thắng Mỹ - đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ? Và rằng, vì sao dân tộc nhỏ bé này có thể tiến hành cuộc chiến kéo dài suốt nhiều thập kỷ, dẫu luôn ở thế “cửa dưới”?... Để rồi, qua quá trình “cố tìm để hiểu”, một học giả phương Tây đã đưa ra cách biện giải, rằng “Việt Nam là một đất nước, chứ không chỉ là một cuộc chiến, với bề dày lịch sử, với những bài học mà ít người chịu bỏ thời gian để học”. Nói một cách dễ hiểu hơn thì các thế lực ngoại xâm đặt chân lên đất nước này, với mọi sự trang bị tốt nhất. Chỉ duy nhất một điều thiếu sót - song lại là thiếu sót căn bản - đó là họ chỉ không học thuộc lịch sử mà thôi!

Lịch sử trải hàng nghìn năm của quốc gia nhỏ bé và mong manh trước sóng gió trùng khơi này, là lịch sử của vô vàn cuộc tranh đấu vì sự tồn - vong của dân tộc. Tranh đấu với các thế lực của tự nhiên để sinh tồn và tranh đấu với các thế lực ngoại bang để bảo vệ quyền tự quyết cho quốc gia - dân tộc. Trong cuộc tranh đấu ấy, lực lượng chân chính và quyết định cho mọi thắng lợi là Nhân dân - với sức mạnh kỳ diệu của tinh thần yêu nước và khả năng cố kết cộng đồng bền chặt. Thực tiễn lịch sử dân tộc đã có không ít minh chứng thuyết phục về sức mạnh Nhân dân. Đó là hệ thống đê bao dài hàng nghìn km, được ví như “bức tường” chắn lụt bão, bảo vệ xóm làng. Công trình vĩ đại ấy không thể có được nếu không dựa vào sức lực, mồ hôi, nước mắt của hàng triệu triệu con người, đã bỏ ra từ hàng nghìn năm trước và đến ngày nay, bài học về quai đê ngăn nước vẫn còn nguyên tính thời sự. Hay như cuộc tranh đấu đằng đẵng để xé toang đêm trường nghìn năm Bắc thuộc; rồi thời kỳ củng cố, xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự chủ của các vương triều phong kiến trải từ Đinh, Lý, Trần, Lê... Tất cả đều có bóng dáng, vai trò của Nhân dân. Xuất phát từ đó mà có người đã đưa ra nhận định, rằng muốn duy trì sự trường tồn của dân tộc và quyền điều hành đất nước, những người lãnh đạo dân tộc Việt Nam phải biết dựa vào dân, coi dân là gốc và lấy dân làm gốc!

Cũng bởi “Dân là gốc của nước nhà, gốc vững thì nước mới yên”, nên nhiều nhà tư tưởng lớn của dân tộc đã thấm nhuần sâu sắc vai trò của Nhân dân đối với sự tồn vong, thịnh suy của quốc gia - dân tộc. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trước khi qua đời đã căn dặn vua tôi Nhà Trần, rằng phải “khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”; Nguyễn Trãi đã khẳng định; “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân... Và đến lượt mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và nâng lên một tầm cao mới bài học về lấy dân làm gốc của tiền nhân. Đó là “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân" và rằng “Nước lấy dân làm gốc”!

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Như vậy, xuất phát từ thực tiễn lịch sử và được đúc kết trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, đến việc hiến định trong Hiến pháp, đã cho thấy: Nhân dân không chỉ là lực lượng cách mạng, gánh vác sứ mệnh lịch sử đặc biệt và trọng đại; mà còn là lực lượng làm chủ Nhà nước. Nói cách khác, nền tảng cho sự tồn tại Nhà nước nằm ở Nhân dân, hay cái gốc của quyền lực là Nhân dân!

Thấm đẫm tinh thần nhân văn!

