(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã có những chỉ đạo quyết liệt từ phía cơ quan cấp trên, tuy nhiên sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp xã là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng công trình trái phép trên đất nông nghiệp vẫn phát sinh mới ở nhiều nơi. Các công trình từ lán trại, nhà ở đến nhà xưởng ngang nhiên mọc lên ở những khu vực được quy định để trồng cây hàng năm, cây lâu năm hay thậm chí là đất trồng lúa.

Ngăn chặn phát sinh các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Mặc dù đã có những chỉ đạo quyết liệt từ phía cơ quan cấp trên, tuy nhiên sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp xã là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng công trình trái phép trên đất nông nghiệp vẫn phát sinh mới ở nhiều nơi. Các công trình từ lán trại, nhà ở đến nhà xưởng ngang nhiên mọc lên ở những khu vực được quy định để trồng cây hàng năm, cây lâu năm hay thậm chí là đất trồng lúa.

Ngăn chặn phát sinh các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu phố 6, phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Ảnh: PV

Vi phạm cũ chưa giải quyết, vi phạm mới đã phát sinh

Đó là thực trạng đang diễn ra tại không ít địa phương trên địa bàn tỉnh. Phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) là địa phương có không ít công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp từ những năm trước đây. Ở khu phố 6, một số công trình nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp đã tồn tại từ những năm 2015. Toàn bộ diện tích đất trước đây thuộc đất nông trường Hà Trung, được sử dụng trồng cây ăn quả, một số hộ dân xây dựng nhà kho trên đất để làm nơi trông coi. Sau này, khi có quyết định của UBND tỉnh, diện tích đất không thuộc đất giao cho nông trường thuê, một số hộ dân đã tự ý chuyển nhượng cho người khác xây dựng nhà ở và các công trình phụ, trở thành khu dân cư với 5 - 6 hộ dân sinh sống. Đáng nói là khi các công trình vi phạm chưa có hướng giải quyết cụ thể thì trên địa bàn phường tiếp tục phát sinh những công trình vi phạm mới.

Vẫn tại khu phố 6, trên diện tích đất nông nghiệp, gia đình ông Vũ Đình Lục thi công xây dựng 1 công trình nhà ở từ khoảng tháng 3-2022. Khi công trình đã xây xong phần móng, cột, tường tầng 1, UBND phường Bắc Sơn mới phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm của gia đình ông Lục được UBND phường Bắc Sơn xác định là: Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị. UBND phường đã yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm của gia đình ông Vũ Đình Lục, song ngôi nhà xây dựng dở dang, gạch đá xếp ngổn ngang trước nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến thời điểm hiện tại.

Ở khu phố 2, công trình nhà ở xây dựng trái phép của gia đình ông Vũ Ngọc Tuấn trên diện tích đất trồng cây ăn quả cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều tại địa phương. Vị trí đất có công trình vi phạm nằm trong diện tích đất mà UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (nay là Công ty CP Phát triển Tân Hà Trung) thuê đất tại thị xã Bỉm Sơn để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Công trình là một tòa nhà 2 tầng kiên cố, với kiến trúc hiện đại được bắt đầu khởi công từ cuối năm 2021. Mặc dù thời điểm mới bắt đầu xây dựng, UBND phường Bắc Sơn đã phát hiện vụ việc, có biên bản yêu cầu gia đình ông Vũ Ngọc Tuấn chấm dứt ngay hành vi vi phạm, thế nhưng không hiểu vì sao công trình vẫn hoàn thành khang trang trên đất nông nghiệp, khiến vụ việc rơi vào tình huống phức tạp, khó xử lý. Sau rất nhiều lần làm việc, tuyên truyền, vận động, gia đình có công trình vi phạm đã tự nguyện tháo dỡ xong phần mái và phần cửa, đồng thời có đơn kiến nghị xin để công trình lại làm nơi chăn nuôi và lợp lưới trồng phong lan để không tổn hại đến kinh tế gia đình?!

