(Baothanhhoa.vn) - Năm 1967, Bác Hồ gửi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị bài thơ Bác viết Kiên trì thắng lợi ắt không xa(1) để Bộ Chính trị quán triệt sâu sắc hơn nữa và kiên định thực hiện đường lối, chiến lược, sách lược mà Đảng đã định ra trước tình hình thế giới có nhiều biến động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiên trì thắng lợi ắt không xa

Kiên trì thắng lợi ắt không xa

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1967, Bác Hồ gửi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị bài thơ Bác viết Kiên trì thắng lợi ắt không xa(1) để Bộ Chính trị quán triệt sâu sắc hơn nữa và kiên định thực hiện đường lối, chiến lược, sách lược mà Đảng đã định ra trước tình hình thế giới có nhiều biến động.

(Về hai bài thơ Bác Hồ gửi Bộ Chính trị)

Trung Đông sấm chớp vừa bùng nổ,

Bỗng chốc lôi đình đã tạm câm

Xoay chuyển vì ai cho nên nổi?

Anh em Ả Rập phải thương tâm!

Trông người ta phải ngẫm đến ta

Sách lược của ta, ta định ra

Chớ để cho ai lay chuyển nó,

Kiên trì thắng lợi ắt không xa.

Bài thơ chính luận thất ngôn bát cú nói về một vấn đề lớn trong bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp, thế giới có những xung đột lớn và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt, đỉnh cao; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết giành thắng lợi cuối cùng. Chính luận ở đây xuất phát từ cơ sở thực tế đang diễn ra để làm rõ, chỉ rõ và đòi hỏi nhất quyết phải kiên định, kiên trì, kiên quyết thực hiện bằng được đường lối của Đảng đã hoạch định ta định ra.

Bốn câu thơ đầu nói rõ, khi thế giới xảy ra tình hình Trung Đông sấm chớp vừa bùng nổ, Bác đã theo dõi rất chặt chẽ, các quốc gia Syria, Irắc, Palestine, Yemen... bất ngờ bị Ixraen tấn công đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ. Cuộc chiến tranh chớp nhoáng đã gây tang tóc đau thương, đất đai bị xâm chiếm. Một câu hỏi được đặt ra:

Xoay chuyển vì ai cho nên nổi?

Anh em Ả Rập phải thương tâm!

Từ đó, giữa bài thơ xuất hiện tiếp câu thơ nhắc nhở, phải nghiêm túc suy ngẫm:

Trông người ta phải ngẫm đến ta.

Câu thơ nhắc nhở cũng là câu thơ chuyển ý, chuyển đoạn để chỉ ra yêu cầu cấp thiết, thể hiện vấn đề chính yếu, bộc lộ chủ đề bài thơ:

Sách lược của ta, ta định ra

Chớ để cho ai lay chuyển nó

Kiên trì thắng lợi ắt không xa.

Như vậy đã quá rõ, thiết nghĩ chẳng phải bình luận gì thêm.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã làm theo lời Bác, kiên trì, kiên định thực hiện đường lối ta định ra. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã toàn thắng, Tổ quốc thống nhất, giang sơn quy về một mối.

Đến nay và mãi mãi bài thơ của Bác vẫn nguyên giá trị, từ một thực tế lịch sử khẳng định một cách thức, một phương pháp tư tưởng và thống nhất hành động sẽ đi tới đích thắng lợi.

Về bài thơ thứ hai Bác gửi Bộ Chính trị (2):

Thời giờ đi chóng tựa thoi đưa,

Thấm thoát xa nhà một tháng rồi

Nghìn dặm nghe vui tin thắng lợi

Một mình nằm tính chuyện xa xôi.

Theo đồng chí Vũ Kỳ, người gần gũi, phục vụ công việc hàng ngày của Bác cho biết: Từ năm 1965 sức khỏe của Bác bị giảm sút, do tuổi Bác ngày càng cao, cả cuộc đời Bác hiến dâng cho nước, cho dân, toàn tâm, toàn trí, không biết mệt mỏi. Bộ Chính trị quyết định hàng năm sắp xếp Bác đi nghỉ dưỡng một thời gian ở nước ngoài để phục hồi sức khỏe.

