(Baothanhhoa.vn) - Gần 2/3 ngày đường từ TP Thanh Hóa, trên chuyến xe 16 chỗ bon bon, chúng tôi mới đến được TP Điện Biên Phủ. Đó là chiếc ô tô hiện đại với lái xe chuyên nghiệp, thường xuyên duy trì tốc độ 70 – 80km/giờ, lại đi trên các quốc lộ đã được bạt núi san đồi thênh thang rộng mở, thảm nhựa phẳng lỳ toàn tuyến. Tuy nhiên hơn 70 năm về trước, cũng cung đường ấy, nhưng là những tuyến nhỏ hẹp, đa phần là băng rừng sâu, vượt núi thẳm vùng Tây Bắc với dốc đá lởm chởm, trơn trượt. Ấy vậy mà gần 179.000 dân công xứ Thanh vẫn rầm rập ngày đêm, vừa tránh bom đạn của máy bay địch, vừa mở đường, gánh gạo, thồ lương thực, vũ khí đạn dược với những chuyến đi cả tháng trời để tiếp vận cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Lần theo con đường tải lương lên Điện Biên Phủ

Gần 2/3 ngày đường từ TP Thanh Hóa, trên chuyến xe 16 chỗ bon bon, chúng tôi mới đến được TP Điện Biên Phủ. Đó là chiếc ô tô hiện đại với lái xe chuyên nghiệp, thường xuyên duy trì tốc độ 70 – 80km/giờ, lại đi trên các quốc lộ đã được bạt núi san đồi thênh thang rộng mở, thảm nhựa phẳng lỳ toàn tuyến. Tuy nhiên hơn 70 năm về trước, cũng cung đường ấy, nhưng là những tuyến nhỏ hẹp, đa phần là băng rừng sâu, vượt núi thẳm vùng Tây Bắc với dốc đá lởm chởm, trơn trượt. Ấy vậy mà gần 179.000 dân công xứ Thanh vẫn rầm rập ngày đêm, vừa tránh bom đạn của máy bay địch, vừa mở đường, gánh gạo, thồ lương thực, vũ khí đạn dược với những chuyến đi cả tháng trời để tiếp vận cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Lần theo con đường tải lương lên Điện Biên PhủÔng Lê Hữu Thảo, quê gốc xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) đang sinh sống tại TP Điện Biên Phủ kể chuyện tham gia đoàn xe đạp thồ với phóng viên.

Từ năm 2011 - 2012, chúng tôi đã đi tìm lại những nhân chứng ở các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc... đã từng đi dân công hỏa tuyến, tham gia đoàn xe đạp thồ và gánh gạo lên Điện Biên Phủ. Những câu chuyện kể của người trong cuộc, cùng nhiều nguồn sử liệu ghi lại, có thể xác định lộ trình đi tiếp lương tải đạn của hàng chục vạn lượt người con xứ Thanh từ tỉnh nhà lên với chiến dịch, góp phần vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Theo đó, khoảng thời gian từ 1953 đến đầu năm 1954, dân công và thanh niên xung phong Thanh Hóa trở thành lực lượng quan trọng trong công tác hậu cần cho các chiến dịch vùng Tây Bắc, mà đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Lương thực chuyển ra từ các tỉnh Bắc Trung bộ, từ Đồng bằng Sông Hồng và nhất là của Thanh Hóa huy động, được tập trung chủ yếu ở 2 nơi là kho Lược (Thọ Xuân) và kho Cẩm Thủy - đều sát sông Chu và sông Mã để thuận tiện vận chuyển đến và đi cả đường thủy và đường bộ. Từ đây lương thực tiếp tục được chuyển bằng nhiều hướng với nhiều cung đường khác nhau. Cung đường thứ nhất là từ Thọ Xuân lên Lang Chánh rồi đến Hồi Xuân (Quan Hóa). Cung đường thứ hai từ Thọ Xuân qua Cẩm Thủy, lên Cành Nàng (Bá Thước), qua Na Sài rồi về Hồi Xuân.

