Những người con Thanh Hóa ở Điện Biên
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp lớn về sức người, sức của. Đã có hàng ngàn người con Thanh Hóa là dân công hỏa tuyến, bộ đội chủ lực... tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều người sau cuộc chiến đã nguyện ở lại, tiếp tục cống hiến cho vùng đất khói lửa, vùng đất anh hùng Điện Biên. Ngày nay, nhiều người trẻ quê hương Thanh Hóa đã “khoác ba lô” lên vùng đất Điện Biên lập thân, lập nghiệp, chung tay xây dựng đất nước.
Chiến sĩ Điện Biên Lê Thế Duệ - người con quê hương Thanh Hóa.
Trên vùng đất lửa Điện Biên
Trên hành trình về với mảnh đất Điện Biên anh hùng, chúng tôi - thế hệ trẻ của quê hương Thanh Hóa may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với các thế hệ tiền bối và cả những người trẻ quê hương Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc trên mảnh đất Điện Biên.
Anh Võ Văn Tâm, người con quê hương Thọ Lâm, Thọ Xuân (Thanh Hóa) hiện đang công tác tại Báo Điện Biên Phủ. Anh Tâm đã gắn bó với vùng đất Điện Biên hơn 10 năm, là người nhiệt tình giúp đỡ, kết nối để tôi vinh dự, vui mừng khi được gặp các cụ, các bác, anh chị em quê hương Thanh Hóa đang sinh sống trên mảnh đất Điện Biên.
Trong ngôi nhà nhỏ ở phố 6, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên), ông Lê Thế Duệ, là “Chiến sĩ Điện Biên” kể lại cho thế hệ trẻ chúng tôi về những năm tháng mà ông gắn bó với mảnh đất này. Sinh năm 1936, quê ở xã Hoằng Phúc (nay là thị trấn Bút Sơn), huyện Hoằng Hóa, ông Duệ đã viết đơn tình nguyện lên đường gia nhập đội thanh niên xung phong lên chiến trường Điện Biên Phủ. Ông Duệ nhớ lại: Ngày đấy tôi chỉ có 38kg, cả 2 lần khám tuyển nhưng không đủ cân nặng nên đều bị loại, đến lần thứ 3 vì cảm động tinh thần xung phong của tuổi trẻ, tôi đã được “ưu ái” đứng vào hàng ngũ những người trẻ lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc. Là thanh niên xung phong, rồi được tuyển vào lực lượng công binh thuộc Đội 40, C404 với nhiệm vụ chuyên phá bom nổ chậm ở ngã ba Cò Nòi (Sơn La), chặt cây làm cầu, làm đường cho xe pháo tiến vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi cuộc chiến giành thắng lợi, đơn vị của ông làm nhiệm vụ thu hồi vũ khí, quân khí của Pháp. Sau năm 1954, ông được cử đi học ngành giao thông, rồi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau này về làm việc tại Công ty CP Đường bộ 226 (Khu Quản lý đường bộ 2, Cục Đường bộ Việt Nam), đến năm 1990 ông nghỉ hưu. Trở về địa phương, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ phố 6, Chủ tịch MTTQ phường Tân Thanh. Ông còn là thành viên Ban liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Điện Biên cho đến năm 2013.
Trong căn phòng khách gọn gàng, ấm cúng của gia đình, ông trân trọng đặt tấm ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiếc bàn nhỏ. Những bức ảnh, huân, huy chương của ông và người thân trải qua các cuộc chiến tranh được treo kín trên tường là minh chứng lịch sử cho cuộc đời vẻ vang, tự hào của người con Thanh Hóa trên vùng đất Điện Biên.
Những ngày ở Điện Biên, chúng tôi được gặp gỡ cựu nữ dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1936, quê xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Hiện bà Lý đang sinh sống tại tổ dân phố 8, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ. Bà Lý là dân công hỏa tuyến, tuổi 18, bà đã cùng các anh chị em quê hương Thanh Hóa gồng gánh lương thực vượt đèo Pha Đin lên chiến trường Điện Biên, còn chồng bà - ông Hoàng Hải, người cùng xã, là chiến sĩ Trung đoàn 174, đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, ông và bà cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ, rồi hai ông bà cùng ở lại mảnh đất Điện Biên sinh sống, làm việc.
