Năm 2024, thế giới đã chứng kiến nhiều xáo trộn chính trị ở một loạt quốc gia, ảnh hưởng sâu sắc đến bối cảnh chính trị và kinh tế, tác động mạnh mẽ tới các trục quan hệ và cục diện địa-chính trị quốc tế.

Thế giới chứng kiến nhiều xáo trộn chính trị ở một loạt quốc gia

Năm 2024, thế giới đã chứng kiến nhiều xáo trộn chính trị ở một loạt quốc gia, ảnh hưởng sâu sắc đến bối cảnh chính trị và kinh tế, tác động mạnh mẽ tới các trục quan hệ và cục diện địa-chính trị quốc tế.

Thế giới chứng kiến nhiều xáo trộn chính trị ở một loạt quốc giaThủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu, vừa trải qua những biến động lớn trên chính trường khi Thủ tướng Olaf Scholz thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn, dự kiến vào ngày 23/2/2025.

Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh là điều tất yếu và không hề bất ngờ. Ngay từ khi ký thỏa thuận thành lập liên minh “Đèn giao thông” (theo các màu Đỏ-Vàng-Xanh biểu tượng cho 3 đảng) cầm quyền ngày 7/12/2021, giới quan sát đã nhìn thấy những nguy cơ ẩn sau những tiếng cười giòn khi lãnh đạo 3 đảng công bố thỏa thuận liên minh trước công chúng với tên gọi "Táo bạo tiến bộ hơn nữa."

Sự khác biệt giữa 3 bên là rất lớn, đặc biệt giữa hai phe SPD-đảng Xanh với FDP. Rút cuộc, Thủ tướng Scholz đã phải đánh “bài ngửa” khi quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (FDP) – người kiên quyết giữ “phanh nợ” – và đề nghị tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Chưa rõ từ nay tới ngày bầu cử sẽ còn diễn ra những gì và tác động ra sao tới cuộc bầu cử, nhưng điều chắc chắn là sẽ khó có 2 đảng nào có thể giành quá bán để lập liên minh cầm quyền (trừ trường hợp SPD liên minh với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo - CDU/CSU). Như vậy, việc thành lập chính phủ ở Đức sẽ còn phức tạp và khó đoán định.

Pháp rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tháng 12 vừa qua, khiến Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt với vô vàn áp lực.

Chính phủ mới được bổ nhiệm không có được sự ủng hộ đa số tại cơ quan lập pháp, đẩy nước Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và khó khăn trong việc thực hiện các chính sách quan trọng.

Trong bối cảnh này, các đảng phái như đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) và đảng Cánh tả cũng đang gia tăng sức ảnh hưởng. Sự bất ổn có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm trong năm 2025 nếu tình hình không được cải thiện.

Những bất ổn ở Đức và Pháp - với vai trò là hai nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), có thể có những tác động dây chuyền tới toàn khu vực cũng như quan hệ với các nước lớn.

Với tình hình hiện tại, các chính phủ ở Đức và Pháp sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định quan trọng do thiếu sự hỗ trợ từ quốc hội. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đình trệ trong các chính sách an ninh, đối ngoại và kinh tế của EU. Nếu không có một chiến lược rõ ràng để giải quyết các vấn đề như cuộc chiến ở Ukraine, vấn đề người di cư hay năng lượng, EU khó lòng duy trì được vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế.

Đức và Pháp vốn luôn được xem là động lực chính trong việc định hình các chính sách chung của khối. Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị hiện tại đã làm suy giảm khả năng lãnh đạo của cả hai quốc gia, đồng nghĩa EU sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận về các quyết sách quan trọng. Tình trạng thiếu định hướng và một tương lai bất định của EU là điều mà các nước châu Âu khác có thể cảm nhận được khi không có sự lãnh đạo mạnh mẽ từ Berlin và Paris.

Bất ổn tại Đức và Pháp cũng sẽ làm trầm trọng thêm các “căn bệnh” vốn được “ủ” từ lâu trong EU. Việc thiếu sự lãnh đạo quyết đoán từ hai quốc gia này khiến EU gặp khó khăn trong thúc đẩy các chính sách tài chính chung - điều có thể đẩy khối vào nguy cơ mất cân bằng tài chính nghiêm trọng.

Bất ổn chính trị tác động tiêu cực tới nền kinh tế hai nước, đồng thời gây ảnh hưởng tới tăng trưởng của các nước khác trong khối, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Đức và Pháp.

Khi Đức và Pháp không thể duy trì sự ổn định, khả năng phối hợp giữa các quốc gia thành viên EU trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh sẽ bị suy yếu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine và những căng thẳng với Nga.

