(Baothanhhoa.vn) - Bác Lê Đức Nghi (90 tuổi), nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn, Thị ủy thị xã Thanh Hóa (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thanh Hóa) lật giở từng trang giấy đóng thành quyển khá cẩn thận nói với tôi: “Cuốn này giá trị lắm cháu ạ, ông lưu lại các bài báo viết về Bác Hồ mà ông sưu tầm được, đặc biệt có bài “Đón tiếp Hồ Chủ tịch nước trước sân nhà Thông tin Thanh Hóa” đăng trên Báo Thanh Hóa nhân dịp lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (chiều tối ngày 20-2-1947) – đây cũng là lần đầu tiên ông được gặp Bác lúc mới 18 tuổi và một số bài viết ghi lại cảm xúc của những người con Thanh Hóa được gặp Bác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những kỷ niệm không phai mờ

Bác Lê Đức Nghi (90 tuổi), nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn, Thị ủy thị xã Thanh Hóa (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thanh Hóa) lật giở từng trang giấy đóng thành quyển khá cẩn thận nói với tôi: “Cuốn này giá trị lắm cháu ạ, ông lưu lại các bài báo viết về Bác Hồ mà ông sưu tầm được, đặc biệt có bài “Đón tiếp Hồ Chủ tịch nước trước sân nhà Thông tin Thanh Hóa” đăng trên Báo Thanh Hóa nhân dịp lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (chiều tối ngày 20-2-1947) – đây cũng là lần đầu tiên ông được gặp Bác lúc mới 18 tuổi và một số bài viết ghi lại cảm xúc của những người con Thanh Hóa được gặp Bác.

Những kỷ niệm không phai mờ

Giao lưu gặp mặt nhân chứng đã được gặp Bác Hồ tại TP Thanh Hóa.

Trong niềm xúc động, ông Nghi kể tiếp: Chiều tối ngày 20-2-1947, vừa tan lớp học bình dân, tôi được thông báo có đoàn đại biểu của Chính phủ vào nói chuyện ở Phòng Thông tin (nay là Hiệu sách nhân dân tỉnh), vì ở xa nên tôi đến chậm hơn, sân thông tin đã chật chỗ đứng, ngồi. Hai cây đèn măng sông ánh sáng xanh không đủ soi sáng cho cả “rừng người” và lúc ấy Người mặc áo Ba-đờ-xuy giơ chiếc mũ mềm vẫy chào người dân. Tôi đã nhận ra Bác. Cùng lúc đó, những tiếng hoan hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” vang lên như phá tan màn đêm, đại diện phụ nữ và thiếu nhi đến dâng hoa cho Bác... Buổi gặp gỡ, nói chuyện của Bác với nhân dân Thanh Hóa diễn ra không lâu, Bác không đọc diễn văn, cũng không nói những lời văn hoa. Bác Hồ nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Thanh Hóa, tôi thấy đồng bào đến đông đủ thế này thì lấy làm sung sướng lắm”, rồi cụ hỏi: “Sau tám mươi năm làm nô lệ cho thực dân Pháp, bây giờ có ai muốn trở lại làm nô lệ không”?, “Không” tiếng hô đồng thanh từ ngàn vạn trái tim cất lên. Cụ lại hỏi “Đồng bào có muốn tăng gia sản xuất không”?. “Có, quyết tâm”. “Các bạn có muốn Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu không”?. “Có, quyết tâm”... Lần gặp ấy, mọi người càng thêm quyết tâm và tin vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc sẽ nhất định thắng lợi. Với tôi, đó là động lực để tôi quyết tâm theo đuổi việc dạy học vì tỉnh mình, đất nước còn nhiều người chưa biết chữ, đói khổ. Năm 1965, từ ngành giáo dục, tôi được điều về công tác ở thị ủy. Từ năm 1972 đến 1975, tôi được điều sang làm công tác Đảng trong thanh niên xung phong (TNXP) Tổng đội 572 phục vụ cách mạng Lào. Đến năm 1976 trở lại công tác Ban Tuyên giáo Thị ủy và nghỉ chế độ BHXH năm 1988.

Cũng trong lần đầu tiên ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, bà Hồ Thị Kim Liên, cựu giáo chức TP Thanh Hóa cho biết: Lần gặp Bác Hồ năm 1947 tôi mới 12 tuổi là học sinh lớp nhất (cuối cấp) và tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc. Vì thế, tôi vinh dự được tham gia văn nghệ hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” chào mừng Bác Hồ về thăm. Được gặp Bác một lần nhưng sau này, hễ cứ nghe bài hát ấy hoặc đi qua hiệu sách nhân dân tôi lại nhớ da diết kỷ niệm này”.

Với Bác Hồ, cựu TNXP Nguyễn Văn Kỷ, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) dành trọn một tình cảm kính yêu đến lạ thường. Lật giở những kỷ vật quý giá - những phần thưởng của Đảng, Nhà nước trao tặng, ông Kỷ chia sẻ với chúng tôi: “Những năm làm nhiệm vụ ATK (bảo vệ an toàn khu cho cán bộ Trung ương tại khu Việt Bắc) vinh dự được gặp Bác 4 lần. Bác luôn dành thời gian hỏi thăm, động viên chúng tôi làm tốt nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng, hoài bão của tuổi trẻ. Có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về Bác trong những ngày tháng hoạt động tại nơi làm việc của Bác Hồ luôn khắc sâu trong tâm trí tôi đến tận bây giờ”.

Trở về xã Yên Trường (Yên Định) - lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp những năm 1960, tôi cùng với bà Hoàng Thị An, thôn Thạc Quả 2, xã Yên Trường và những người bạn của bà dạo ngắm những bức tranh trưng bày tại phòng truyền thống (Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà tưởng niệm Bác Hồ) của xã, bà An tâm sự: Tôi và ông Trịnh Gia Minh, thôn Thạc Quả 1 được Bác Hồ trao Huy hiệu của Người khi Bác về thăm ngày 16-12-1961. Được gặp Bác là hạnh phúc lớn lao, để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Những lời chỉ dạy của Bác tuy ngắn gọn nhưng là nguồn động viên tinh thần to lớn. Những tác phong, cử chỉ, hành động của Bác có tác động rất lớn, là động lực để tôi cũng như nhiều người dân xã Yên Trường nỗ lực phấn đấu trong công việc và cuộc sống”.

Kỷ niệm về Người đối với người dân Thanh Hóa không chỉ là những lần trực tiếp Bác về thăm mà còn nhiều lần gửi thư biểu dương, khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Tưởng nhớ Bác, hàng năm vào các ngày lễ, kỷ niệm, cấp ủy, chính quyền, ngành các cấp đều tổ chức tọa đàm, gặp gỡ giao lưu với các nhân chứng... để các thế hệ người dân Thanh Hóa hiểu và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những điều Bác Hồ căn dặn. Đặc biệt, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa cũng như cả nước vẫn tiếp tục, thường xuyên học và làm theo Bác theo tinh thần chủ đề mỗi năm Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bài và ảnh: Lê Hà


Bài Và Ảnh: Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]