Ngày 5-9-1967, sau dự lễ kỷ niệm Quốc Khánh mùng 2 – 9, mọi công việc được triển khai tốt và việc chuẩn bị cho công việc thời gian tới hoàn tất, Bác lên đường đi Bắc Kinh, Trung Quốc. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bố trí Bác nghỉ dưỡng tại Ngọc Tuyền Sơn - Khu nghỉ dưỡng của các Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.

Tại khu nghỉ dưỡng này, hàng ngày Bác vẫn giữ nếp rèn luyện thể dục, thể thao, đi bộ, leo núi, đi những đường quyền như luyện tập ở trong nước. Tuy là đi nghỉ dưỡng nhưng Bác vẫn liên lạc chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Chính trị, theo dõi và chỉ đạo cuộc chiến đấu của quân và dân hai miền Nam - Bắc. Chỉ riêng tháng 10 – 1967, Bác gửi ba lá thư khen chiến sĩ, đồng bào các địa phương bắn rơi máy bay Mỹ; Điện gửi Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai.

Xa nhà, xa nước, chữa bệnh, luyện tập, nghỉ ngơi, suy ngẫm... bài thơ Bác gửi Bộ Chính trị là cả một niềm tâm sự, một nỗi lòng, một quyết tâm.

Thấm thoát xa nhà một tháng rồi

Nghìn dặm nghe vui tin thắng lợi

Một mình nằm tính chuyện xa xôi.

Đọc mấy câu thơ ta cảm kính vô cùng, phải đi dưỡng bệnh ở nơi xa Tổ quốc, từng ngày, từng giờ, từng phút Bác nhẩm tính thời gian thấm thoát xa nhà. Tuy đã được chuẩn bị, đã tự chủ nhưng tâm trạng vẫn bộn rộn và Bác đã bộc lộ niềm tâm sự riêng ấy. Chẳng thế mà trong bài thơ Được tin thắng lợi cả hai miền trong chùm thơ ba bài (Tập trèo núi, Được tin thắng lợi cả hai miền, Bác gửi Bộ Chính trị) ngay câu mở đầu đã là xa nhà nhớ lắm bạn ai ơi.

Hai chữ xa nhà ở hai câu thơ trong hai bài thơ đủ nói nỗi nhớ nhà, nhớ nước, nhớ đồng chí, nhớ đồng bào ở Bác da diết biết chừng nào.

Bác là người bao giờ cũng làm chủ mọi hoàn cảnh, mọi tình thế, đường dây liên lạc được nối với bên nhà. Bộ Chính trị thường xuyên cử người sang báo cáo trực tiếp tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của Bác. Đặc biệt, mỗi khi nhận được tin thắng trận Bác rất vui – niềm vui lớn: Thắng lợi miền Nam đỏ góc trời/ Miền Bắc quân dân đều đánh giỏi/ Tàu Mỹ hai nghìn bị bắn rơi (được tin thắng lợi cả hai miền). Bác kể lại, diễn tả sự xúc động, niềm vui của mình Nghìn dặm vui nghe tin thắng lợi (Bác gửi Bộ Chính trị).

Với hai câu thơ:

Thấm thoát xa nhà một tháng rồi

Nghìn dặm vui nghe tin thắng lợi.

Đã nói đầy đủ, cụ thể nỗi nhớ và niềm vui khi Bác ở xa Tổ quốc. Câu kết bài thơ tiếp tục bộc lộ một việc có tác dụng đến sức mạnh, con đường đi tới đích thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước, đó là câu thơ:

Một mình nằm tính việc xa xôi.

Tính việc xa xôi đối với Bác không ngoài việc nước, việc dân, việc kháng chiến cứu nước phải đi đến thắng lợi cuối cùng.

- Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta.

(Chúc Tết Mậu Thân – 1968)

- Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên!

Chiến sĩ, đồng bào!

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn.

(Chúc Tết Kỷ Dậu – 1969)

Những câu thơ, bài thơ được viết ra khi sức khỏe của Bác không tốt, nhưng nó là kết quả của Kiên trì thắng lợi ắt không xa, của Tính việc xa xôi.

Đọc câu thơ Một mình nằm tính việc xa xôi, phút lặng, thương kính Bác vô cùng, vững niềm tin nơi Bác, làm theo lời Bác.

(1) Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, trang 604.

(2) Báo Văn nghệ số 35, Hà Nội, 1969.

LÊ XUÂN ĐỨC


LÊ XUÂN ĐỨC

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]