(Baothanhhoa.vn) - Cũng như bao miền quê xứ Thanh trong suốt chiều dài lịch sử, huyện Hoằng Hóa mang trong mình một truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, tươi đẹp của dân tộc, đồng thời cũng biểu hiện rõ sắc thái riêng. Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, trải qua hàng ngàn năm xây dựng, khai phá và phát triển, trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng này, mỗi đám ruộng, thửa vườn, tên đất, tên làng... nơi nào cũng hằn sâu vết lịch sử và văn hóa, chỗ nào cũng lung linh những kỳ tích xây dựng và đấu tranh hào hùng của cha ông...

Huyện Hoằng Hóa: Tự hào truyền thống cách mạng 24-7 kiên cường

Cũng như bao miền quê xứ Thanh trong suốt chiều dài lịch sử, huyện Hoằng Hóa mang trong mình một truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, tươi đẹp của dân tộc, đồng thời cũng biểu hiện rõ sắc thái riêng. Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, trải qua hàng ngàn năm xây dựng, khai phá và phát triển, trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng này, mỗi đám ruộng, thửa vườn, tên đất, tên làng... nơi nào cũng hằn sâu vết lịch sử và văn hóa, chỗ nào cũng lung linh những kỳ tích xây dựng và đấu tranh hào hùng của cha ông...

Huyện Hoằng Hóa: Tự hào truyền thống cách mạng 24-7 kiên cường

Khu Di tích lịch sử Cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Ảnh: CTV

Cách đây 77 năm, ngày 24-7-1945 dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, các tầng lớp Nhân dân Hoằng Hóa đã kề vai, sát cánh vùng lên khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền thắng lợi. Đây là cuộc khởi nghĩa sáng tạo, táo bạo và trọn vẹn, là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 24-7-1945 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà, viết lên bản hùng ca theo cùng năm tháng.

Ngược dòng lịch sử, ngày 1-9-1930 tại thôn Cự Đà (xã Hoằng Đức), chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hoằng Hóa được thành lập. Sau một thời gian hoạt động, chi bộ bị địch khủng bố và phải tạm dừng hoạt động. Tháng 6-1944, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng Hoằng Hóa được tái lập. Từ đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, phong trào Việt Minh trong huyện từng bước được dấy lên thành cao trào mạnh mẽ, rộng lớn. Đầu năm 1945, trục phát xít Đức - Ý - Nhật bị đánh bại, chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa lung lay, dao động. Trong nước, bọn quân phiệt Nhật và tay sai tăng cường chính sách bóc lột và đàn áp phong trào cách mạng. Dân ta bị hai tròng áp bức bóc lột, sự căm hờn đã cao độ, khí thế cách mạng càng sục sôi. Thực hiện chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và chỉ thị của Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Kíp sửa soạn khởi nghĩa”, chi bộ Đảng và Ban Việt Minh Hoằng Hóa đã chớp thời cơ, chủ động triển khai hành động, kêu gọi các tầng lớp Nhân dân chuẩn bị vũ trang, nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành lớn nổ ra ở khắp các làng, tổng, làm cho kẻ địch tức tối và lo lắng.

Ngày 11-7-1945, một cuộc tuần hành lớn diễn ra ở phía Nam huyện, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt với hàng trăm quần chúng tham gia, diễu hành qua nhiều làng, tổng, không khí khởi nghĩa đã lan rộng bao trùm toàn huyện. Trước khí thế cách mạng lên cao ở Hoằng Hóa, ngày 23-7-1945, Tỉnh trưởng Thanh Hóa đã phái lực lượng lính bảo an gồm 34 tên do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ cùng tri phủ Hoằng Hóa phối hợp khủng bố phong trào cách mạng ở Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), nơi mà chúng cho là “cái nôi” cách mạng Hoằng Hóa.

Nắm được âm mưu khủng bố của địch, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, kế hoạch tác chiến của tự vệ huyện được triển khai trong đêm 23-7. Tại Đằng Trung, một lực lượng gồm 12 chiến sĩ phục kích ở cồn Mã Nhón (Hoằng Đạo). Tại Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), tự vệ các thôn Hóa Lộc, Hải Châu, Hoàng Chung, Ngọc Long và các làng lân cận thuộc tổng Bái Trạch bố trí lực lượng chiến đấu tại các ngã ba đường, sẵn sàng đánh giặc.

