Quyết định lịch sử
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá”. Do đó, đánh Điện Biên Phủ là “chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước đến nay” - một nhiệm vụ hết sức gian nan nhưng cũng rất đỗi vinh quang.
Lán làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ).
Thực chất, buổi đầu Điện Biên Phủ không phải là điểm quyết chiến chiến lược trong Kế hoạch Na-va, Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương (từ tháng 5/1953). Tuy nhiên, khi nắm được hướng di chuyển của bộ đội chủ lực ta lên Tây Bắc, Na-va đã quyết định chọn Điện Biên Phủ để xây dựng một “pháo đài không thể công phá”, sẵn sàng thu hút và đè bẹp chủ lực ta nếu chúng ta “mạo hiểm tiến công”. Song, đó là “một ván bài được ăn cả ngã về không”, như cách tác giả Bernard B.Fall đã gọi tên.
Bởi lẽ, ngay sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Việc địch tổ chức Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm thì đó là một cơ hội tốt để ta tiêu diệt sinh lực tinh nhuệ của chúng. Do đó, cùng với các cuộc tiến công trên nhiều mặt trận để phân tán, giữ chân và tiêu hao sinh lực địch; ta cũng tiến hành bám sát, bao vây địch ở Điện Biên Phủ và chuẩn bị cho chiến trường quan trọng này. Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận.
Vốn dĩ, trải qua các chiến dịch, các đợt tiến công trên khắp các mặt trận, nhất là trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, bộ đội ta đã được cọ xát với cách đánh cứ điểm. Tuy nhiên, để đối phó với tập đoàn cứ điểm mà người Pháp rất tự tin là “bất khả xâm phạm”, đòi hỏi phải có cách đánh phù hợp trong khả năng chiến đấu của quân ta về chiến dịch và chiến thuật còn có hạn.
Với mặt trận Điện Biên Phủ, nếu chọn phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ có nhiều điều lợi. Đó là quân ta đang sung sức; cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít ngại tiêu hao, mỏi mệt. Thời gian của chiến dịch không dài, nên vấn đề tiếp tế lương thực, đạn dược có thể bảo đảm chắc chắn, không gặp trở ngại lớn. Tuy nhiên, “đánh nhanh, giải quyết nhanh” lại có một bất lợi rất lớn là quân ta, mặc dù đã được chuẩn bị về tư tưởng và chiến thuật để đánh tập đoàn cứ điểm; nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế. Đánh Điện Biên Phủ cũng là lần đầu tiên ta đánh tập đoàn cứ điểm, lại gặp một tập đoàn cứ điểm rất mạnh.
Được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó nhiệm vụ khó khăn nhưng cao cả, trước khi ra mặt trận Bác đã căn dặn Đại tướng: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Quán triệt tư tưởng của Người, sau quá trình liên tục theo dõi, phân tích tình hình địch và khả năng của ta, Đại tướng đã đưa ra kết luận: “Nắm vững nguyên tắc đánh chắc thắng, chúng ta đã nhận định rằng, trong tình huống tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố, không còn ở vào tình trạng lâm thời chiếm lĩnh trận địa nữa, nếu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không mười phần bảo đảm thắng lợi. Do đó, chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là “đánh chắc, tiến chắc”.
Chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định “khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân” của Đại tướng. Để đưa ra quyết định ấy, Đại tướng đã trải qua 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và 1 đêm thức trắng; cũng như thuyết phục, nhằm tạo sự đồng thuận từ Đoàn Cố vấn, tập thể Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận. Đó là một quyết định lịch sử, bảo đảm sự “chắc thắng” của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là một trận đánh địch trong công sự vững chắc, quy mô rất lớn và tiếp diễn liên tục trong một thời gian ngắn. Đó là một chiến dịch tiến công trận địa, quy mô rất lớn, nhưng lại gồm một loạt nhiều trận đánh địch trong công sự vững chắc, tiếp diễn trong một thời gian khá dài, tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt địch từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ cứ điểm. Tuy vậy, việc tiến hành chiến dịch theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” cũng sẽ đưa đến nhiều khó khăn, trở ngại mới. Đó là chiến dịch càng kéo dài, địch càng tăng cường công sự, lại có thể đưa thêm viện binh. Về phía ta, hoạt động kéo dài, bộ đội có thể bị tiêu hao, mỏi mệt, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp và tiếp tế.