Ở thị xã Nghi Sơn, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng không hiếm gặp. Số liệu tổng hợp của đội kiểm tra quy tắc đô thị của thị xã cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn thị xã đã phát sinh 24 vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng phải xử lý, trong đó nhiều vụ việc vi phạm về đất đai, xây dựng trên đất nông nghiệp, tập trung ở các xã, phường: Phú Lâm (5 vụ), Phú Sơn (3 vụ), Hải Hòa (2 vụ), Hải Lĩnh (2 vụ), Tân Trường (2 vụ), Tùng Lâm (2 vụ)... Một trong những vụ việc nổi cộm trong thời gian qua diễn ra tại xã Phú Lâm là công trình nhà xưởng của Công ty TNHH Thương mại Hoa Thắm được xây dựng ngay trên diện tích đất nông nghiệp ở thôn Trường Sơn. Khu vực có công trình vi phạm nằm trong khu dân cư và không xa trung tâm xã, vậy mà công ty ngang nhiên xây dựng công trình nhà xưởng, khu nhà vệ sinh, khu nhà bảo vệ trên thửa đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 1.300m2.

Điều đáng nói, đối với công trình vi phạm này, chính quyền địa phương đã không ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, để công trình hoàn thành đưa vào sử dụng làm xưởng may với hơn 100 công nhân làm việc. Đến khi vào cuộc xử lý, cơ quan có thẩm quyền đã 2 lần ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, xử phạt tổng số tiền 46 triệu đồng. Công ty đã chấp hành nộp tiền phạt, song việc tháo dỡ dứt điểm công trình vi phạm vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Rà soát, xác định rõ từng trường hợp vi phạm để có hướng xử lý cụ thể

Ngăn chặn phát sinh các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Lê Trọng Thắng, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Hậu Lộc

Tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp là rất phức tạp, diễn ra qua nhiều thời kỳ, khó xử lý một cách triệt để trong thời gian ngắn. Trong đó, yếu tố khách quan từ việc thực hiện chủ trương về dồn đổi ruộng đất qua các thời kỳ. Các địa phương đã quy hoạch phần diện tích đất khó giao, hiệu quả thấp để chuyển đổi sang mô hình sản xuất tăng thu nhập, không để đất bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên dẫn đến các vi phạm phổ biến nhất là xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà trông coi tạm... Về yếu tố chủ quan là do sự yếu kém, buông lỏng công tác quản lý đất đai, thiếu sâu sát, hướng dẫn, kiểm tra của cán bộ chuyên môn.

Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, kiểm tra cụ thể đối với các trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp. Trên cơ sở Công văn số 12233/UBND-NN của UBND tỉnh để hướng dẫn các xã rà soát, thống kê cụ thể diện tích, số thửa, số tờ, diện tích xây dựng, thời điểm xây dựng nhà, xác định nguồn gốc sử dụng đất... để có hướng xử lý cụ thể đối với từng trường hợp trên cơ sở tính toán, cân nhắc, giải quyết bảo đảm quyền lợi của người dân phù hợp với quy định của pháp luật. Lập hồ sơ xử lý dứt điểm và xem xét đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm trước ngày 1-7-2014. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tạm thời giữ nguyên hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi, thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

Đối với các trường hợp vi phạm sau thời điểm 1-7-2014, nhiều trường hợp vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên việc khắc phục hậu quả, xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Đến nay mới thực hiện xong việc tháo dỡ đối với 2 trường hợp vi phạm tại các xã Quang Lộc, Liên Lộc, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 trường hợp vi phạm tại xã Hoa Lộc. Đối với các trường hợp còn lại, Phòng TN&MT tham mưu cho UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án xử lý, tháo dỡ và báo cáo UBND huyện; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý xây dựng tại địa phương.

Tại huyện Hậu Lộc, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng diễn ra phổ biến ở hầu hết các xã, thị trấn, chủ yếu là công trình xây dựng nhà ở, nhà kho, nhà xưởng sản xuất. Xã Hòa Lộc là một trong những xã theo thống kê có tới gần 20 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Đáng nói, trong số gần 20 trường hợp này thì tất cả đều là những công trình vi phạm xây dựng trên đất có nguồn gốc là đất lúa. Trường hợp tại thôn Bái Trung, theo phản ánh của các hộ dân nơi đây cho biết, từ năm 2014, trên địa bàn thôn mọc lên một xưởng sản xuất đá mỹ nghệ xây dựng trên đất nông nghiệp, với diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông. Do đặc thù là loại hình sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ nên tình trạng ô nhiễm bụi bặm, tiếng ồn làm ảnh hưởng lớn đến khu dân cư. Nhiều lần người dân phản ánh, cơ sở sản xuất này được di dời đến một vị trí mới cách vị trí cũ vài trăm mét, phần nào giảm thiểu được tình trạng bụi bặm, tiếng ồn. Song, điều người dân thôn Bái Trung khó hiểu, là vị trí mới, cũng được chủ xưởng sản xuất chế tác đá này tận dụng mua lại phần đất nông nghiệp của người dân để xây dựng trái phép. “Một công trình có quy mô rộng lớn không hiểu vì sao nghiễm nhiên hoạt động suốt nhiều năm qua mà không hề bị xử lý, dẹp bỏ?” - một người dân (xin giấu tên - PV) thắc mắc.

