(Baothanhhoa.vn) - Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú đã “lỗi thời”, “vênh” với luật; mức học bổng và trang cấp ban đầu được xây dựng, áp dụng đã hơn một thập kỷ nhưng chưa được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, khiến nhiều trường THCS dân tộc nội trú trong tỉnh gặp khó đủ bề.

Quy định “lỗi thời”, làm khó nhiều trường THCS dân tộc nội trú

Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú đã “lỗi thời”, “vênh” với luật; mức học bổng và trang cấp ban đầu được xây dựng, áp dụng đã hơn một thập kỷ nhưng chưa được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, khiến nhiều trường THCS dân tộc nội trú trong tỉnh gặp khó đủ bề.

Quy định “lỗi thời”, làm khó nhiều trường THCS dân tộc nội trú

Một giờ học tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân.

Nghịch lý niềm vui chung thành nỗi buồn riêng

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 861 - PV) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 612 - PV), tỉnh Thanh Hóa còn 21 xã, 132 thôn đặc biệt khó khăn, giảm 79 xã, 554 thôn so với giai đoạn 2016-2020. Cá biệt các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Quan Hóa đã không còn xã đặc biệt khó khăn.

Rõ ràng đây là niềm vui lớn sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Song với các trường THCS dân tộc nội trú lại khác, giảm số xã, thôn đặc biệt khó khăn lại đồng nghĩa vùng tuyển sinh bị thu hẹp.

Tại huyện Thường Xuân, trong giai đoạn 2016-2020, huyện có 9 xã, 73 thôn đặc biệt khó khăn. Theo Quyết định 861 và Quyết định 612, giai đoạn 2021-2025, huyện còn duy nhất 1 xã (Luận Khê) và 15 thôn đặc biệt khó khăn. Do vậy, chưa nói tuyển sinh được học sinh lớp 6 có chất lượng cao, mà việc tuyển đủ chỉ tiêu 60 em cho năm học 2022-2023 đối với Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân đã khó. Trong khi đó, tại xã Luận Khê đã có trường phổ thông dân tộc bán trú THCS phục vụ nhu cầu học tập của con em. Và con em xã Luận Khê ở các thôn đặc biệt khó khăn học tập tại địa phương cũng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Cầm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân, cho biết: Do vùng tuyển sinh bị thu hẹp, nên năm học 2021-2022 công tác tuyển sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Nhà trường đã phải phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện tổ chức tuyên truyền, vận động học sinh tham gia xét tuyển và phải tiến hành hai đợt tuyển sinh mới đủ chỉ tiêu giao.

Đi tìm nguyên nhân của nghịch lý này, phóng viên được hiệu trưởng nhiều trường THCS dân tộc nội trú trong tỉnh cho biết, do Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT, ngày 15-1-2016 của Bộ GD&ĐT về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (Thông tư 01 - PV) đã “lỗi thời”, không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019. Theo đó, Điều 18 của thông tư này quy định đối tượng tuyển sinh, là: thanh niên, thiếu niên là người DTTS có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành; thanh niên, thiếu niên là người DTTS ở vùng được UBND cấp tỉnh quy định là vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc, và không quá 5% trong tổng số chỉ tiêu được tuyển mới hằng năm là con em người dân tộc Kinh có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng đặc biệt khó khăn.

Rõ ràng, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, nhiều xã, thôn, bản thoát nghèo, ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn là một tất yếu khách quan. Chỉ có điều đi cùng với tất yếu này thì quy định về hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú cũng phải thay đổi cho phù hợp, nhất là quy định về đối tượng tuyển sinh. Trong khi đó, khoản 1, Điều 61 Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định: Nhà nước thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học cho người học là người DTTS, người học thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều này có nghĩa Thông tư 01 đang “vênh” với luật, bởi quy định cụ thể đối tượng tuyển chủ yếu là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn. Khoản 3 của Điều 61 cũng quy định: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định điều kiện học sinh được học ở trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học. Vậy là luật mới đã có hiệu lực từ 1-7-2020, nhưng thông tư cũ thì vẫn còn hiệu lực.

Bất cập trang cấp ban đầu

Không những gặp khó khăn do Thông tư 01, nhiều trường THCS dân tộc nội trú đang phải loay hoay trong việc chi hỗ trợ học sinh. Cụ thể, việc chi trả chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh các nhà trường này vẫn đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 109/TTLT/BTC-BGDĐT, ngày 29-5-2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT về Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc (Thông tư 109 - PV). Theo đó, học sinh các trường này được hưởng mức học bổng hàng tháng bằng 80% mức lương cơ sở để chi trả cho tiền ăn và sinh hoạt. So với mức lương hiện tại, mỗi em đang được nhận 1.192.000 đồng/tháng, không phân biệt học sinh lớp 6 hay lớp 9, dù chế độ dinh dưỡng có khác nhau. Nhiều giáo viên cho rằng, trong bối cảnh giá cả ngày càng đắt đỏ, thì mức hỗ trợ này đã không đáp ứng được nhu cầu cho các cháu học tập, sinh hoạt tại trường. Nhiều cháu đã phải xin thêm tiền bố mẹ để mua thêm đồ dùng cá nhân hàng tháng.

Trong khi đó, Thông tư 109 chỉ hỗ trợ tiền tàu xe cho học sinh theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần để thăm gia đình vào dịp tết hoặc dịp nghỉ hè. Chưa nói, gia đình các cháu ở vùng đặc biệt khó khăn, đa phần là hộ nghèo, nên việc hỗ trợ cho các cháu học tập không đáng là bao.

Thêm vào đó, Thông tư 109 cũng quy định chi trả chế độ trang cấp ban đầu cho học sinh trường THCS dân tộc nội trú, gồm chăn bông, chiếu, màn, áo bông, áo đi mưa... Tuy nhiên, việc trang cấp này chỉ thực hiện một lần vào năm học đầu cấp. Có nghĩa, một học sinh bước vào trường THCS dân tộc nội trú học tập (lớp 6) được cấp áo bông, áo đồng phục... dùng cho cả 4 năm học. Vậy nên mới có cảnh, áo đồng phục của nhiều học sinh lớp 8 đã ngắn cũn, không thể mặc. Chưa kể, do các em ở nội trú, chủ yếu di chuyển trong phạm vi nhà trường, nên việc cấp áo mưa là không phù hợp. Nhiều nhà trường muốn đổi từ áo mưa, sang mua ô che mưa, che nắng (cùng giá tiền) cho các cháu nhưng đã bị cơ quan chức năng từ chối, vì sai quy định.

Điều mà các trường THCS dân tộc nội trú mong muốn hiện nay là Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, ban hành các thông tư hướng dẫn mới thay thế các thông tư cũ đã “lỗi thời” đang gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy.

Bài và ảnh: Đỗ Đức


Bài và ảnh: Đỗ Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]