Song, “đánh chắc, tiến chắc” thì bảo đảm chắc thắng, bởi nó phù hợp với trình độ của bộ đội ta. Hơn nữa, “đánh chắc, tiến chắc” ta có thể giữ được chủ động hoàn toàn về thời gian đánh, điểm đánh. Đồng thời, có thể khoét sâu vào nhược điểm của địch là vấn đề tiếp tế, nếu ta khống chế được sân bay. Ngoài ra, phương châm này còn tạo điều kiện để các chiến trường khác tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng và phối hợp tốt hơn với chiến trường chính Điện Biên Phủ.
“Ở đây, tôi muốn phân biệt rõ giữa một quyết định tác chiến chính xác với tinh thần kiên quyết chiến đấu của quân đội. Một quyết định tác chiến chính xác là một chủ trương tác chiến thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, xuất phát từ một sự đánh giá đúng đắn và toàn diện về ta và địch. Còn tinh thần kiên quyết chiến đấu lại là quyết tâm chiến đấu anh dũng của quân đội, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ đã được giao cho. Phải nói rằng, tinh thần quyết chiến là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến cũng chưa đủ. Tinh thần quyết chiến chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng của nó trên cơ sở một kế hoạch tác chiến chính xác, một quyết tâm đúng đắn về chiến dịch, chiến thuật và những khả năng hiện thực về tổ chức và chỉ huy.Khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn, thì phương pháp cách mạng là vấn đề quyết định. Khi đã có chủ trương tác chiến đúng đắn, thì phương pháp tác chiến là vấn đề quyết định. Đó là một trong những nội dung chủ yếu của nghệ thuật chỉ huy” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Khi nhớ lại quyết định này, trong tác phẩm “Điện Biên Phủ”, Đại tướng đã nói: “Chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định đó đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, quyết tâm nắm vững nguyên tắc đánh chắc thắng trong việc chỉ đạo tác chiến; quyết tâm động viên toàn lực khắc phục muôn nghìn khó khăn, trở ngại để bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch”.
Nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, trong việc chỉ đạo công tác chuẩn bị ta đã chú trọng cả hai mặt: chuẩn bị đầy đủ và tranh thủ thời gian. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác chuẩn bị trên mọi mặt, nhất là việc chuẩn bị thêm đường mới cho pháo và chuẩn bị trận địa, kỹ thuật bắn của pháo binh; chuẩn bị thêm về vật chất và tinh thần, về kỹ thuật và chiến thuật cho bộ đội; đồng thời, tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tình hình địch, nhất là những thay đổi về binh lực và cách bố trí của chúng trong trung tâm... Từ đó, khắc phục những bất lợi hay lo ngại về việc tiêu hao, mỏi mệt của bộ đội; việc cung cấp, tiếp tế lương thực, đạn dược; vấn đề thời tiết bất lợi...
Và thực tế đã chứng minh, việc chuyển hướng và nắm vững, vận dụng hiệu quả phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chính là cơ sở, là tiền đề đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến toàn thắng.
Bài và ảnh: Kh.Nguyên
{name} - {time}
-
2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
-
2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
-
2024-04-06 07:13:00
Điện Biên Phủ, ngày 6/4/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức hội nghị sơ kết đợt 2
Tự hào 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu
“...Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”
Nhiều tài liệu lưu trữ gốc về Chiến dịch Điện Biên Phủ lần đầu được công bố
Điện Biên Phủ, ngày 5/4/1954, chiến trường ngớt tiếng súng
Hội thảo quốc gia về Chiến thắng Điện Biên Phủ thu hút hơn 500 đại biểu tham dự
Điện Biên Phủ, ngày 4/4/1954, tạm ngừng chiến đấu tại Đồi A1
Điện Biên Phủ, ngày 3/4/1954, phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp
Ngày 2/4/1954: Ta gọi hàng cứ điểm 311, địch mở nhiều đợt phản kích chiếm đồi A1
Mường Phăng trong tôi