Thanh Hóa những ngày sục sôi lửa cách mạng
Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân Thanh Hóa đã nhất tề đứng dậy đánh đuổi bè lũ phát xít, tay sai, giành lại độc lập, tự do, để cùng với toàn thể dân tộc Việt Nam viết nên một chương mới đầy hào hùng trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Di tích Cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo, Hoằng Hóa).
Trở lại thăm di tích Cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo, Hoằng Hóa) vào một ngày thu tháng Tám. Tại nơi này, 79 năm về trước, lực lượng Việt Minh huyện Hoằng Hóa đã có cuộc “đón tiếp” bất ngờ, khiến toán lính bảo an của chính quyền tay sai không kịp trở tay. Để từ đó, tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa ở Hoằng Hóa đi đến thắng lợi cuối cùng.
Lịch sử còn ghi lại, trước tình thế cách mạng ngày càng phát triển mạnh ở Hoằng Hóa, phát xít Nhật và bè lũ phong kiến tay sai phản động nhận thấy rõ nguy cơ phong trào cách mạng Hoằng Hóa sẽ làm sụp đổ bộ máy chính quyền của chúng và sẽ là ngòi nổ cho phong trào cách mạng toàn tỉnh. Do đó, chúng đã dùng bạo lực tập trung đàn áp cách mạng ở Hoằng Hóa, hòng bẻ gãy mũi nhọn này. Hoằng Hóa lúc bấy giờ đã trở thành “điểm nóng”, thành mục tiêu thu hút sự đàn áp, khủng bố của phát xít Nhật và chính quyền tay sai. Ngày 23/7/1945, Tỉnh trưởng Nguyễn Trác phái một đơn vị lính bảo an hơn 30 tên do Quản Hiến chỉ huy kéo về Hoằng Hóa. Sáng 24/7, sau khi bàn bạc, phân công giữa tri phủ Phạm Trọng Bào và Quản Hiến, địch chia làm hai cánh quân, khủng bố hai nơi mà chúng cho là cái nôi của cách mạng Hoằng Hóa.
Lực lượng Việt Minh đã theo dõi sát từng bước đi của địch và triển khai phương án đối phó. Đó là bố trí lực lượng tự vệ ém quân, phục kích sẵn ở Cồn Mả Nhón - vốn là một bãi rộng lớn, cây cối um tùm và chỉ có con đường độc đạo đi qua, lại giáp với cánh đồng lầy lẫn ao, đầm liên tiếp. Dựa vào địa hình hiểm trở, Việt Minh huyện Hoằng Hóa đã bố trí 3 trung đội tự vệ của các làng Đằng Trung, Đằng Xá, Dư Khánh chặn đánh địch. Chỉ sau vài phút chiến đấu, lực lượng cách mạng đã giành thắng lợi hoàn toàn, bắt gọn 13 tên địch (gồm cả tri phủ Phạm Trọng Bào), thu 12 súng, 36 viên đạn.
Chiến thắng Cồn Mả Nhón đã cổ vũ tinh thần Nhân dân Hoằng Hóa, để đến ngày 24/7/1945, khi một trung đội tự vệ nòng cốt dưới sự chỉ đạo của Việt Minh huyện đánh chiếm phủ đường, quần chúng Nhân dân đã nhất tề đứng lên ủng hộ Việt Minh, đổ dồn về phủ lỵ Bút Sơn. Trước sự áp đảo của lực lượng tự vệ võ trang và quần chúng Nhân dân, bọn nha lại và lính tuần sai ở phủ đường không dám chống đối và nhanh chóng giao toàn bộ tài sản công, vũ khí và hồ sơ, tài liệu cho cách mạng... Với sự kiện ngày 24/7/1945, Hoằng Hóa đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh giành chính quyền thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử, ít đổ máu và hạn chế thiệt hại nhất. Thắng lợi tại Hoằng Hóa đã thể hiện sự "sáng tạo, táo bạo” và quyết đoán của những người lãnh đạo Chi bộ Đảng và Ban Cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa. Bởi vậy, Hoằng Hóa “xứng đáng là lá cờ đầu của công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa”.
Tháng 4/1945, nhận được Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kịp thời chuyển hướng lãnh đạo, thúc đẩy phong trào chống Nhật mạnh mẽ, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Tỉnh ủy đã triệu tập hội nghị tại làng Vĩ Liệt (nay thuộc xã Hà Tân, Hà Trung) để triển khai chỉ thị của Trung ương. Căn cứ vào tình hình Thanh Hóa lúc này, hội nghị đã đề ra những chủ trương cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống đói; công khai tuyên truyền chống Nhật và vạch rõ chân tướng của bọn tay sai Đại Việt; không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Việt Minh, xây dựng tự vệ và đẩy mạnh luyện tập, chuẩn bị vũ khí để vũ trang chống Nhật...
Từ sau hội nghị này, cao trào chống Nhật ở Thanh Hóa đã trở nên sôi sục. Tổ chức Việt Minh từ chỗ hoạt động bí mật đã dần dần tiến tới nửa công khai, rồi công khai ở nhiều vùng. Đến cuối tháng 4/1945, Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh đã phát động trong toàn tỉnh cuộc đấu tranh chống thu thuế, thu thóc và vận động tổng lý không làm việc cho địch. Dưới sự chỉ đạo của Việt Minh ở các cơ sở và được lực lượng tự vệ làm hậu thuẫn, cuộc đấu tranh chống thu thế và vận động tổng lý, trấn áp bọn phản động đã được tiến hành ở nhiều huyện trong tỉnh.
