(Baothanhhoa.vn) - Chỉ tính từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch, tăng đột biến so với thời gian trước đó. Điều này, đòi hỏi chế tài xử lý cần mạnh tay hơn nữa đối với những trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội, góp phần làm sạch không gian mạng.

Mạnh tay xử lý hành vi tung tin giả trên mạng xã hội

Chỉ tính từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch, tăng đột biến so với thời gian trước đó. Điều này, đòi hỏi chế tài xử lý cần mạnh tay hơn nữa đối với những trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội, góp phần làm sạch không gian mạng.

Mạnh tay xử lý hành vi tung tin giả trên mạng xã hộiLực lượng Công an TP Thanh Hóa làm việc với trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Tất Thành (Công an TP Thanh Hóa)

Cuối tháng 8-2021, Đội An ninh, Công an TP Thanh Hóa phối hợp với Công an phường Quảng Thành đã tiến hành làm việc với N.V.L. (sinh năm 1988, địa chỉ tại phường Quảng Thành) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh. Cụ thể lúc 13 giờ ngày 26-8, N.V.L. đã sử dụng tài khoản facebook “Luan Barber” đăng tải bài viết “Bên thành mai có rồi ae đi đứng cẩn thận ko thì lại khổ” và đính kèm một số hình ảnh phong tỏa, cắm chốt, thu hút một lượng lớn bình luận và chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn. Qua xác minh, các hình ảnh đăng tải là khu vực tại huyện Nông Cống phong tỏa, cách ly, không phải hình ảnh tại phố Thành Mai, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa. Hình ảnh, thông tin sai sự thật mà L. đăng tải đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong cộng đồng dân cư phường Quảng Thành. Sau quá trình làm việc với lực lượng chức năng, N.V.L. đã thừa nhận hành vi và xóa bỏ bài viết.

Trong tháng 9-2021, Công an TP Thanh Hóa đã tiến hành làm việc với chủ tài khoản “Đỗ Hải” (do ông Đ.V.H., SN 1979 ở phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa làm chủ) về hành vi đăng tải thông tin bôi nhọ về công tác làm căn cước công dân gắn chip điện tử tại phường Thiệu Khánh. Trong quá trình làm việc, Đ.V.H. đã thừa nhận hành vi của mình, chủ động gỡ bỏ thông tin trên mạng, xin lỗi công khai đối với lực lượng công an và cam kết không tái phạm...

Những trường hợp bị xử phạt do đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội hầu hết là người trẻ tuổi. Mục đích chính khi đăng tải thông tin chủ yếu là để câu like, câu view, thu hút sự hiếu kỳ của dư luận. Nhiều người vì thói quen chia sẻ thông tin không kiểm chứng nên đã vô tình tiếp tay cho những thông tin xấu, độc lan truyền. Đáng chú ý, các đối tượng lan truyền thông tin xấu, độc thường không đăng tải thông tin công khai như trước mà có xu hướng hoạt động trong các nhóm kín, chia sẻ các nội dung qua ứng dụng tin nhắn riêng, gây khó cho lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, xử lý.

Để đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật, hiện nay, công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập và sử dụng hiệu quả các trang fanpage của lực lượng, đăng tải các thông tin chính xác được cập nhật từ các nguồn tin chính thống. Qua đó, góp phần “đè bẹp”, “áp đảo” các thông tin sai sự thật trên không gian mạng xã hội, nhất là các tin tức liên quan đến tình hình dịch COVID-19.

Điển hình phải nhắc đến là chiến dịch “Giải độc thông tin” của Công an TP Thanh Hóa đã triển khai từ đầu tháng 8-2021. Chiến dịch đã góp phần ngăn chặn nhiều luồng thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc; quản lý chặt chẽ các hội, nhóm, kênh fanpage có đông thành viên là người dân TP Thanh Hóa, không để tình trạng thông tin sai sự thật, giật gân, câu like, câu view gây hoang mang trong Nhân dân; kịp thời, phát hiện và xử lý các trường hợp liên quan đến việc đăng tải thông tin sai sự thật. Công an TP Thanh Hóa đã sử dụng hiệu quả trang fanpage trên facebook để lan tỏa các thông tin chính thống, định hướng tư tưởng dư luận, thu hút gần 100.000 lượt đăng ký theo dõi, độ phủ sóng lên đến hàng triệu lượt tiếp cận và tương tác.

Thượng tá Phạm Thái Hùng, Phó trưởng Công an TP Thanh Hóa cho biết: Công an TP Thanh Hóa thành lập tổ an ninh mạng trong đội an ninh để thường trực rà soát thông tin trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, bóc gỡ các tin bài bịa đặt, xuyên tạc, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền để đưa những thông tin chính thống đến người dân, góp phần định hướng dư luận trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19.

Có thể nhận thấy rằng, trên không gian mạng ngoài những thông tin có nội dung tích cực, hữu ích thì cũng có không ít các thông tin mang tính tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật, đăng tải, lan truyền những thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác... Bằng chứng là rất nhiều trường hợp đã bị các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua. Một số đối tượng xấu còn lợi dụng mạng xã hội để che đậy danh tính, dùng tài khoản ảo để tung tin giả hoặc lừa đảo... Vì thế, không gian mạng trở thành một nơi thiếu an toàn nếu người dùng không có kiến thức, không cẩn thận và tỉnh táo. Do đó người dùng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, không đăng tải, bình luận và chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng hoặc chưa rõ nguồn đăng tải.

Tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định: Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải. Trường hợp, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin trái với quy định của pháp luật, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015.

Hiện nay, Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Theo đó, dự thảo quy định cụ thể các hành vi vi phạm, đề xuất tăng nặng mức xử phạt hành chính với các hành vi đăng tải thông tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống... trên không gian mạng (các nội dung này đang được quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Theo Bộ Công an, khi dự thảo được thông qua sẽ giảm tình trạng các hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”. Đồng thời, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội.

Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]