(Baothanhhoa.vn) - Hòa cùng sắc xuân của đất trời, “Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng” nay là thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa (Như Xuân) cũng vừa hoàn thành chương trình xây dựng thôn nông thôn mới (NTM).

Sắc màu nông thôn mới ở Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Hòa cùng sắc xuân của đất trời, “Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng” nay là thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa (Như Xuân) cũng vừa hoàn thành chương trình xây dựng thôn nông thôn mới (NTM).

Sắc màu nông thôn mới ở Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Một góc thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa.

Từ muôn vàn gian khó

Dự án “Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng” được triển khai từ năm 2007 trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, với diện tích 600 ha, tổng nguồn đầu tư hơn 32 tỷ đồng do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phụ trách và quản lý. Dự án được kỳ vọng mở ra con đường thoát nghèo cho nhiều thế hệ thanh niên xứ Thanh - những người tiên phong lên khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất mới. Cuối năm 2012, Dự án đã hoàn thành việc tuyển các hộ lên lập nghiệp với 141 hộ dân, trong đó có 34 hộ tái định cư và tuyển mới 107 hộ thanh niên, mỗi hộ được cấp 400 m2 đất ở và giao 3 ha đất sản xuất.

Trong ký ức của mình, ông Trịnh Khắc Bắc quê ở huyện Thọ Xuân, hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thanh Niên vẫn nhớ như in những khó khăn của ngày đầu trở thành cư dân làng thanh niên lập nghiệp.

“Năm 2012 ở làng chưa có gì ngoài cây cỏ, đất đồi hoang hóa. Những thanh niên về làng lập nghiệp như những người khởi đầu của hành trình “gieo mầm trên đá”. Tất cả dựa vào khoản hỗ trợ của Nhà nước, còn lại ai cũng tay trắng giống nhau... Nhưng tin tưởng vào chính sách, tôi cùng những gia đình trẻ khác quyết tâm học tập, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm phát triển kinh tế gia đình và địa phương”, ông Bắc cho biết.

Những khắc nghiệt của vùng đất ấy tưởng chừng đã làm lung lay ý chí, bào mòn nhiệt huyết của những hộ đoàn viên, thanh niên khi hàng chục hộ đã rời làng trở về quê và di cư đến những địa phương khác. Để khuyến khích thanh niên của làng phát triển kinh tế, xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, Tổng đội Thanh niên xung phong phát triển kinh tế (thuộc Tỉnh đoàn Thanh Hóa) đã xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi để thanh niên học tập. Những đàn gà, đàn lợn được nhân giống tại chỗ, cung cấp, hỗ trợ cho các hộ gia đình phát triển sản xuất. Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương và Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã vận dụng nhiều chính sách ưu đãi, chương trình hỗ trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, các công trình cơ sở văn hóa... góp phần ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong làng.

Điểm nhấn tạo sức đột phá cho làng chính là năm 2017, trên cơ sở đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và UBND huyện Như Xuân, làng được công nhận là thôn Thanh Niên thuộc xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Công dân ở đây được hưởng đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và thụ hưởng các chính sách như những công dân khác tại địa phương. Trải qua nhiều gian khó, những thanh niên kiên gan, bền chí đã trụ vững lại thôn để xây dựng cuộc sống mới ở vùng đất khó khăn này.

Đến thôn nông thôn mới

Trong tiết trời đầu xuân, chúng tôi đến thôn, ấn tượng đầu tiên là con đường bê tông phong quang, rộng rãi được đầu tư từ vốn Chương trình xây dựng NTM chạy vắt ngang qua lưng chừng đồi. Hai bên đường mỗi cụm dân cư gồm vài ba hộ gia đình ở liền kề, nhà cửa xây dựng kiên cố, khang trang. Giữa mỗi cụm dân cư là cánh đồng trồng rau màu, cây cối xanh tươi.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Thị Hoài cho biết: “Những năm qua, cùng với quá trình xây dựng NTM của xã Xuân Hòa, thôn Thanh Niên đã có nhiều nỗ lực, đóng góp sức người, sức của, bứt phá ngoạn mục để cán đích thôn NTM vào năm 2022. Hiện nay, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ dân có nhà ở chuẩn, 77,14% hệ thống giao thông được bê tông hóa, hơn 20% cứng hóa; nhà văn hóa, khu vui chơi, thể thao được xây dựng kiên cố với nhiều thiết bị cơ bản... Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm còn 0,97%”.

Trong quá trình phát triển kinh tế cũng như xây dựng NTM, thôn Thanh Niên đã có hàng chục mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Tiêu biểu như: 4 mô hình chăn nuôi gia cầm liên kết với quy mô từ 1.000 con đến 1 vạn con/lứa; 14 ha sản xuất xoài keo liên kết với Công ty CP Nông sản xuất khẩu T9 và hơn 50 ha cây ăn quả. Ngoài ra, hằng năm người dân trong thôn còn có hơn 250 ha sắn nguyên liệu, 4 ha mía, 30 ha cao su được các doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng kinh tế... Nhân dân trong thôn tận dụng quỹ đất dốc bạc màu để đưa các loại cây lâm nghiệp như xoan, keo vào trồng với diện tích hơn 252 ha. Hiện thu nhập bình quân của người dân thôn Thanh Niên đạt 59,29 triệu đồng/người/năm.

Trưởng Ban Phát triển thôn Trần Quốc Tuấn cho biết: Để hoàn thành 14/14 tiêu chí thôn NTM, cán bộ và Nhân dân trong thôn đã nhất trí, đồng lòng thực hiện. Ngoài nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, Nhân dân trong thôn còn đóng góp ngày công lao động và hơn 1,85 tỷ đồng, chiếm 52,85% nguồn kinh phí xây dựng NTM. Từ nguồn kinh phí huy động được, thôn đã xây dựng cổng chào, lắp đặt 3,5 km đèn đường chiếu sáng công cộng, trồng mới hơn 600 m đường hoa, tu sửa và mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa, sân tập luyện thể thao...

Sự đổi thay đang hiện hữu từng ngày dưới bàn tay lao động hăng say của những gia đình cựu đoàn viên. Xây dựng NTM ở thôn Thanh Niên không chỉ đổi mới ở hạ tầng, cảnh quan, môi trường, mà đổi thay cả nếp nghĩ để từng bước xây dựng nếp sống văn hóa mới; tình làng xóm được vun đắp, đang góp phần đưa thôn Thanh Niên trở thành vùng quê đáng sống.

Bài và ảnh: Lê Hòa


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]