(Baothanhhoa.vn) - Sáng 31-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã kết thúc Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sau một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đóng góp nhiều nội dung quan trọng tại các phiên thảo luận của Quốc hội

Sáng 31-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã kết thúc Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sau một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đóng góp nhiều nội dung quan trọng tại các phiên thảo luận của Quốc hội

Đại biểu Mai Sỹ Diến, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường.

Phiên thảo luận có 77 ĐBQH phát biểu, có 9 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình, cung cấp thông tin thêm một số vấn đề có liên quan. Không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh…

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Mai Sĩ Diến: Công khai danh sách đơn vị vi phạm quản lý ngân sách

Đề cập đến vấn đề điều hành ngân sách, ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) ghi nhận, các bộ, ngành, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN có hiệu quả, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước rất đáng trân trọng trong những năm qua.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Sĩ Diến cũng chỉ ra nhiều vấn đề gây băn khoăn phải được làm rõ.

Trước hết, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã khẳng định đang có những khó khăn nhất định đối với nền kinh tế nước ta như tình trạng bệnh dịch tả lợn Châu Phi, giá xăng dầu tăng, giá điện tăng ảnh hưởng và gây khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh… nhưng việc thực hiện thu ngân sách nhà nước lại tăng cao và vượt khoảng 8% so với dự toán của Quốc hội. Các báo cáo trình Quốc hội cho thấy, có nhiều khoản thu thực sự không phải là khoản thu ổn định lâu dài và khoản thu thực sự của năm tài chính; có nhiều khoản thu được của năm tài chính nhưng là các khoản thu từ những năm trước chưa thu được mà được truy thu trong năm tài chính hoặc của những năm sau nhưng được thu vào năm tài chính, như các khoản tiền thu sử dụng đất, tiền thoái vốn Nhà nước, nợ đọng thuế của các năm trước, thu tăng sản lượng khai thác dầu thô so với số đã báo cáo Quốc hội, một số địa phương điều chuyển nguồn thu thuế của năm sau sang nguồn thu năm trước để cân đối dự toán chi hoặc để hoàn thành dự toán thu. Trên cơ sở này, đại biểu Mai Sĩ Diến đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá một cách chính xác để có căn cứ vững chắc điều hành tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ hai, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh là nguồn thu có tính chất lâu dài, ổn định, bền vững, là một trong những căn cứ để đánh giá sự phát triển kinh tế đất nước, là căn cứ để đánh giá chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này. Nhưng trong báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách năm 2018 khẳng định: số thu NSNN từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều giảm so với số báo cáo Quốc hội. Đây là biểu hiện cho thấy, thu ngân sách Nhà nước không bền vững và thể hiện không công bằng giữa các khu vực kinh tế. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Mai Sĩ Diến nêu ví dụ, trong năm 2017, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vừa có lợi nhuận lớn nhất, vừa được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước, nhưng lại đóng góp vào ngân sách nhà nước có giá trị thấp nhất và thực hiện dự toán chỉ đạt 85,6%. Năm 2018, doanh nghiệp ngoài nhà nước có giá trị đóng góp vào ngân sách và có tỷ lệ thực hiện dự toán cao nhất so với 3 khu vực kinh tế. Điều không bình thường này cần được đánh giá đâu là nguyên nhân, do khâu lập dự toán thu không sát hay do khâu quản lý thuế không chặt chẽ và thiếu quyết liệt. Đại biểu đề nghị Chính phủ phải xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp chỉ đạo kịp thời về vấn đề này.

Thứ ba, việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước trình Quốc hội hiện nay, theo đại biểu Mai Sĩ Diến, phải cân nhắc trong việc lấy kết quả của việc phân bổ dự toán năm trước làm căn cứ để xây dựng và phân bổ dự toán năm sau. Kết quả này chưa hoàn toàn tin cậy vì kết quả thực hiện năm trước chưa chính xác nhưng không phát hiện ra, khi trở thành căn cứ để xây dựng dự toán năm sau thì kết quả dự toán năm sau lại sẽ không chính xác. Báo cáo kiểm toán tại 49 địa phương cho thấy: có 38 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 3.105 tỷ đồng, 12 địa phương sử dụng nguồn thu sử dụng đất để bổ sung chi thường xuyên; 23 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp… Việc xây dựng dự toán có yếu tố chưa chắc chắn này cần có dự báo và điều chỉnh trong tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước, không để ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô và kế hoạch phát triển kinh tế đất nước.

Thứ tư, việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và pháp luật về tài chính ngân sách, phải được thực hiện nghiêm minh từ Trung ương đến địa phương. Đại biểu Mai Sĩ Diến đề nghị, ngoài những việc vi phạm có dấu hiệu hình sự đã được chuyển đến các cơ quan chức năng thì việc xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra những vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách và Nghị quyết của Quốc hội theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước phải được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai theo đúng quy định của pháp luật đối với việc bố trí kế hoạch vốn chưa đúng đối tượng, vượt định mức hỗ trợ; phân bổ ngân sách không có trong kế hoạch đầu tư công, ứng trước kế hoạch vốn sai quy định, chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, giá trị lớn thì phải được kiểm điểm nghiêm túc, công khai, lập danh sách báo cáo Quốc hội.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa): Cần giải pháp căn cơ để phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vùng dân tộc thiểu số được đào tạo nghề

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đóng góp nhiều nội dung quan trọng tại các phiên thảo luận của Quốc hội

Đại biểu Cao Thị Xuân phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường.

Ghi nhận sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp rong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, song đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng, “bức tranh tươi sáng” là nhìn một cách tổng quan và các chỉ số tổng quát, còn nếu nhìn nhận, đánh giá chi tiết hơn thì bức tranh còn những “khoảng màu xám” và “những gam màu tối”, cần quyết tâm cao, giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn. Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh: Nếu chúng ta có thể lượng hóa các chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt, thì chúng ta hoàn toàn có thể đo đếm được những vấn đề xã hội bức xúc đang tồn tại đã được nhiều đại biểu, cử tri tập trung đề cập trong suốt thời gian qua như tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia; các vụ án giết người man rợ; những lo lắng, bức xúc trong môi trường học đường với các vụ gian lận thi cử và bạo lực.

Đại biểu Cao Thị Xuân cũng thẳng thắn chỉ rõ một số vấn đề bất cập, trong đó một số vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc miền núi hiện nay vẫn đang còn nhiều thách thức, khó khăn. Khi chúng ta phát động và luôn nói đến phong trào khởi nghiệp tại các đô thị thì cả nước hiện còn trên 1.400 thôn, bản chưa có điện, tập trung chủ yếu ở các vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ biết đọc biết viết của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên chỉ đạt 79,2% trong khi cả nước là 94,7%. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học trung học cơ sở chưa đến 84% và số đi học trung học phổ thông chỉ đạt 41,8%.

Đề cập đến vấn đề giáo dục, Đại biểu Cao Thị Xuân phân tích: Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú nhưng cả nước chỉ có 314 trường. Hệ thống trường dự bị đại học chỉ có 4 trường và 7 khoa dự bị đại học với quy mô tiếp nhận gần 4.000 học sinh mỗi năm. Cơ sở vật chất các trường dân tộc nội trú xuống cấp chậm được bố trí kinh phí đầu tư mới. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án củng cố phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015 đề ra mục tiêu sẽ xây mới 48 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 22 tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tuy vậy, kết thúc giai đoạn thực hiện đề án mới chỉ hoàn thành 20 trường, 19 trường đang xây dựng dở dang còn lại còn chưa được đầu tư, đây là vấn đề Chính phủ cần quan tâm.

Đối với phân luồng giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm, đại biểu Cao Thị Xuân cho biết, nếu đọc các số liệu về đào tạo nghề vẫn được địa phương cập nhật thường thấy những tỷ lệ đẹp, nhưng thực tế lao động nông dân, dân tộc thiểu số được đào tạo chủ yếu tập huấn, bồi dưỡng kèm cặp kiến thức dưới 3 tháng. Nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề nhưng không ít trong số đó là đào tạo qua loa, lý thuyết không gắn với thực hành, đào tạo không đi liền với sử dụng. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi đạt trình độ trung cấp chỉ là 2,5%, cao đẳng trở lên là 2,9%. Đối với vùng dân tộc thiểu số, mỗi năm có khoảng trên 400.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó có khoảng 130.000 học sinh người dân tộc thiểu số, nhưng phần lớn các em lại trở về bơ vơ giữa bản làng với công việc lao động chân tay đơn thuần, đối diện với nguy cơ nghèo đói và tệ nạn xã hội rình rập, đây là điều rất đáng suy ngẫm. Đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng, nếu không có giải pháp đồng bộ thì khó có thể thu hẹp được khoảng cách giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với khu vực khác của đất nước.

Để giải quyết những tồn tại này, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của vùng dân tộc thiểu số có cơ hội được đào tạo nghề, đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị.

Hà An


Hà An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]