(Baothanhhoa.vn) - TP Sầm Sơn thực hiện Chương trình Mục tiêu  quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục tiêu kết hợp xây dựng NTM với từng bước đô thị hóa các xã. Từ đó, hình thành các khu dân cư nông thôn theo hướng đô thị dưới các hình thức phố làng, khu dân cư làng nghề, khu dân cư nông thôn phi nông nghiệp...

Chung sức, đồng lòng xây dựng thành công nông thôn mới

TP Sầm Sơn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục tiêu kết hợp xây dựng NTM với từng bước đô thị hóa các xã. Từ đó, hình thành các khu dân cư nông thôn theo hướng đô thị dưới các hình thức phố làng, khu dân cư làng nghề, khu dân cư nông thôn phi nông nghiệp...

Chung sức, đồng lòng xây dựng thành công nông thôn mớiDiện mạo nông thôn mới xã Quảng Hùng.

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình MTQG xây dựng NTM là cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; do vậy, Ban Thường vụ Thành ủy TP Sầm Sơn đã tổ chức quán triệt, triển khai từ thành phố đến cơ sở với quyết tâm cao nhất. Hàng năm, HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết về khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp; khuyến khích phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ kinh phí xây dựng đường bê tông liên thôn, xóm; hỗ trợ đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM...

Mặc dù chỉ có 3 xã triển khai xây dựng NTM (Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Minh), song thành phố luôn xác định đây là chương trình lớn, cần nhiều vốn và phải chú trọng đa dạng hóa các nguồn lực. Cụ thể, thành phố đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; đồng thời, khuyến khích, huy động tối đa sự hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân; đặc biệt, phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, nhằm khích lệ mọi tầng lớp Nhân dân tham gia hiến đất, tài sản, ngày công, kinh phí để xây dựng NTM. Kết quả, tổng vốn huy động phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn từ năm 2010 đến nay là 763,657 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp (tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở) là 421,831 tỷ đồng (chiếm 55,24%); còn lại là ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, thành phố, xã và ủng hộ của doanh nghiệp.

Từ nguồn vốn này, thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa xã, thôn, vệ sinh môi trường và đầu tư phát triển sản xuất... Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ theo quy mô lên phường và ngày càng hoàn thiện; giao thông, thủy lợi đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện và thuận lợi cho sản xuất; trường, trạm, nhà văn hóa các thôn được đầu tư xây dựng khang trang; chợ nông thôn được xây mới và chuyển đổi mô hình quản lý, sửa sang đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân cũng như thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Trong xây dựng NTM, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến các xã xác định là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, thành phố nói chung, các xã xây dựng NTM nói riêng đã khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, xem việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM, thành phố đã tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong nông thôn... Đến nay, 3 xã Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Minh đã chuyển đổi được hơn 155 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang các mô hình và cây trồng có giá trị kinh tế cao, như chuyển đổi sang mô hình lúa - cá (Quảng Hùng, Quảng Minh); chuyển sang trồng ngô, hoa (Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Minh); tập trung phát triển các loại cây rau màu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, na, thanh long ruột đỏ, bưởi và các loại rau ăn lá phục vụ các nhà hàng, khách sạn.

Với việc tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người 3 xã xây dựng NTM đạt 46,5 triệu đồng/năm (tăng gấp 4,13 lần so với năm 2010); đồng thời, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị của thành phố cũng từng bước thu hẹp. Cả 3 xã đều đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo; cụ thể: năm 2010, tổng số hộ nghèo của 3 xã là 1.057 hộ (chiếm tỷ lệ 30%), thì đến 6 tháng đầu năm 2021, tổng số hộ nghèo của 3 xã còn 95/4.480 hộ (chiếm tỷ lệ 2,12%), tổng số hộ nghèo NTM (đã trừ số hộ nghèo thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội) là 36 hộ (chiếm tỷ lệ 0,88% và vượt quy định chuẩn dưới 5%).

Thu nhập được cải thiện đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; chất lượng an sinh xã hội được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, quy mô, chất lượng giáo dục - đào tạo không ngừng được nâng cao; chất lượng giáo dục luôn nằm trong tốp đầu của toàn tỉnh. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đến hết năm 2020 đạt 80%, tăng 40% so với năm 2010. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực, với 3/3 xã đã được công nhận “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; 100% các thôn thực hiện tốt hương ước, quy ước; 83% hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh của 3 xã là 4.480/4.480 hộ (đạt 100%), trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch là 3.690/4.480 hộ (đạt 82,4%). Công tác xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn được chú trọng; đến nay, 4.480/4.480 hộ gia đình trên địa bàn 3 xã có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch (đạt tỷ lệ 100%); 3/3 xã đang trình hồ sơ công nhận xã đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% các trạm y tế xã đều có các công trình, biện pháp xử lý chất thải; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt 90%, lượng rác thải còn lại được các hộ thu gom, chôn lấp tại các hố chôn lấp gia đình...

Tính đến thời điểm này, các xã Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Minh đều đã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 100%). Vấn đề đặt ra cho TP Sầm Sơn lúc này là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra và yêu cầu ban chỉ đạo xây dựng NTM các xã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng tiêu chí. Đến nay, 3/3 xã đều duy trì và đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới của UBND tỉnh Thanh Hóa; chất lượng của các tiêu chí được nâng lên rõ rệt so với thời điểm xét công nhận đạt chuẩn, như hệ thống trường học xã Quảng Đại; nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao, trung tâm hành chính xã Quảng Hùng... Tuy nhiên, để phát triển theo định hướng từ xã thành phường, thời gian tới, thành phố tập trung quy hoạch phân khu tổ chức sản xuất hợp lý theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, áp dụng công nghệ cao; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị. Đồng thời, xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh được giữ vững; Nhân dân được thụ hưởng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần ngày càng cao.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]