Các nước Baltic và Đông Âu, vốn phụ thuộc vào sự bảo vệ của NATO, có thể cảm thấy lo ngại hơn về an ninh của mình. Bên cạnh đó, dự án quốc phòng chung của châu Âu liệu có còn được quan tâm thúc đẩy?

Bất ổn chính trị ở Đức và Pháp còn có thể dẫn đến sự dịch chuyển quyền lực sang các quốc gia thành viên EU khác như Hà Lan hoặc Tây Ban Nha, những nước đang được vận hành tốt hơn.

Điều này có thể tạo ra một cấu trúc quyền lực mới trong EU, nơi các quốc gia nhỏ có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc định hình chính sách chung. Các nước như Bỉ và Áo có thể tận dụng tình hình để có tiếng nói hơn trong các cuộc đàm phán.

Với những thay đổi trên chính trường ở Đức và Pháp, ông Donald Trump, khi trở lại Nhà Trắng có thể thay đổi cách tiếp cận đối với châu Âu, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh, quốc phòng và thương mại. Tình trạng thiếu ổn định ở châu Âu có thể khiến Mỹ phải điều chỉnh chiến lược để bảo vệ lợi ích của mình trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Washington có thể lợi dụng tình hình để thúc đẩy các thỏa thuận song phương có lợi với các quốc gia thành viên khác trong EU; cũng có thể sử dụng sự bất ổn ở châu Âu để gây sức ép với NATO, yêu cầu các thành viên tăng cường chi tiêu quốc phòng hoặc thay đổi cách thức hoạt động của tổ chức này.

Việc các đảng dân túy và cực hữu ở Đức và Pháp trỗi dậy mạnh mẽ có thể tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân túy gia tăng tại các quốc gia khác trong EU, chẳng hạn như ở Italy, Hungary và Ba Lan - nơi mà các phong trào này đã có sẵn lực lượng chính trị mạnh mẽ.

Nếu các đảng dân túy tiếp tục giành được sự ủng hộ, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc chính trị châu Âu, ngoài ra có thể khuyến khích các phong trào tương tự ở những nơi khác trên thế giới, kéo theo xu hướng chống lại toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương.

Tại châu Á, Nhật Bản đối mặt với giai đoạn bất ổn, đặc biệt sau thất bại của đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử hạ viện gần đây. Với việc liên minh cầm quyền lần đầu tiên sau 30 năm chỉ chiếm thiểu số tại Hạ viện, các hoạt động đối nội và đối ngoại của lãnh đạo Nhật Bản sẽ gặp không ít khó khăn.

Thủ tướng Shigeru Ishiba, Chủ tịch LDP, đang phải “lao tâm khổ tứ” duy trì sự ủng hộ cần thiết để tiếp tục lãnh đạo đất nước “Mặt trời mọc.”

Việc điều hành quốc gia với tư cách một chính phủ thiểu số đòi hỏi liên minh cầm quyền phải chú ý hơn đến các yêu cầu từ các đảng đối lập, tăng cường đối thoại và hợp tác để có thể thông qua các chính sách quan trọng.

Những biến động này có thể dẫn đến thay đổi trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản, đồng thời ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị và kinh tế của quốc gia.

Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tokyo, chẳng hạn việc điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia, cũng sẽ có tác động tới khu vực và an ninh vùng Đông Bắc Á, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong quan hệ với Mỹ, có ý kiến cho rằng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với thử thách về tính độc lập trong chính sách đối ngoại, bao gồm cả việc liệu có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và dẫn đầu các nỗ lực hợp tác quốc tế hay không.

Tuy nhiên, xét đến việc liên minh cầm quyền của Nhật Bản đã mất phần lớn ghế tại Hạ viện và cơ sở quyền lực của chính phủ Thủ tướng Ishiba vẫn còn yếu, sẽ không dễ dàng để ông giành được sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhất là trong những vấn đề như sửa đổi Hiệp ước về quy chế các lực lượng Mỹ (SOFA).

Những xáo trộn trên chính trường các nước có khả năng tạo ra môi trường chính trị toàn cầu ngày càng phân cực trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày một khốc liệt hơn.

Đối với EU cũng như với Nhật Bản, nếu không có giải pháp hiệu quả để khôi phục ổn định chính trị, sự bất ổn sẽ còn kéo dài và điều đó sẽ gây hậu quả khôn lường cho chính các nước đó cũng như khu vực và quốc tế nói chung.

Các vị “thuyền trưởng” không chỉ cần biết sử dụng hoa tiêu dẫn tàu mà còn phải biết cách kiểm soát và chéo lái con tàu đang chòng chành vượt qua những cơn sóng dữ./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]