(Baothanhhoa.vn) - Qua giám sát, phản biện xã hội, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã chỉ ra những ưu điểm và những mặt còn hạn chế, những bất cập trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương, đồng thời đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những bất cập, khắc phục hạn chế, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước đưa các cơ chế, chính sách ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Những dấu ấn qua giám sát, phản biện xã hội

Qua giám sát, phản biện xã hội, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã chỉ ra những ưu điểm và những mặt còn hạn chế, những bất cập trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương, đồng thời đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những bất cập, khắc phục hạn chế, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước đưa các cơ chế, chính sách của địa phương vào thực tiễn cuộc sống...

Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng xã Định Hòa (Yên Định) có sự tham gia giám sát của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Hơn 10.000 cuộc giám sát, 861 cuộc phản biện

Trước đây, để phát huy dân chủ trực tiếp của nhân dân, MTTQ các cấp đã vận động nhân dân giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng là chủ yếu. Ở thôn, làng, khu dân cư người dân giám sát chính quyền thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nếu phát hiện sai phạm thì kiến nghị cơ quan Nhà nước, chính quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ, trong khi đó, nhiều dự án, công trình, hồ sơ do nhà thầu, chính quyền, cơ quan đơn vị không công khai... nên ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng giám sát của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng ở cơ sở.

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về quy chế giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH). Hàng năm MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung GS, PBXH trình cấp ủy cùng cấp phê duyệt. Sau gần 5 năm (2014-2018), ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức giám sát độc lập hơn 2.000 cuộc, trong đó cấp tỉnh giám sát hơn 44 cuộc, cấp huyện 864 cuộc, còn lại là cấp xã, phường, thị trấn. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực được người dân quan tâm, như: Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nông thôn xã đặc biệt khó khăn; huy động các nguồn vốn đóng góp của nhân dân thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường; cấp kinh phí cho các khu dân cư; giám sát thực hiện xây dựng hệ thống chính trị và thẩm định đề nghị công nhận, huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân của chính quyền cơ sở; bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khoản thu đóng góp tại các nhà trường...

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra”, MTTQ các cấp phối hợp duy trì và đẩy mạnh hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng. Trong gần 5 năm các Ban TTND đã giám sát được 3.099 vụ, xác minh 342 vụ việc; qua giám sát đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 943 vụ việc. Ban GSĐT của cộng đồng tổ chức giám sát 4.987 công trình, dự án trên địa bàn xã, phường, thị trấn, kiến nghị xử lý 621 công trình có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên của MTTQ cũng tích cực thực hiện giám sát dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, hội viên.

Đối với công tác PBXH, MTTQ các cấp đã tổ chức phản biện được 861 cuộc (trong đó, cấp tỉnh 13 cuộc, cấp huyện 72 cuộc, cấp xã 776 cuộc). Qua PBXH của MTTQ các cấp trong tỉnh, cấp ủy, chính quyền đánh giá cao kết quả phản biện của MTTQ. Đặc biệt sau khi các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chính thức, tình hình tư tưởng nhân dân, các doanh nghiệp đều đồng thuận với chủ trương, chính sách của địa phương. Tiêu biểu như: Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức phản biện dự thảo tờ trình của UBND tỉnh về điều chỉnh giá nước và giá bán nước sạch do Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa sản xuất năm 2018. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Nga Sơn phản biện đối với dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2016 – 2020, định hướng 2025”. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa PBXH dự thảo đề án quy hoạch 7,5 ha khu tái định cư các hộ ngoại đê tả sông Mã trên địa bàn phường Tào Xuyên của UBND phường.

Đồng chí Nguyễn Thành Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nga Sơn, cho biết: Từ khi thực hiện nhiệm vụ GS, PBXH, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã được khẳng định, bước đầu có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, phát huy dân chủ nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đáp ứng niềm tin trong nhân dân.

