(Baothanhhoa.vn) - 7 năm công tác tại Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân, ông Vũ Trung Tính đã thực hiện nhiệm vụ trên những chuyến Tàu Không Số, với 18 chuyến vượt biển, vận chuyển vũ khí thành công hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam những ngày đánh Mỹ, thực hiện nhiệm vụ dưới sự vây ráp gắt gao của kẻ thù, với ý chí sắt đá “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về người thuyền trưởng Tàu Không Số

7 năm công tác tại Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân, ông Vũ Trung Tính đã thực hiện nhiệm vụ trên những chuyến Tàu Không Số, với 18 chuyến vượt biển, vận chuyển vũ khí thành công hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam những ngày đánh Mỹ, thực hiện nhiệm vụ dưới sự vây ráp gắt gao của kẻ thù, với ý chí sắt đá “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”...

Chuyện về người thuyền trưởng Tàu Không Số

Ông Vũ Trung Tính (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội Đoàn tàu Không số năm 1965. Ảnh: Tư Liệu

Năm 19 tuổi, Vũ Trung Tính tốt nghiệp khóa 2 Trường Trung cấp Hàng hải tại Hải Phòng, sau đó ông về công tác tại Xí nghiệp đánh cá Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. Tại đây, ông đã xung phong lên đường nhập ngũ về Quân chủng Hải quân. Tháng 2-1964, ông được tuyển vào Trung đoàn 170 để huấn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khóa huấn luyện tân binh, Vũ Trung Tính được biên chế vào Lữ đoàn 125, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Từ năm 1964 đến cuối năm 1970, Vũ Trung Tính trưởng thành, phát triển từ thủy thủ Hàng hải lên đến thuyền trưởng, ông đã hoàn thành 18 chuyến vượt biển từ Bắc vào Nam thành công dưới sự truy lùng gắt gao của địch, đưa hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam, 7 năm thực hiện nhiệm vụ trên 3 tàu, trong đó có 2 tàu là 42 và 154 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân đầu tiên thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, góp phần lầm nên huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sau “sự kiện Vũng Rô”, con đường vận chuyển chiến lược vũ khí cho đồng bào miền Nam bị lộ, từ tháng 2 đến tháng 9-1965, chúng ta đã cho xuất phát 4 chuyến từ Bắc vào Nam, thì 3 chuyến thất bại và 1 chuyến phải quay về. Trước tình hình đó, cấp trên lệnh cho cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn 125: Phải nghiên cứu lại con đường vận chuyển theo hướng mới, nhằm kịp thời vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ... Và tàu 42, ngay lập tức được củng cố kiện toàn lại lực lượng để thực hiện sứ mệnh này, với quyết tâm tiếp nối lại đường vận chuyển trên biển để vận chuyển vũ khí một cách nhanh nhất. Nếu như trước đây các tàu của ta với hướng đi ven bờ biển thì nay sẽ đổi hướng, đi vòng sang vùng biển quốc tế để tránh sự phát hiện của địch. Thử thách khó khăn nhất cho cán bộ, thủy thủ tàu là không có Hải đồ biển của các nước. Thử thách mang tính chất bước ngoặt lịch sử được đặt lên vai cán bộ, thủy thủ tàu 42.

Lúc này tàu 42 được bố trí 18 người chứ không phải 16 người như trước đây, đặc biệt để chuẩn bị cho chuyến đi, con tàu đã được đưa sang Trung Quốc cải trang thành tàu đánh cá của ngư dân. Thay bằng đi theo phương pháp Hàng hải địa văn (đi theo hải đồ) thì nay phải đi theo phương pháp Hàng hải thiên văn (tức là dựa vào việc đo các phương vị của mặt trăng, mặt trời, các chòm sao để xác định vị trí trên đường đi).

Ông Tính lúc bấy giờ nhờ hiểu biết về thiên văn nên được chỉ huy lữ đoàn và đồng đội tin tưởng giao nhiệm vụ dò đường đi. “Lúc đó tôi cũng sợ lắm, không ngờ mình lại làm cái việc mà trước đó chưa có tiền lệ, lại là chuyến vận chuyển rất quan trọng, nếu thành công chúng ta sẽ nối lại được tuyến vận chuyển biển sau khi bị địch phát hiện” - ông Tính kể.

