Phát huy giá trị di tích danh thắng Phố Cát
Di tích thắng cảnh Phố Cát nằm trên địa bàn thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành nổi tiếng với đền Phố Cát nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Năm 2024, Lễ hội đền Phố Cát sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27/3/2024 đến ngày 29/3/3024 (tức là từ ngày 18/2 đến ngày 20/2 âm lịch) với quy mô cấp huyện.
Du khách đến thăm đền Quan giám sát, thuộc di tích danh thắng cảnh Phố Cát.
Nét đẹp danh thắng Phố Cát
Di tích thắng cảnh Phố Cát gồm hệ thống đền, hang động, thác, núi non, hồ và rừng cảnh quan được công nhận di tích cấp tỉnh năm 1998.
Phố Cát nằm ở vị trí thuận lợi. Vì thế trong nhiều tài liệu có ghi việc vua Lê Đại Hành từ thế kỷ thứ X; vua Lê Thánh tông, thế kỷ thứ XV... đưa quân đánh dẹp Chiêm Thành đã qua nơi đây. Cũng chính nơi đây, năm 1400, Hồ Quý Ly cho mở đường thiên lý Tây Giai - Kim Tân - Phố Cát ra Bắc. Năm 1570, Trịnh Kiểm đã mở đường Phố Cát qua sông Bồ Đề để hành quân đánh Mạc Mậu Hợp. Phố Cát còn là nơi in dấu chân hoạt động cách mạng của các chiến sĩ du kích cách mạng của chiến khu du kích Ngọc Trạo (1940-1941), cũng là địa điểm quan trọng của chiến khu Hòa - Ninh - Thanh trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Không chỉ có vai trò quan trọng về địa chiến lược, mà địa hình đồi núi ở Phố Cát còn có đặc điểm hết sức kỳ thú, có nhiều cảnh đẹp. Đây là vùng đất có đồi núi, có khe suối xung quanh, hoa xanh, cỏ tốt. Theo truyền thuyết, chính cảnh đẹp nơi đây đã lôi cuốn Thánh mẫu Liễu Hạnh giáng lâm Phố Cát.
Đền Phố Cát được dựng vào khoảng niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786); đến năm 1896 được trùng tu tiền đường, làm giải vũ, tô tượng. Đây là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu của người dân xứ Thanh.
Tương truyền đây là nơi công chúa Liễu Hạnh giáng trần lần thứ 3 để cứu nhân độ thế, được nhân dân suy tôn là Đức Thánh mẫu và trở thành một trong tứ bất tử của văn hóa Việt Nam (gồm Tản viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh).
Đền quan giám sát được xây dựng cùng thời điểm với đền Phố Cát, thờ Quan lớn Đệ nhị thượng ngàn hay còn gọi là Quan đệ nhị giám sát. Ông vốn là con trai thứ 2 của vua Bát Hải Động Bình, hạ phàm đầu thai vào Hoàng cung. Ông được giao quyền giám sát cai quản sơn lâm, thượng ngàn.
Thánh mẫu Liễu Hạnh và Quan đệ nhị giám sát là những vị thần mà Nhân dân ở đây thờ tự với mong muốn được thần bảo hộ, che chở cho cuộc sống dân làng được bình an.
Về với danh thắng Phố Cát, thăm đền Phố Cát, ngôi đền với kiến trúc truyền thống mang những dấu ấn riêng của vùng núi xứ Thanh. Phía trước đền có 3 ngọn núi đá án ngữ như bức bình phong. Trước đền Phố Cát và đền quan giám sát có dòng suối nhỏ đổ về. Cây cầu bằng đá bắc qua suối hình vòng cung. Trải qua thời gian cầu vẫn đứng vững và tôn thêm phần mềm mại, duyên dáng cho di tích nơi đây. Tại đền Phố Cát còn lưu giữ một số hiện vật quý như tượng, kiệu, bia đá... thời Nguyễn.
Lễ hội đền Phố Cát sẽ được tổ chức quy mô cấp huyện
Trải qua thời gian, một số hạng mục tại đền Phố Cát và đền Quan giám sát xuống cấp. Thực hiện Công văn số 274/SVHTTDL-DSVH ngày 17/1/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa về việc bổ sung, hoàn thiện phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thắng cảnh Phố Cát, đến nay, UBND huyện Thạch Thành đã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích thắng cảnh Phố Cát, thị trấn Vân Du (Thạch Thành), dự kiến thời gian thực hiện năm 2024-2026.
Đồng chí Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Thạch Thành, cho biết: Năm 2024, lễ hội đền Phố Cát được huyện Thạch Thành tổ chức với quy mô cấp huyện do UBND huyện chủ trì. Lễ hội đền Phố Cát năm 2024 được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27 đến ngày 29/3/3024 (tức ngày 18 đến 20/2 âm lịch). Lễ hội sẽ diễn ra tại khu di tích thắng cảnh Phố Cát và sân vận động khu phố Phố Cát, thị trấn Vân Du với các hoạt động như dâng hương, đánh trống khai hội, thực hiện các nghi thức tế lễ, biểu diễn chương trình nghệ thuật sân khấu hóa, tổ chức lễ rước bóng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Phần hội diễn ra các hoạt động như hầu văn thánh, thực hành diễn xướng 36 giá hầu đồng trong nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thi nam nữ kéo co; giao lưu dân vũ thể thao; giải bóng chuyền hơi...
Các hoạt động diễn ra trong lễ hội đền Phố Cát nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, cảnh quan thiên nhiên của di tích thắng cảnh Phố Cát; quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Thạch Thành đến bạn bè trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-12-14 22:13:00
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Sắc màu hội tụ” tại đất thiêng Quảng Trị
-
2024-12-14 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Câu chuyện tâm linh
-
2024-03-09 10:36:00
Lắng đọng cảm xúc trong “Ngôi nhà văn hóa xứ Thanh”
Mãn nhãn phần trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa
Núi Chiếu Bạch vua Lê ngoạn cảnh đề thơ
Khai mạc Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XX chủ đề “Xuân về trên quê Thanh”
Ấn tượng Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa
[E-Magazine] – Dịu dàng màu tím tháng ba
Giữ “hồn cốt” dân tộc xứ Thanh
Xây dựng thương hiệu du lịch từ hệ giá trị địa phương
Sôi động những điểm check-in dịp đầu năm
Sẵn sàng cho Liên hoan Văn hóa các dân tộc lần thứ XX