Tập trung những vấn đề, lĩnh vực người dân quan tâm

Ngay trong năm 2014 - năm đầu thực hiện GS, PBXH, MTTQ đã phối hợp với ngành lao động – thương binh và xã hội, các đoàn thể chính trị - xã hội và các ngành liên quan tiến hành tổng rà soát thực hiện chế độ chính sách với 140.358 trường hợp người có công. Qua rà soát, đã phát hiện có 1.110 trường hợp hưởng chưa đầy đủ, 203 trường hợp hưởng sai chế độ, 4.835 trường hợp chưa được xem xét xác nhận là người có công. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 5 cuộc giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở 8 xã, 8 thôn của 5 huyện, thành phố. Sau giám sát đã kiến nghị dừng và thu hồi trợ cấp 33 trường hợp hưởng sai chế độ thương binh, 3 trường hợp hưởng sai chế độ cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 52 trường hợp thanh niên xung phong hưởng sai chế độ trợ cấp 1 lần, 20 trường hợp thân nhân người có công hưởng sai chế độ. Đặc biệt, năm 2017, MTTQ đã xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với người dân trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ ven biển (giai đoạn 1). Qua giám sát tại các xã, phường dự án đi qua, các đơn vị chưa thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công; giám sát và đánh giá đầu tư; quy định về công khai thông tin dự án; thực hiện kiểm kê, lập phương án trình thẩm định phê duyệt và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không đồng bộ, không cùng thời điểm... Căn cứ kết quả giám sát, đoàn đã kiến nghị với UBND tỉnh một số nội dung, như: Ban hành giá đất ở cụ thể của dự án ở tại TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương để các địa phương có căn cứ xây dựng phương án bồi thường đất ở cho người dân; kiến nghị với ban quản lý dự án cung cấp tài liệu, phục vụ niêm yết công khai thông tin về dự án tại công sở xã, phường có dự án đi qua và tài liệu phục vụ cho các Ban GSĐT của cộng đồng các xã, phường thực hiện giám sát các kiến nghị trên đã được UBND tỉnh, ban quản lý dự án tiếp thu và điều chỉnh kịp thời.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Định Lê Đức Thọ cho biết: Yên Định là một trong những đơn vị đã sớm thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Trong giai đoạn 2014-2016, Ủy ban MTTQ huyện đã giám sát thực hiện chế độ chính sách với người có công. Qua giám sát, nhân dân đã phản ánh những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn hưởng sai chế độ chính sách đã giúp đoàn có căn cứ và kiến nghị với UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra. Kết quả, xã Định Bình có 2 đối tượng tạm đình chỉ trả chế độ; một số đối tượng là người được hưởng chế độ chính sách ưu đãi trên địa bàn nhưng chưa được hưởng đầy đủ đưa vào danh sách đề nghị giải quyết, một số đối tượng chưa làm đầy đủ, kịp thời thẻ bảo hiểm y tế được tiếp thu để giải quyết...

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thanh Hóa Hoàng Thị Hạnh: Xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, năm 2017, MTTQ TP Thanh Hóa giám sát tình hình sử dụng kinh phí hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị cấp xã và khu dân cư theo Quyết định 4269/QĐ-UBND ngày 20-12-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt phân bổ kinh phí hỗ trợ thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Quyết định 3462/2015/QĐ-UBND, Hướng dẫn số 3975/2016/STC-NSXH của Sở Tài chính về thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức chính trị xã, phường và phố, thôn tại 10 đơn vị. Qua giám sát có 3 phường: Lam Sơn, An Hoạch, Tân Sơn chưa cấp kinh phí hỗ trợ cho khu dân cư (phố, thôn), (8 triệu đồng/khu dân cư); xã Đông Lĩnh mới cấp 3 triệu đồng/khu dân cư; có đơn vị cấp đủ nhưng chưa đúng hướng dẫn của Sở Tài chính (xã Hoằng Lý cấp cả cho hội người cao tuổi); một số phường, xã chưa cấp đủ kinh phí là Hoằng Long, Đông Lĩnh (Hoằng Long cấp cho các khu dân cư không bằng nhau, không theo hướng dẫn của Sở Tài chính). MTTQ TP Thanh Hóa đã đề xuất, kiến nghị với Thành ủy, UBND thành phố và phòng tài chính kế hoạch kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu các đơn vị bố trí nguồn cấp đủ kinh phí cho các khu dân cư của năm 2016. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của cấp trên, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 các đơn vị trên địa bàn TP Thanh Hóa đã khắc phục và cấp đủ 8 triệu đồng/khu dân cư.

Đã có rất nhiều hoạt động GS, PBXH phát huy tác dụng cụ thể, đặc biệt là gắn với những vấn đề dân sinh mà nhân dân quan tâm, trăn trở. Qua GS, PBXH, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã chỉ ra những ưu điểm và những mặt còn hạn chế, những bất cập trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương, đồng thời đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những bất cập, khắc phục hạn chế, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước đưa các cơ chế, chính sách của địa phương vào thực tiễn cuộc sống... Qua đó phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng bộ máy chính quyền của dân, do dân và vì dân ngày càng vững mạnh, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng được khẳng định và có uy tín trong dân.

Bài 2: Gỡ nút thắt.


Phan Nga và Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]