Theo Quốc lộ 15A ngày nay, hàng từ Hồi Xuân tiếp tục được vận chuyển đi Phú Lệ (Quan Hóa), qua Co Lương (Mai Châu – Hòa Bình) rồi ra đường 41 - chính là Quốc lộ 6 ngày nay, đến ngã ba Tòng Đậu - Suối Rút cũng thuộc huyện Mai Châu. Theo tuyến này, hàng tiếp tục được chuyển qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La) rồi qua đèo Pha Đin, đến huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Khi cách trận địa Điện Biên Phủ chừng 40km, phần lớn hàng hóa tiếp vận được đưa vào kho lớn ở khu rừng Nà Tấu thuộc tỉnh Điện Biên để cung cấp cho chiến dịch.

Lần theo con đường tải lương lên Điện Biên PhủDi tích lịch sử với bia tưởng nhớ trên khu vực đỉnh đèo Pha Đin ngày nay.

Cũng theo một số tài liệu và nhân chứng, khi tuyến đường từ miền Tây Thanh Hóa qua Hòa Bình, rồi theo Quốc lộ 6 đi Sơn La, lên Điện Biên bị địch phát hiện, ném bom ác liệt hòng chặn sự tiếp viện của ta, một tuyến đường khác cũng được mở. Đó là từ Phú Lệ, các dân công hỏa tuyến đi đường mòn lên vùng cao Mường Lát, qua Tén Tằn rồi sang Thượng Lào, cuối cùng vòng về Điện Biên.

Ở bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa ngày nay, hang Co Phương chính là chứng tích bi tráng với lực lượng tiếp lương gùi đạn cho chiến dịch Thượng Lào và Điện Biên Phủ sau đó. Nơi đây chính là điểm dừng nghỉ và tập kết để trung chuyển lương thực, vũ khí từ Thanh Hóa sang Hòa Bình. Chiều định mệnh ngày 2/4/1953, máy bay Pháp quần thảo ném bom hòng chặn đường tiếp viện của ta, làm 11 dân công hỏa tuyến người xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) hy sinh do bị sập cửa hang. Ngày nay, tuyến Quốc lộ 15A đoạn qua bản Sại được nắn tránh cửa hang và chính là con đường cũ chừng 1/2km, nhưng chứng tích của sự mất mát hy sinh và tinh thần vượt hy sinh gian khổ của bao lớp dân công, thanh niên xung phong ngày ấy mãi còn lưu hậu thế.

Phú Lệ cũng là xã cuối cùng của đất Thanh Hóa, sang phía tỉnh bạn Hòa Bình là xã Vạn Mai với ngã ba Co Lương nổi tiếng mà tuyến đường tải lương của các lực lượng năm xưa đi qua. Trên địa bàn huyện Mai Châu, ngã ba Cò Nòi chính là điểm giao giữa Quốc lộ 15A với Quốc lộ 6 đi vùng Tây Bắc nên cũng bị ném bom thường xuyên. Đoạn đường dằng dặc qua tỉnh Sơn La và Điện Biên ghi nhận nhiều mất mát hy sinh, cũng như khẳng định tinh thần vượt gian khổ và hiểm nguy của các lực lượng hậu cứ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên tuyến ấy, ngã ba Cò Nòi trở thành “cửa tử”, là “túi bom” bởi máy bay Pháp ngày đêm quần thảo, có hơn 100 dân công và thanh niên xung phong làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men đã ngã xuống nơi đây vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây chính là điểm giao quan trọng của các tuyến đường tiếp vận từ Việt Bắc vào, Liên khu III và Liên khu IV lên để nhập vào Quốc lộ 6 đi Điện Biên Phủ. Nhiều sử liệu đều ghi nhận, giai đoạn đầu năm 1954, có ngày máy bay địch ném bom tại đây cả chục lượt, có đợt 2 – 3 tuần liên tục để biến nơi đây thành vũng lầy, phá hủy hoàn toàn hệ thống giao thông nhằm ngăn chặn lực lượng tiếp vận cho chiến dịch. Tại ngã ba này hiện nay, một tượng đài thanh niên xung phong bằng đá được dựng lên sừng sững, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần cho hậu thế.

