(Baothanhhoa.vn) - Bằng nhiều giải pháp thiết thực, những năm gần đây, huyện Hà Trung từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT), qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Hà Trung

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, những năm gần đây, huyện Hà Trung từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT), qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Hà Trung

Mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Hà Long.

Đồng chí Tạ Thị Thu Thủy, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Hà Trung đã xây dựng kế hoạch triển khai sát với tình hình thực tế tại địa phương, từng bước giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Huyện xác định đào tạo nghề là một trong những vấn đề trọng tâm để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, trong quá trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT, huyện tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới; có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu công việc. 5 năm gần đây, huyện phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho gần 4.000 LĐNT theo Quyết định 1956. Các lớp nghề tập trung chủ yếu là ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đan chiếu tre, thảm cói mỹ nghệ, may túi xuất khẩu, may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, mộc mỹ nghệ... Qua khảo sát, người lao động sau khi hoàn thành khóa học đều ứng dụng thành công các kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Theo đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị an toàn thực phẩm được phát huy hiệu quả như: nếp cái hoa vàng, nếp hạt cau, dưa chuột, chuối tiêu hồng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, mít Thái, dừa xiêm lùn, chanh tứ quý... Bên cạnh đó, đã hình thành các mô hình mới như: trồng, chế biến cây cà gai leo, nấm linh chi và các cây dược liệu khác; trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ tưới nước theo phương pháp nhỏ giọt; trồng cây keo lai bầu hữu cơ, bưởi đỏ Hòa Bình, mít Ma Lai, dưa lưới Nhật Bản, ổi không hạt, cam đường... được đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình của các phong trào này là ở các xã: Hà Lĩnh, Hà Long, Hà Sơn, Hà Tiến và trong các tổ chức hội nông dân, hội làm vườn và Trang trại... Cũng nhờ công tác đào tạo nghề đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 76%. Nhiều lao động sau học các nghề phi nông nghiệp đã chuyển nghề và có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Hà Trung, việc chuyển đổi cơ cấu LĐNT từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề, chưa xác định được ngành, nghề phù hợp với địa phương mình; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho người lao động kết quả đạt được chưa cao; nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, người nông dân thiếu vốn để phát triển và mở rộng các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Ngành, nghề đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo thấp không đáp ứng được công việc xã hội cần. Một số xã, thị trấn tuy có mở được các lớp dạy nghề ngắn hạn nhưng tổ chức duy trì sản xuất các nghề này hiệu quả còn thấp, ngành nghề tiểu – thủ công nghiệp phát triển còn chậm, quy mô sản xuất còn nhỏ...

Việc chuyển dịch cơ cấu lao động là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành tiêu chí 12 trong xây dựng NTM, vì vậy, trong thời gian tới, huyện Hà Trung xác định tập trung các nguồn lực nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động được đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực phi nông nghiệp. Tính đến tháng 6-2021, toàn huyện đã có 11 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 113/137 thôn đạt chuẩn NTM, 4 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện, các xã đã và đang đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo nghề.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Hoàng Văn Long thì đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT gắn với xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện trong giai đoạn hiện nay. Kế hoạch của Hà Trung trong những năm tới là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về đào tạo nghề; tích cực điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị trên địa bàn để những ngành nghề đào tạo gắn liền với lợi ích của người lao động, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Đồng thời, tăng cường du nhập những nghề mới có thu nhập cao vào địa bàn; lồng ghép các chương trình, dự án để nhiều LĐNT được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần bảo đảm nguồn nhân lực có tay nghề cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt kết quả cao.

Bài và ảnh: Phan Nga


Bài và ảnh: Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]