Mọi thứ đã sẵn sàng, đúng đêm 15-10-1965, tàu 42 rời bến chở theo 60 tấn vũ khí trong niềm tin và hy vọng sẽ góp phần không nhỏ cho công cuộc kháng chiến ở miền Nam. Từ Hải Phòng tàu 42 phải đi qua Hải Khẩu, Trung Quốc vòng qua đảo Hải Nam, tiếp tục qua quần đảo Bầy Sư (Trung Quốc), tiếp tục vượt biển bằng phương pháp Hàng hải thiên văn, căn cứ sao trời, trăng để xác định phương vị cho tàu đi luồn lách, tránh địch phát hiện...

Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, đến khoảng 14h chiều ngày 20-10-1965, tàu chuyển hướng vào bờ thì bị tàu khu trục của Mỹ phát hiện, ngay lập tức máy bay Mỹ cũng áp sát theo dõi từng động thái của tàu 42, dưới biển tàu Mỹ áp sát, có những lúc tàu địch chỉ cách tàu ta khoảng 1 liên (gần 200 mét). Đối mặt với địch, lúc này 18 thủy thủ trên tàu xác định sẽ chiến đấu một trận sinh tử với địch, sau đó sẽ phá hủy tàu giữa biển khơi. Trước cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, lúc này chính ông Tính là người đưa ra cách, thay bằng chạy vào bờ thì chuyển hướng chạy về hướng cảng Subic (cảng quân sự của Mỹ tại Philippin).

Quyết định mang tính đánh cược mạng mình với địch, không ngờ khi tàu chạy theo hướng đó được khoảng 50 hải lý thì bỗng dưng tàu và máy bay địch ngừng theo đuổi. Như vậy, kế hoạch đã thành công một phần vì ông Tính cho rằng nếu chạy theo hướng về cảng quân sự của Mỹ chúng sẽ không nghi ngờ là tàu chở vũ khí.

Mặc dù thoát khỏi tầm vây ráp của địch, tàu không vì đó mà chuyển hướng vào bờ ngay mà phải giả đánh bắt cá 4 ngày trên biển để tránh sự nghi ngờ. 4 ngày lênh đênh trên biển, 4 ngày không được nối liên lạc với đất liền và cũng là thời gian chỉ huy Lữ đoàn 125 xác định tàu 42 bị lộ và hy sinh trên biển.

Đến ngày 24-10, tàu 42 đã cập bến an toàn sau 10 ngày đấu trí, đấu sức cùng giặc cùng với những sóng gió của biển khơi. Cập bến sau 8 tháng bị gián đoạn, niềm vui không tả xiết của những thủy thủ trên tàu 42, hơn thế nữa, con đường vận chuyển vũ khí trên biển đã được nối lại bằng một hướng đi mới, cách đi mới sau sự kiện Vũng Rô. Chuyến đi mang tính chất bước ngoặt lịch sử này, cán bộ, thủy thủ trên tàu được Bác Hồ gửi tặng thuốc lá, sau này tàu 42 là một trong 2 tàu đầu tiên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân.

Sau chuyến đi lịch sử đó, Vũ Trung Tính tiếp tục tham gia đoàn Tàu Không Số cho đến năm 1970 ông được cử đi học tại Liên Xô (cũ) và tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi chiến tranh biên giới Tây Nam ngày một phức tạp, ông lại cùng những con tàu xông pha chiến đấu tại các vùng biển Tây Nam của nước nhà.

Năm 1991, ông về hưu với cấp hàm Trung tá và sinh sống cùng gia đình tại xã Hải Ninh (Tĩnh Gia). Hơn 30 năm sống đời quân ngũ, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng 7 năm làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn 125- đoàn Tàu Không Số, đi 18 chuyến trót lọt, với ông là khoảng thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất.

Hoàng Khánh Trình


Hoàng Khánh Trình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]