Về phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ, chúng tôi còn có duyên gặp gỡ gia đình ông, bà Lê Trần Cát, Bùi Thị Nhuận. Ông Cát, sinh năm 1945, quê ở xã Châu Lộc (nay là xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Ông bà đều là thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 62 năm sinh sống trên vùng đất Điện Biên, ông Cát xem nơi đây là quê hương thứ 2. Con cái của ông đều trưởng thành, công ăn việc làm ổn định. Với ông Cát, bà Nhuận đó là niềm hạnh phúc. Chứng kiến sự đổi thay của Điện Biên, ông bà tự hào có một phần đóng góp công sức nhỏ bé từ trong chiến tranh gian khổ đến thời bình, xây dựng mảnh đất này trong thời kỳ đổi mới.
Đem sức trẻ xây dựng lập nghiệp nơi vùng đất mới
Anh Nguyễn Ngọc Huấn, quê xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) là những người trẻ của quê hương Thanh Hóa lên mảnh đất Điện Biên lập nghiệp từ năm 2013. Anh trải qua nhiều công việc và hiện nay đang làm việc tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên. Là người năng động, nhiệt tình, không chỉ dừng lại ở công việc Nhà nước, anh Huấn còn kết nối với bạn bè mở trang trại chuyên nuôi cá tầm ở huyện Mường Phăng với mong muốn tạo sinh kế, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nơi đây. Dịp tháng 3, khi chúng tôi lên thăm Điện Biên cũng là thời điểm anh và bạn bè vừa khai trương cửa hàng cá tầm ở TP Điện Biên Phủ. Hiện tại, trang trại nuôi hơn 7.000 con cá tầm, phục vụ cho nhà hàng và cung cấp cho các đơn vị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Ông, bà Lê Trần Cát, Bùi Thị Nhuận, quê huyện Hậu Lộc hiện đang sinh sống tại TP Điện Biên Phủ.
Trên hành trình gặp gỡ những người con quê hương Thanh Hóa lên vùng đất Điện Biên, anh Võ Văn Tâm, phóng viên Báo Điện Biên Phủ kể với tôi về nhiều người trẻ quê hương Thanh Hóa lên sinh sống, học tập, công tác. Nhiều người làm lãnh đạo, là công chức, viên chức ở các cơ quan Nhà nước, người tham gia phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp. Bản thân anh Tâm vừa làm báo, anh vừa trồng rau má. Hiện nay, rau má đang phát triển, không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, anh Tâm còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con vùng Mường Nhé.
Về với Điện Biên, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Thanh Tịnh, hiện là Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại tỉnh Điện Biên. Ông Tịnh nguyên là Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu cũ. Là người con quê hương Trúc Lâm, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Từng là người lính rồi bén duyên với mảnh đất miền Tây Bắc, đến nay đã hơn 40 năm gắn bó.
Ông Tịnh cho biết: Trước đây ở Điện Biên có 3 ban liên lạc hội đồng hương Thanh Hóa, đến năm 2014 thì sáp nhập thành 1 ban liên lạc. Ban liên lạc có 7 đồng chí thường trực với 272 hội viên, 11 chi hội. Hoạt động đã 10 năm nay, ban liên lạc hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tập hợp những người con Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Điện Biên.
Thành phố Điện Biên Phủ những ngày hướng tới kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa, những công trình mới chào mừng lễ kỷ niệm. Từ vùng đất gian khổ, bị tàn phá nặng nề trong các chiến tranh, Điện Biên ngày hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ. Những chứng tích lịch sử trong chiến tranh trên vùng đất Điện Biên giờ đây trở thành địa chỉ đỏ, địa điểm du lịch về nguồn ý nghĩa của mỗi người con Việt Nam yêu nước. Sự đổi thay của Điện Biên là sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân nơi đây và một phần đóng góp nhỏ bé của những người con quê hương Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc, cống hiến.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
-
2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
-
2024-04-09 11:08:00
Khúc tráng ca hang Co Phương
Tô Vĩnh Diện - Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 9/4/1954, ta bắn rơi chiếc máy bay C119
Lần theo con đường tải lương lên Điện Biên Phủ
Lò cao kháng chiến Hải Vân: Một thời đỏ lửa giữa rừng xanh
Dốc toàn lực cho Điện Biên Phủ toàn thắng
Điện Biên Phủ, ngày 8/4/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư kêu gọi chiến sĩ
Cuộc đụng đầu lịch sử!
Tất cả để chiến thắng
“Chính Nhân dân mới là người tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần”