(Baothanhhoa.vn) - Hàm Rồng là một chiếc cầu có nhiều kỳ tích mà cho đến nay chưa ai lý giải hết được. Chỉ nói riêng việc cầu Hàm Rồng trụ vững giữa mưa bom bão đạn của giặc Mỹ suốt gần tám năm trời đã là một điều hết sức kỳ diệu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàm Rồng - bản anh hùng ca bất tử

Hàm Rồng là một chiếc cầu có nhiều kỳ tích mà cho đến nay chưa ai lý giải hết được. Chỉ nói riêng việc cầu Hàm Rồng trụ vững giữa mưa bom bão đạn của giặc Mỹ suốt gần tám năm trời đã là một điều hết sức kỳ diệu.

Hàm Rồng - bản anh hùng ca bất tử

Cầu Hàm Rồng.

Thật vậy. Giặc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc từ ngày 5-8-1964. Nhưng phải đến tháng 2 -1965 chúng mới liên tục mở những cuộc đánh phá theo kiểu “trả đũa”. Cứ ở miền Nam quân giải phóng tấn công vào nơi đồn trú của quân Mỹ hôm trước, thì ngay lập tức hôm sau chúng cho máy bay đánh “trả đũa” một doanh trại quân đội của chúng ta ở miền Bắc. Cù nhằng như vậy suốt từ giữa tháng hai đến hết tháng ba năm 1965, giặc Mỹ thấy không mang lại hiệu quả gì. Lúc này chúng mới chuyển từ dùng máy bay tấn công theo kiểu “trả đũa” sang những cuộc tấn công nhằm mục đích “ngăn chặn” sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam và cầu Hàm Rồng là mục tiêu đầu tiên giặc Mỹ lựa chọn cho chiến lược “ngăn chặn” này.

Và kỳ diệu thay, ngay trận đụng độ đầu tiên này ở Hàm Rồng, giặc Mỹ thất bại thảm hại. Trong hai ngày mùng 3 và 4-4-1965, quân và dân Thanh Hóa bắn rơi tới 47 máy bay giặc Mỹ, một kỷ lục bắn rơi nhiều máy bay nhất trong một trận đánh mà trước đó và sau này không ở đâu đạt đến được. Chả thế mà giặc Mỹ phải thừa nhận hai ngày đánh phá cầu Hàm Rồng là hai ngày “đen tối” của không lực Hoa Kỳ. Chỉ riêng chiến công này đã là một kỳ tích đến huyền diệu rồi.

Từ kỳ tích mở đầu này, trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu sau này, Hàm Rồng còn liên tiếp lập những chiến công xuất sắc khác được nhân dân cả nước và bè bạn trên thế giới hết lời ca ngợi.

Ngày 5-6-1967, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ 200 trên miền Bắc. Ngày 26-12-1971, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 100 tại Hàm Rồng. Ngày 7-5-1972, Hàm Rồng lại bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ 300 trên đất Thanh Hóa. Và lớn lao hơn cả, kỳ diệu hơn cả là kỳ tích bảo vệ cầu Hàm Rồng vững chắc gần 8 năm liền, đảm bảo giao thông thông suốt để miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Hàm Rồng trở thành chiếc cầu được bảo vệ lâu nhất trong những chiếc cầu ở miền Bắc và cả trên thế giới nữa.

Tôi có may mắn sau chiến tranh chống Mỹ được Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân điều về viết lịch sử cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Do yêu cầu công việc, tôi có dịp đi hầu hết những chiếc cầu lớn ở miền Bắc. Ninh Bình, Phủ Lý; Cầu, Phủ Lạng Thương trên đường 1; Lai Vu - Phú Lương, Thượng Lý trên đường 5; Đuống, Đáp. Những chiếc cầu ấy đến tháng 6-1966 gần như bị đánh sập hết. Đến cầu Long Biên nằm giữa lòng Hà Nội, trong trận 11-8-1967 cũng bị giặc Mỹ đánh sập nhịp 11. Vậy mà cầu Hàm Rồng, chiếc cầu chịu trận đầu tiên, bị giặc Mỹ công kích sớm nhất trong những chiếc cầu thì vẫn còn đó, hiên ngang vắt qua đôi bờ sông Mã.

Lại nữa. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai do Nixon phát động năm 1972. Chỉ trong vòng 2 tháng tư và năm, tất cả những chiếc cầu Johnson đã đánh sập xuống, Nixon lại đánh sập một lần nữa. Riêng cầu Hàm Rồng thì vẫn sừng sững đứng đó như muốn thách thức với bom đạn Mỹ.

Phải nói thêm rằng, trước khi Nixon mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra toàn miền Bắc vào tháng 4-1972, thì ngày 26-12-1971, Hàm Rồng đã vào trận rồi. Đó là trận đánh đã đi vào lịch sử, Hàm Rồng bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của giặc Mỹ.

Hôm đó là ngày chủ nhật. Cũng như nhiều ngày chủ nhật khác, bộ đội Hàm Rồng chỉ có hai đơn vị trực ban tác chiến. Đã lâu lắm rồi, từ dạo tháng 4-1968 khi Johnson ném bom hạn chế từ cầu Bùng (Nghệ An) trở vào. Hàm Rồng ngớt hẳn tiếng bom. Đùng một cái vào khoảng 9 giờ sáng ngày 26-12-1971, cả Hàm Rồng ầm vang tiếng kẻng báo động giục giã như xoáy vào lòng người. Rất ít ai tin rằng có máy bay đến ném bom vì lâu nay thi thoảng vẫn có tiếng kẻng báo động rộ lên như vậy. Nhưng rồi buổi sáng hôm ấy, máy bay Mỹ mò vào thật, ném bom thật và bị cao xạ Hàm Rồng bắn cháy đỏ rực trên bầu trời.

