(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và giúp học sinh (HS) có lựa chọn đúng đắn về ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường và nhu cầu lao động của mỗi địa phương.

Quan tâm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS

Thời gian qua, bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và giúp học sinh (HS) có lựa chọn đúng đắn về ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường và nhu cầu lao động của mỗi địa phương.

Quan tâm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCSHọc sinh khối lớp 9 Trường THCS Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) trong giờ học.

Tại Trường THCS Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), theo chia sẻ của thầy Lê Cao Ban, hiệu trưởng nhà trường: Hiện tại, trường có tổng số 322 HS, trong đó có 78 HS khối lớp 9. Xác định công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS, nhất là các em khối lớp 9 có vai trò quan trọng để các em có sự lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với năng lực, trình độ bản thân, cũng như điều kiện gia đình. Thời gian qua, nhà trường đã tích cực tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em bằng nhiều hình thức như: lồng ghép thông qua các môn học trên lớp, các tiết sinh hoạt lớp; căn cứ vào khảo sát học sinh qua các đề thi thử tại trường và thành tích học tập của các em, nhà trường sẽ tư vấn, phân luồng HS để xây dựng kế hoạch ôn tập sát với năng lực. Cùng với đó, trong các cuộc họp phụ huynh nhà trường cũng tư vấn, hướng nghiệp về năng lực cụ thể của từng em để phụ huynh nắm bắt được và có quyết định đúng đắn về việc lựa chọn trường học cho con em mình. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với các trường dạy nghề trên địa bàn TP Thanh Hóa tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh khối 9 để các em có cái nhìn thực tế hơn về ngành nghề, nhu cầu việc làm, từ đó có sự lựa chọn phù hợp.

Tại huyện Như Thanh, theo chia sẻ của ông Trịnh Minh Lâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường trong huyện đã quan tâm bố trí đủ giáo viên tham gia giáo dục hướng nghiệp và tư vấn cho HS, nhất là ở khối lớp 9. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung chương trình dạy học theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; bổ sung cập nhật nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn. Hàng năm, các trường đều phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện tổ chức hoạt động ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp cho HS. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi kinh nghiệm giáo dục hướng nghiệp, phân luồng HS, nhu cầu lao động và thị trường lao động. Nhờ đó, những năm gần đây công tác tư vấn, phân luồng cho HS trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao và khá sát với năng lực HS. Theo thống kê, trong năm học 2021-2022 toàn huyện có khoảng 70% HS thi đậu vào trường THPT trong huyện, hoặc Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa và Trường THPT Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc; số còn lại đăng ký học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của huyện hoặc học tại các trường nghề trong tỉnh.

Tại huyện Thọ Xuân, ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thọ Xuân, cho biết: Năm học 2021-2022, nhà trường có 289 HS đang học lớp 10, theo kế hoạch tuyển sinh đạt khoảng 70%. Thời gian qua, nhà trường đã tích cực phối hợp với các trường THCS trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cũng như tuyển sinh. Bởi vậy, số HS đăng ký vào học văn hóa kết hợp với học nghề tại trường đã tăng lên theo các năm. Thế nhưng, thực tế hiện nay thì với HS THCS việc lựa chọn học nghề là điều không hề dễ, bởi đa số phụ huynh và HS đều có mong muốn được học tiếp lên THPT. Chính bởi tâm lý đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh của nhà trường. Bên cạnh đó, hiện tại có một số ngành nghề mà nhu cầu thị trường đang cần và nhiều HS cũng muốn theo học như du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ làm đẹp... thì nhà trường lại chưa có điều kiện để mở lớp. Do đó, việc thu hút HS đến học cũng gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND, ngày 11-7-2019 đề ra một số mục tiêu, định hướng phân luồng cụ thể. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng HS sau THCS, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã thực hiện đa dạng hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tăng cường đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho HS như: ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; các hoạt động giao lưu của HS, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân. Đồng thời, phát triển đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên hướng nghiệp; mở thêm nhiều đợt tập huấn, chuyên đề về giáo dục hướng nghiệp cho giáo viên, để giáo viên được trang bị cả lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành thực hiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp hiệu quả hơn.

Theo thống kê, trong năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 73,3% HS theo học tại các trường THPT, các trường dân lập; 26,7% HS học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề. Tuy nhiên, hiện nay công tác phân luồng, hướng nghiệp sau tốt nghiệp THCS còn gặp một số khó khăn. Bởi, phần lớn các phụ huynh vẫn đặt nặng tâm lý là con em mình khi học xong THCS là phải học THPT thay vì chọn học nghề. Cùng với đó, tại một số trường nghề vẫn chưa chú trọng đến việc phát triển đa dạng các ngành nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của HS và thị trường; một số HS sau khi tốt nghiệp tại các trường nghề chưa tìm được việc làm ổn định nên nhiều em không mặn mà với việc học nghề. Bởi vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hướng nghiệp. Đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau THCS. Sắp xếp hệ thống các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề cho phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội để HS sau khi tốt nghiệp có thể xin được việc làm và có thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]