Ông Trình Xuân Hán, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc khẳng định, đây là công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đã tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết. Về quy hoạch, khu đất mà xưởng sản xuất này đang hoạt động cũng không thuộc đất sản xuất, thương mại.

Không chỉ riêng xã Hòa Lộc, theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp diễn ra phổ biến ở nhiều xã, thị trấn ở huyện Hậu Lộc. Qua rà soát của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện, đến cuối tháng 2-2022, tổng số trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp là 775 trường hợp, có 171 trường hợp vi phạm trước thời điểm 1-7-2004; 464 trường hợp vi phạm trước thời điểm 1-7-2014; 140 trường hợp vi phạm sau thời điểm 2014.

Những trường hợp “điểm mặt, chỉ tên” kể trên dù lớn, dù nhỏ đều là các vụ vi phạm mới không được ngăn chặn kịp thời. Thời điểm tháng 8-2021, theo báo cáo thống kê của Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh có hơn 11.000 vụ vi phạm trật tự xây dựng các công trình nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại... trái phép trên đất nông nghiệp chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm. Nhiều hồ sơ cũ trong số đó còn “án binh chờ giải quyết” thì số vụ việc vi phạm mới lại tiếp tục được cập nhật. Mặc dù số lượng vụ việc phát sinh mới không nhiều, song các vụ việc xảy ra đã tạo dư luận không tốt tại địa phương.

Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm

Tại Điều 7, quy định về quản lý trật tự xây dựng; phân cấp quản lý trật tự xây dựng và tiếp nhận hồ sơ thông báo khởi công xây dựng đối với các công trình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (ban hành kèm Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND ngày 8-10-2021 của UBND tỉnh) đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã: “Chịu trách nhiệm đối với các hoạt động xây dựng trên đất không được phép xây dựng trong phạm vi quản lý. Khi phát hiện vi phạm, kịp thời chỉ đạo cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng thông báo, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm đó theo quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai... Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn đối với các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, không để vi phạm tiếp diễn sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính hoặc quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền”.

UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, trong đó có Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 14-7-2021 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh; Công văn số 12233/UBND-NN ngày 12-8-2021 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với những hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp theo từng mốc thời gian để xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm trước đây; đồng thời triệt để ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh.

Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã, phường để phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm

Ngăn chặn phát sinh các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Lê Tiến Lũy, Phó Đội trưởng Đội quy tắc đô thị thị xã Nghi Sơn

Khó khăn trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn hiện nay đó là dân cư phân bố không tập trung, nhiều vị trí đất ở xen kẹp, liền kề với đất nông nghiệp, đất trồng rừng. Nếu chính quyền cấp xã, phường không kịp thời phát hiện, xác minh vụ việc thì dễ dẫn đến hành vi vi phạm.

Những năm gần đây, UBND thị xã Nghi Sơn đã có nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó giao trách nhiệm cho UBND các xã, phường thực hiện quản lý trật tự xây dựng, nắm bắt tình hình tại cơ sở, trong đó các tổ quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng cấp xã, phường do chủ tịch UBND xã, phường làm tổ trưởng để gắn chặt vai trò trách nhiệm của các thành viên, rà soát các trường hợp vi phạm còn tồn đọng, không để các trường hợp vi phạm phát sinh mới. Công tác quản lý đối với lĩnh vực trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã đã được siết chặt dần và có những biện pháp xử lý nóng. Song, ở một số đơn vị, việc chỉ đạo thực hiện chưa chủ động và thiếu quyết liệt, không cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm ngay từ đầu theo chức năng, thẩm quyền, dẫn đến trường hợp vi phạm, khi vi phạm với quy mô lớn thì vụ việc đã trở nên phức tạp, khó giải quyết. Trường hợp vi phạm tại xã Phú Lâm, nếu chính quyền địa phương xử lý cương quyết, chấn chỉnh ngay từ đầu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp xây dựng trên vị trí đất được cấp phép xây dựng thì không dẫn đến vụ việc phức tạp phải giải quyết như hiện nay.