Sau này, có dịp được đọc bản cung của một trong những tên giặc lái đã ném bom Hàm Rồng sáng ngày 26-12-1971, tôi mới biết. Thì ra đó là trận đánh đầu tiên giặc Mỹ sử dụng bom laze ở miền Bắc.

Như vậy, Hàm Rồng là nơi đầu tiên pháo cao xạ đụng độ với bom laze của giặc Mỹ và đã đánh thắng chúng. Tiếp đó là những ngày mùa hè năm 1972 nóng bỏng, trên khắp các trận địa Hàm Rồng sôi sục khí thế chiến đấu với khẩu hiệu: “Đánh bằng cách, đánh bổ nhào”. Chỉ có đánh vào lúc ấy, đánh vỗ mặt kẻ thù mới làm thất bại được thủ đoạn dùng bom laze đánh cầu của giặc Mỹ. Muốn đánh được như thế trước hết phải thật dũng cảm. Bộ đội cao xạ Hàm Rồng đã chiến thắng bằng lòng dũng cảm như vậy đó.

***

Hàm Rồng còn trải qua những đêm máy bay B52 rải từng thảm bom trùm lên cả một khu vực rộng đến gần cả một cây số vuông. Trong ký ức của những người Hàm Rồng ngày đó chưa ai quên được cái đêm 21-4-1972 đầy ắp tiếng bom.

Vào cái đêm 21-4-1972, lính Hàm Rồng chúng tôi chưa biết B52 đánh mình vì thế dẫu là pháo 57 li hay 37 li tầm bắn không tới được B52 thì lính vẫn nổ súng liên hồi kỳ trận. Đến rạng sáng hôm sau nhìn quanh trận địa chỉ thấy rặt một màu đất đỏ au. Lúc ấy mới biết B52 đánh mình.

Những lần sau khi biết có B52 ném bom, loại pháo 57 của chúng tôi được lệnh ẩn nấp để dành đạn ban ngày chọi với bọn cường kích.

Ngày đó, việc trụ lại giữa bãi bom B52 quả là một thử thách không nhỏ. Chúng tôi hì hục đào hầm sâu xuống lòng đất. Cũng vẫn là hầm chữ A còn được gọi là hầm Quảng Bình, nhưng chúng tôi dựng hầm theo hình của một tam giác đều. Những đêm nằm chờ B52 dưới hầm chữ A ấy tôi lại nhớ đến bài hóa chúng tôi đã học về than và kim cương. Cũng vẫn là cácbon cả thôi nhưng khi được cấu trúc dưới dạng tinh thể là những hình khối có diện tích bề mặt bằng những tam giác đều, thì cácbon bỗng trở thành kim cương, có độ rắn đến vô cùng. Những hầm chữ A trên Đồi C4 của chúng tôi hồi cuối năm 1972 là những hầm kim cương như vậy. Nếu bom có nổ ở bên cạnh cũng không việc gì.

Trong suốt mùa đông năm 72 không ít lần bom B52 trùm lên trận địa Đồi C4 nhưng các hầm trú ẩn của chúng tôi đều nằm lọt giữa hai quả bom. Pháo Hàm Rồng nhờ thế mà vẫn trụ vững chắc giữa bãi bom B52 để cứ rạng sáng ra lại choảng nhau với bọn cường kích bảo vệ an toàn mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam.

Nhưng rồi khi giặc Mỹ cay cú vì không đánh sập được cầu Hàm Rồng bằng loại laze, chúng chuyển sang dùng loại bom mà chúng gọi là bom tinh khôn hoặc là bom có mắt để đánh.

Ngày 6-10-1972, trong một trận đánh khốc liệt với hơn 30 máy bay A7 của giặc Mỹ, một quả bom có mắt đã rơi bên dưới mố giữa cầu Hàm Rồng, hơi bom hất toàn bộ nhịp bên bờ Nam cầu đổ nghiêng về phía thượng nguồn. Tôi nhớ rất rõ khói của quả bom này lạ lắm, không đen kịt như các loại bom thông thường khác mà vàng ruộm như màu đồng.

Mãi những năm sau này, khi tìm tài liệu viết lịch sử cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tôi mới biết: Đó là loại bom vô tuyến truyền hình, đầu bom được trang bị máy thu hình. Khi máy thu hình đã nhận được tín hiệu phản xạ từ mục tiêu thì phi công cố định hình rồi thả bom. Bom sẽ tự tìm đến mục tiêu.

***

Tính từ trận đầu mùng 3 và 4-4-1965 đến ngày 6-10-1972 cầu Hàm Rồng bảo vệ an toàn được 7 năm 6 tháng. Chỉ chừng ấy thôi Hàm Rồng đã là bản anh hùng ca bất tử. Nó bất tử đến mức, khi nhắc đến Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hai tiếng Hàm Rồng ai cũng biết...

Lê Xuân Giang


Lê Xuân Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]