Khi nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước, có nhận định cho rằng, nền “pháp quyền nhân nghĩa” Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo đức và pháp luật, trong đó, đạo đức là gốc, pháp luật là chuẩn! Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ khăng khít, khi pháp luật là hình thức hay biện pháp khẳng định chuẩn mực, giá trị đạo đức; còn chuẩn mực đạo đức càng cao thì vai trò của pháp luật càng quan trọng. Trong bài báo “Chính phủ là công bộc của dân”, in trên báo Cứu Quốc số 46, ngày 19-9-1945, Bác viết: “Chính phủ là công bộc của dân. Các công việc của Chính phủ phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ Nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Quan điểm của Bác phản ánh đậm nét bản chất chất ưu việt của chế độ ta và thấm đẫm tinh thần nhân văn - tất cả vì con người và hướng đến hạnh phúc của con người. Hệ giá trị ấy vừa dựa trên những chuẩn mực chung là hòa bình, độc lập tự chủ, dân chủ, bình đẳng, văn minh, nhân ái, ấm no...; vừa có những chuẩn mực riêng như ai cũng có công ăn việc làm, được học hành, được tự do phát triển tài năng, có cuộc sống văn hóa - tinh thần phong phu...

Nếu CNXH là mục tiêu, là lý tưởng nhân văn cao đẹp để dân tộc hướng đến; thì xây dựng Nhà nước pháp quyền là con đường tất yếu để hiện thực hóa khát vọng ấy. Do vậy, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vừa mang đặc trưng căn bản của Nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật; đồng thời, thể hiện bản chất xã hội XHCN “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà nước nắm vai trò là cơ quan đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân. Song, dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi với nhau mới là điều kiện để Nhà nước vững mạnh. Nói cách khác, dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, nhằm bảo đảm cho mọi người được phát huy hết khả năng cá nhân; kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân - tập thể - cộng đồng - đất nước. Mối quan hệ giữa “nước” với “dân” là mối quan hệ khăng khít giữa lợi ích - quyền và trách nhiệm - nghĩa vụ.

Có một chân lý rất giản dị của cuộc sống mà bất kỳ công dân yêu nước và có trách nhiệm nào cũng cần nằm lòng. Rằng “Không thể có hạnh phúc cá nhân bên ngoài hạnh phúc xã hội. Cũng như cây cối bị nhổ khỏi đất và ném lên cái khô cằn thì không thể sống được” (L.Tônxtôi). Chân lý ấy dẫn dắt hành động của con người phù hợp với bối cảnh lịch sử. Ví như “cuộc đụng đầu lịch sử” trên mặt trận Hàm Rồng những năm 60 của thế kỷ trước, khiến những con người đang sống trong bầu không khí hừng hực ấy không thể sống khác, nghĩ khác với cái chung cao cả. Vậy nên, mới có những cô gái trẻ trung, mảnh dẻ có thể vác trên mình cả khối đạn gấp đôi, gấp ba lần cơ thể; có những con người có thể hy sinh tính mạng mà không luyến tiếc tuổi xuân; có những gia đình tất cả đều ra trận địa; có những em nhỏ quên mình cứu bạn; có những nhà sư xắn áo nâu sòng chạm tay vào bùn và máu...

Hay khi cả nước đang căng mình chống “giặc COVID”, thì mỗi người dân phải trở thành một mắt xích trong cỗ máy đang vận hành khẩn trương, hay một viên gạch trong pháo đài chống dịch từ cơ sở. Chính vì lẽ đó, việc có kẻ lợi dụng “tự do ngôn luận” trên mạng xã hội để cố tình đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt nhằm làm “nhiễu”, gây hoang mang dư luận để câu like, câu view... là hành vi không thể chấp nhận được. Hoặc, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII cách đây vài tháng và hiện nay là cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, khi cả dân tộc đã và đang hân hoan bước vào ngày hội lớn, với niềm tin và khí thế mạnh mẽ; thì đâu đó trên mạng xã hội vẫn có những tiếng nói lạc lõng, cố tình bôi xấu, xuyên tạc, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng và tâm nguyện của Nhân dân. Những hành vi như vậy nhất định phải lên án, vạch trần và xử lý nghiêm minh.

“Hằng số” của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc được tạo dựng từ nền tảng vững chắc là khối đại đoàn kết toàn dân. Bởi vậy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân cũng chính là quá trình khơi dậy sức mạnh Nhân dân, nhằm tiếp tục bồi đắp cho cơ đồ và vị thế quốc gia - dân tộc ngày càng vững chãi!

Bài và ảnh: Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]