Quy định về trách nhiệm đã rõ ràng, hướng dẫn thực hiện đã cụ thể, song ở một số địa phương, những vụ việc vi phạm mới vẫn phát sinh do buông lỏng công tác quản lý. Một số đơn vị lúng túng, thiếu cương quyết trong quá trình xử lý ban đầu, thậm chí là né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tạo cơ hội cho người vi phạm hoàn thiện công trình, dẫn đến nhiều trường hợp rơi vào tình huống phức tạp, khó giải quyết. Mặt khác, người vi phạm mặc dù bị xử phạt hành chính, có nguy cơ bị tổn thất về tài sản khi phải tháo dỡ công trình vi phạm, nhất là đối với những công trình nhà ở, nhà xưởng có giá trị lớn. Song câu hỏi đặt ra là, trong hầu hết các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, vì sao người dân biết sai nhưng vẫn vi phạm? Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao, việc xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh mang lại lợi nhuận nên nhiều người bất chấp các quy định về quản lý đất đai để thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, nguyên nhân từ sự thiếu quyết liệt trong xử lý một số vụ việc vi phạm tạo thành “tiền lệ” xấu, một số địa phương hành xử một cách hình thức, thiếu quyết liệt, khiến nhiều người “nhờn” luật nên cố tình vi phạm, tạo cơ hội cho người vi phạm hoàn thành công trình, chấp nhận bị xử phạt vi phạm hành chính và có tư tưởng cho rằng “phạt rồi cho tồn tại”?!

Ở phường Bắc Sơn, vi phạm cũ, vi phạm mới đều xuất phát từ những bất cập trong công tác bàn giao, quản lý đất đai trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn cho rằng: Trên địa bàn phường có nhiều trường hợp đất nông trường đan xen trong khu dân cư, nhiều diện tích đất chưa được bàn giao cho địa phương quản lý. Nguồn gốc sử dụng đất có nhiều hộ xâm canh, sử dụng để ở, trồng cây, trang trại từ rất lâu rồi nhưng trên hồ sơ, giấy tờ hiện nay là đất được giao cho nông trường thuê. Tình trạng này đã dẫn đến đơn thư của 35 hộ dân khiếu nại về hơn 64 ha đất mà người dân đang sử dụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn. Ngay cả vụ việc vi phạm mới phát sinh ở khu phố 2, ban đầu UBND phường đã xây dựng phương án cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, song nhận thấy công trình vi phạm nằm trên đất đã được giao cho tổ chức thuê nên UBND phường không có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Người dân đã có đơn kiến nghị xin giữ lại công trình làm nơi chăn nuôi và lợp lưới trồng lan để không tổn hại đến kinh tế gia đình. UBND phường phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Nhìn lại các vụ việc để thấy rằng “gốc rễ” của các công trình vi phạm lớn nhỏ, hầu hết suy cho cùng xuất phát từ tâm lý, mục đích làm sao để dự án hoàn thành, công trình được tồn tại sử dụng, bất chấp những biên bản vi phạm, quyết định xử phạt hành chính hay quyết định buộc khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của đất. Từ thực tế cho thấy, để ngăn chặn phát sinh thêm vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, cũng như xử lý triệt để những trường hợp trước đó, các địa phương cần vào cuộc tập trung, quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa, bảo đảm kỷ cương thi hành công vụ trong cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý đất đai, xây dựng.

Ngăn chặn, xử lý quyết liệt, triệt để ngay từ khi vụ việc vi phạm mới phát sinh

Ngăn chặn phát sinh các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Bà Nguyễn Thị Hương (Xã Trường Sơn, huyện Nông Cống)

Trên địa bàn huyện Nông Cống, tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp cũng diễn ra tương đối phức tạp. Đơn cử, kể từ khi tuyến Nghi Sơn - Sao Vàng được hình thành qua địa bàn xã, huyện, nhà của nhiều hộ dân được ra mặt tiền đường lớn. Bất chấp quy định, mặc dù là đất vườn, đất trang trại... nhưng đã có những hộ cố ý san lấp, tạo mặt bằng, quây tường bao... để tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng... Lâu nay, chính việc cả nể, xử lý thiếu quyết liệt từ cấp thôn, xã, ngay từ khi phát sinh vi phạm là nguyên nhân khiến cho nhiều công trình xây dựng trái phép trở nên phức tạp, khó giải quyết. Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngoài việc nâng cao trách nhiệm trong phát hiện, tố giác từ cơ sở thì sự quyết liệt, kịp thời trong xử lý từ các cấp chính quyền và ngành chức năng, gắn với vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu là hết sức quan trọng.

Việt Hương - Đình Giang


Việt Hương - Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]