(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây có rất nhiều học sinh khối tiểu học và THCS đòi bố mẹ hoặc tự tiết kiệm tiền ăn sáng để mua món đồ chơi có tên gọi là “dao cà rốt”, “dao cà rốt vô tri”. Con trai tôi năm nay học lớp 7 cũng không nằm ngoài trend ấy...

Mối nguy hại khôn lường từ đồ chơi “dao cà rốt”

Thời gian gần đây có rất nhiều học sinh khối tiểu học và THCS đòi bố mẹ hoặc tự tiết kiệm tiền ăn sáng để mua món đồ chơi có tên gọi là “dao cà rốt”, “dao cà rốt vô tri”. Con trai tôi năm nay học lớp 7 cũng không nằm ngoài trend ấy...

Mối nguy hại khôn lường từ đồ chơi dao cà rốtĐồ chơi này được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử hoặc các trang mạng xã hội.

“Mẹ ơi! Cho con mua đồ chơi này nhé. Các bạn trong lớp con lúc ra chơi, chơi với nhau vui lắm"... Nói rồi con trai tôi lấy ipad gõ vào google cụm từ “dao cà rốt” là xuất hiện hàng loạt sản phẩm với đủ loại mẫu mã, chủng loại, màu sắc và giá thành khác nhau được rao bán trên các sàn thương mại điện tử hoặc trên mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok... kèm theo những dòng quảng cáo đường mật “Được làm từ chất liệu an toàn cho trẻ”, “Giúp trẻ giảm căng thẳng, giảm stress”, “Giá chỉ có hơn 10 nghìn đồng là có món đồ chơi phát sáng dạ quang”... cùng với đó là các clip hướng dẫn cách quay dao, sử dụng dao đâm vào bụng gấu bông...

Xem hình ảnh, clip con trai đưa, tôi lựa lời giải thích cho con về những nguy hiểm tiềm ẩn khi chơi loại dao này, đồng thời kể cho con nghe câu chuyện của một gia đình người bạn có con trai bằng tuổi của con khi cầm que nứa để chơi, lùa nhau chạy đã vô tình chọc phải mắt của bạn khiến bạn bị mù... Thấy tôi giải thích, con trai tôi lẳng lặng tắt máy và đi học.

Sáng hôm sau khi đang đi làm, tôi thấy chi hội trưởng chi hội phụ huynh của lớp đưa lên nhóm zalo của phụ huynh một số hình ảnh về việc cô tổng phụ trách trường phát hiện các bạn trong lớp mang “dao cà rốt” trêu trọc nhau bằng cách cầm dao đâm vào người các bạn. Cô tổng phụ trách thu lại và trừ điểm thi đua của lớp.

Sau khi chi hội trưởng chi hội phụ huynh lớp đưa hình ảnh và thông tin lên nhóm, có rất nhiều ý kiến bình luận của các phụ huynh. Người cho rằng “Dao cà rốt được làm bằng nhựa, vô hại, việc gì phải thu”; “Ngoài đồ chơi này, có rất nhiều đồ dùng học tập còn nguy hiểm hơn như bút chì, compa, eke... đều là những vật sắc, nhọn”; “Đây là đồ chơi nguy hiểm, nếu các con chơi quen tay sẽ có những hành động đáng tiếc xảy ra”; “Em không cho mua nhưng con em mượn của bạn Tùng về chơi mà không biết trả chưa... hu... hu”...

Đọc những dòng bình luận của các phụ huynh, tôi trao đổi với nhóm bạn thân là những giáo viên đang dạy ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh, họ cho biết các loại đồ chơi này nhìn rất bắt mắt vì màu sắc sặc sỡ, có nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau; một số loại còn phát quang nên bọn trẻ rất thích...

“Có học sinh còn nói với tôi rằng: “Dao cà rốt chơi đâm nhau vui lắm cô ạ!... Tôi giật mình, quá bất ngờ vì đồ chơi mang hơi hướng bạo lực này có rất nhiều bạn chơi. Chính mắt tôi nhìn thấy các em cầm đâm vào người nhau liên tục rồi cười vui vẻ. Đó là cảnh mà mình nhìn thấy trong các bộ phim hành động”, cô Lê Thị Hương, giáo viên một trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa nói.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Ninh, giáo viên Trường THCS Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, nhận định: “Nhiều khi phụ huynh cứ chủ quan, thấy các con đòi là mua cho chơi mà không nghĩ đến hậu quả về sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ. Sử dụng chúng có thể đâm thủng hoa, quả; hơn nữa đầu dao được làm nhọn, các con vô ý sẽ gây thương tích cho bạn khác; chưa nói đến việc các em chơi và thực hiện các hành động cầm, lắc để lưỡi dao rơi ra khỏi vỏ, sau đó các em bắt chước hành động đâm dao. Từ hành động trên có thể kích thích xu hướng bạo lực ở trẻ dưới vỏ bọc đồ chơi. Mà điều đó, các chuyên gia tâm lý đã cảnh báo nếu cho trẻ sử dụng đồ chơi vũ khí bạo lực sẽ khiến tính cách của trẻ ngày càng trở nên hung hăng, có thể gia tăng khả năng trẻ em sử dụng dao thật và thực hiện hành động tương tự".

Trước thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng có một số website, ứng dụng hoặc mạng xã hội có đăng bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, thuộc danh mục đồ chơi bạo lực ảnh hưởng đến sức khỏe, giáo dục nhân cách của trẻ em. Các sản phẩm này bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay. Cụ thể theo Mục X Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM ngày 18/1/2000 của Bộ Thương mại (cũ) ban hành Danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, trong đó quy định cụ thể về một số loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh - trật tự, an toàn xã hội bị cấm, trong đó có các loại giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén)... Và tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 11 phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Bên cạnh đó, Điểm đ, Khoản 3, Điều 11 còn quy định, người có hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm còn có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ phải hết sức cảnh giác và sáng suốt lựa chọn khi mua đồ chơi cho trẻ nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe, tâm lý của trẻ.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]