Sáng 24-7-1945, toán lính bảo an gồm 22 tên được trang bị đầy đủ vũ khí do Quản Hiến chỉ huy từ phủ lỵ kéo qua chợ Quăng rồi thẳng đường Hà Đồ đến Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu). Khoảng 10 giờ sáng, khi đến đình Hoàng Chung, chúng tập trung củng cố đội hình nhằm tiến công vào Liên Châu - Hóa Lộc. Trong lúc chưa kịp ổn định đội ngũ, tự vệ ta đã bao vây bắc loa kêu gọi đầu hàng và xung phong vào đình, dùng mã tấu đánh giáp lá cà, chém 5 tên lính trọng thương. Bọn địch hoảng hốt nổ súng và vội vã rút chạy qua đồng cát ra bờ sông Mã, cướp một số thuyền của dân chài đang đậu, vượt sông sang Quảng Xương rồi về tỉnh lỵ. Về phía ta, đồng chí Lê Văn Tướn, tự vệ thôn Ngọc Long (nay thuộc xã Hoằng Phong) anh dũng hy sinh. Đây là liệt sĩ cách mạng đầu tiên của Hoằng Hóa và một tự vệ bị thương nhẹ là đồng chí Lê Văn Tiệc, ở thôn Hoàng Chung. Tại Hoằng Đạo, cánh quân của tri phủ Phạm Trung Bảo cũng bị tự vệ Đằng Trung mai phục, giả làm người đi làm đồng về, bất ngờ tiếp cận, tước vũ khí, bắt sống.

Sau khi đập tan cuộc khủng bố của địch tại cồn Mã Nhón và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), buổi trưa cùng ngày, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã tổ chức cuộc mít tinh quy mô lớn với gần một vạn quần chúng và tự vệ cứu quốc tham gia tại cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng) để mừng chiến thắng và xét xử bè lũ Phạm Trung Bảo. Sau cuộc mít tinh, thừa thắng xốc tới, lực lượng cách mạng đã tiến về chiếm phủ đường. Trước khí thế của cách mạng, không còn cách nào khác bọn lính và nha lại trong phủ phải hạ vũ khí đầu hàng, giao ấn chỉ cho chính quyền cách mạng. Như vậy, từ trưa ngày 24-7-1945, bộ máy đầu não tay sai của Nhật đã bị xóa bỏ trên quê hương Hoằng Hóa.

Ngày 24-7-1945 trở thành một mốc son tươi thắm, đánh dấu sự đổi đời của Nhân dân Hoằng Hóa từ thân phận nô lệ mất nước, trở thành người làm chủ. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh, được đồng chí Trường Chinh đánh giá là “rất táo bạo”. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận rằng, cuộc khởi nghĩa ấy xứng đáng là “Lá cờ đầu của công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa”...

Sau khi cách mạng thành công, cùng với cả nước, huyện Hoằng Hóa bước vào thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945-1975). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoằng Hóa cùng với cả tỉnh đã đóng góp sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong thời kỳ chống Mỹ, Hoằng Hóa vừa là hậu phương lớn vừa là tiền tuyến chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Nhân dân và các lực lượng vũ trang Hoằng Hóa đã tham gia 940.000 ngày công đào đắp công sự, đóng góp 5 vạn cọc tre, tháo dỡ 1.536 nhà cho xe pháo đi qua, làm trận địa, hầm cứu thương cho bộ đội và xây dựng tuyến phòng thủ bờ biển, tổ chức 30 đội với 212 người tháo gỡ 16 quả bom phá, 36 bom từ trường, giải phóng đường 1A cho xe vận tải hàng hóa, đạn dược vào Khu 4 và ngư trường cho ngư dân đánh bắt hải sản. Toàn huyện có 5.016 người con đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường và gần 2.000 người để lại một phần xương máu nơi trận mạc; có trên 40 tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, trên 400 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 30.000 huy chương các hạng được trao cho đơn vị huyện, xã, các ngành và cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải chi viện chiến trường.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoằng Hóa lại tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 12,3%, trong đó sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 5,7%; công nghiệp xây dựng tăng 17,1%; dịch vụ thương mại tăng 8,62%; thu ngân sách Nhà nước vượt 63,7% so với kế hoạch đề ra. Các nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển tăng trên 6.000 tỷ đồng. Sản lượng lương thực đạt 97.069 tấn; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 27.030 tấn (vượt kế hoạch); giá trị sản phẩm trên đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 163,7 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53,1 triệu đồng. Huyện đang phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030.

Những ngày này, mỗi người dân Hoằng Hóa ai ai cũng đều cảm nhận rõ sự đổi thay của quê hương sau 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII. Từ trung tâm huyện cho đến các xã, thị trấn, những công trình phúc lợi xã hội, những ngôi nhà mái bằng, cao tầng mọc lên san sát, các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đang hối hả sản xuất và những con đường thẳng tắp, những cây cầu, ngôi trường tươi rói màu sơn tô điểm cho bức tranh quê hương những sắc màu nổi bật của vùng đất đang trên đà phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của trên 223.000 dân trong huyện ngày có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đó là thành quả của sự đoàn kết, bền bỉ phấn đấu của Đảng bộ và Nhân dân Hoằng Hóa trong suốt những năm qua.

Có thể nói, hòa cùng vào sự phát triển đi lên, Hoằng Hóa hôm nay đang thay da đổi thịt hàng ngày. Truyền thống cách mạng 24-7 kiên cường mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, là động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hoằng Hóa ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới trên quê hương cách mạng anh hùng.

Trần Đức Tuấn

(Huyện ủy Hoằng Hóa)


Trần Đức Tuấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]