Có thể nói, cao trào chống Nhật cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa trong những ngày tiền khởi nghĩa đã tạo ra bước phát triển mới của phong trào cách mạng toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tình thế khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Những cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang được tổ chức rộng rãi và phát triển mạnh mẽ, đã tập dượt cho quần chúng cách mạng từng bước đi từ đấu tranh chính trị đến kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ đó, dần tiến tới tổng khởi nghĩa vũ trang, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại quyền độc lập tự do cho Tổ quốc. Bởi, “Lòng dân một khi đã muốn, đã hiểu thì không còn sức gì ngăn cản được nữa, dẫu là súng đạn gươm dao... Đánh đuổi giặc Nhật, giải phóng Tổ quốc, ước muốn ấy không còn ở lời nói nữa mà đã tỏ ra bằng hành động rồi. Những cuộc tranh đấu hoặc to hoặc nhỏ đã có khắp nơi. Chỉ cần một cơ hội thuận tiện là toàn dân như nước vỡ bờ, sẽ tống lũ rợ lùn và bọn việt gian xuống đáy Thái Bình Dương”!
Và rồi trong những ngày tháng Tám, cùng với khí thế cách mạng cuồn cuộn như sóng trào trên khắp cả nước, thời cơ giành chính quyền của Thanh Hóa cũng đã điểm. Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 13/8/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã triệu tập hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng (làng Mao Xá, xã Thiệu Toán, Thiệu Hóa). Căn cứ vào tình hình cách mạng ở Thanh Hóa lúc bấy giờ, hội nghị cho rằng tình thế cách mạng đã chín muồi, nên cần tập trung bàn và xây dựng kế hoạch chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa. Hội nghị đã quyết định giờ tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh là 12 giờ đêm 18 rạng sáng 19/8/1945.
Trong hai ngày 17 và 18/8, công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương ở khắp nơi. Các đồng chí được phân công lãnh đạo khởi nghĩa ở các phủ, huyện, đã nhanh chóng tỏa về các địa phương để chuẩn bị gấp rút cho giờ hành động. Quần chúng cách mạng trong toàn tỉnh đã sẵn sàng vùng dậy đập tan xiềng xích nô lệ gần một trăm năm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Và cuối cùng, đúng nửa đêm 18, rạng sáng 19/8, tiếng chuông báo động ngày tàn của chế độ thực dân phát xít trên đất Thanh Hóa đã điểm.
Theo kế hoạch đã định, 12 giờ đêm 18, rạng sáng 19/8, khắp vùng đồng bằng miền xuôi Thanh Hóa, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, quần chúng cách mạng đã nhất tề vùng dậy bao vây, tấn công các vị trí, mục tiêu đã được phân công. Tại trung tâm các huyện lỵ, các đơn vị tự vệ vũ trang xung kích đã nhanh chóng uy hiếp, đánh chiếm phủ, huyện đường, nhanh chóng giành chính quyền về tay cách mạng. Ở các tổng, làng, tự vệ vũ trang với vũ khí thô sơ nhưng được sự cổ vũ và tham gia hăng hái của các tầng lớp Nhân dân, cũng đã nhanh chóng lật đổ ách thống trị của cường hào, phản động địa phương, tịch thu vũ khí, ấn tín, đồng triện và trấn áp bọn ngoan cố. Đến sáng 19/8 chính quyền các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa đã nằm trong tay quân cách mạng. Chiều 19/8, tại các huyện này các cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng và ra mắt chính quyền mới đã được tổ chức trọng thể trong niềm hân hoan của quần chúng Nhân dân.
Tại TP Thanh Hóa, trước khí thế cách mạng ngày càng dâng cao, chính quyền địch đã hoang mang cực độ. Từ sáng 18/8, chấp thuận tối hậu thư của ta, các đơn vị quân đội phát xít Nhật đang chiếm đóng ở các nơi lặng lẽ rút về tập trung tại khu vực Nhà Dòng. Sáng 20/8, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa thành phố, lực lượng tự vệ chiến đấu hành quân trên 4 xe ô tô, xuất phát từ Lò Chum tiến về Trường Thi, ngã tư chùa Hai Voi rồi qua phố PônBe, phố Lớn, trước khách sạn Raynô... Nhờ làm tốt công tác binh vận từ trước, khi lực lượng vũ trang của ta ập vào sân trại lính, tất cả sĩ quan và binh lính bảo an đã hạ vũ khí đầu hàng, giao nộp toàn bộ súng đạn cho quân khởi nghĩa. Cùng với việc giải phóng các vị trí quan trọng, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng đã nhanh chóng tiếp quản các công sở, đường phố trong toàn thành phố. Đến chiều 20/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở TP Thanh Hóa hoàn toàn thắng lợi. Từ những thắng lợi quan trọng này, đã thôi thúc cuộc khởi nghĩa ở những địa phương còn lại của tỉnh nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, kể từ khi lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh được quyết định tại hội nghị Tỉnh ủy (ở làng Mao Xá), các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã nhất tề đứng lên, lật đổ ách thống trị của bọn phát xít, phong kiến, giành lại độc lập, tự do. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa đã diễn ra nhanh, gọn, hạn chế thấp nhất sự hy sinh. Thành quả ấy đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử - một trang vàng chói lọi trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: Hoàng Xuân
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Lịch sử Thanh Hóa tập V, 1930-1945).
{name} - {time}
-
2025-01-15 14:41:00
“Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp”
-
2025-01-15 13:47:00
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy kiểm tra sản xuất, đời sống Nhân dân huyện Nga Sơn
-
2024-08-19 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 19/8/2024
“Một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”!
Điểm nóng 19/8: Công an ra quân bắt giữ hàng chục đối tượng tham ô
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sắp xếp đơn vị hành chính đô thị
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 19/8
Cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc: Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Diễn đàn trẻ em tỉnh Thanh Hoá năm 2024: Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân
Công bố quyết định thành lập Nghiệp đoàn cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn huyện Đông Sơn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 36