Trong quá trình thu thập thông tin và tìm nhân chứng, chúng tôi được Hội đồng hương Thanh Hóa tại Điện Biên giới thiệu gặp người cựu thanh niên xung phong tham gia đoàn xe đạp thồ tải lương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa Lê Hữu Thảo. Tuy đã bước sang tuổi 93, nhưng người con quê xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) không thể quên những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho kháng chiến: “Từ cuối năm 1953, tôi đã tham gia đội xe đạp thồ, chở lương thực và đạn dược từ Thọ Xuân lên. Với đôi dép cao su cùng chiếc xe được cấp, tôi thồ từ 80 đến 120kg mỗi chuyến, nhiều đồng đội còn thồ tới hơn 200kg. Trong các đoàn thồ, người Thanh Hóa luôn đông nhất, sau đó là người Nghệ Tĩnh. Đoạn từ Thanh Hóa đến Hòa Bình còn dễ đi, nhưng sau đó chủ yếu là đường rừng, qua nhiều sông suối, rồi đèo cao cực kỳ vất vả. Nhiều khu vực có đồn bốt giặc nên cũng không thể đi đường chính mà được hướng dẫn luồn rừng. Nhiều hôm bị máy bay địch quần thảo bỏ bom phải trú ẩn, cũng không có cơm ăn mà chỉ được phát 2 thanh đường đen bằng 2 - 3 ngón tay để cầm cự”.

Lần theo con đường tải lương lên Điện Biên PhủMột đoạn đèo Pha Đin ngày nay, tuy đã được bạt núi san đồi để mở rộng, nhưng vẫn còn là thách thức với nhiều điểm cua và dốc.

Cũng theo ông Thảo, những địa danh quen thuộc sau khi qua đất Thanh Hóa mà ông còn nhớ nhất chính là qua Chợ Bờ, Suối Rút, ngã ba Tòng Đậu của tỉnh Hòa Bình. Lên tỉnh Sơn La càng không thể quên được ngã ba Cò Nòi – nơi có nhiều đồng đội ông hy sinh. Còn vất vả nhất phải kể đến đèo Pha Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên với liên tục những dốc cao, điểm cua, dưới chân thì đá lởm chởm kéo dài hàng chục cây số nên phải nhiều người chung tay mới đưa được xe qua.

Những câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu vẫn còn vang vọng đến hậu thế, như là lời kể chân thực nhất: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...". Trên đỉnh di tích đèo Pha Đin ngày nay, tấm bia màu đỏ được dựng lên, nhiều đoàn du khách đi qua đều dừng lại thăm viếng. Trên tấm bia ven con dốc này cũng ghi lại những thông tin một thời khói lửa và ác liệt của hơn 70 năm về trước. "Đèo Pha Đin dài 32km, điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển. Đây là nơi hứng chịu nhiều trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới làn bom đạn của kẻ thù, với lòng quết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và thanh niên xung phong vẫn bám trụ, vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm chi viện kịp thời cho chiến dịch đến ngày toàn thắng".

Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ ngày nay, ban quản lý bố trí hẳn một không gian để trưng bày các hiện vật và thông tin liên quan đến công tác tải lương thực, đạn dược từ các hậu phương về Điện Biên Phủ. Những đoàn xe đạp thồ từ Thanh Hóa lên, đoàn ngựa thồ từ Lai Châu xuống, những đoàn người gánh gạo ngày đêm... đều được tái hiện bằng hình ảnh và mô hình sinh động. Riêng quãng đường tải lương, đạn dược từ Thanh Hóa lên đến chiến trường đã hơn 500km, khi ấy cơ bản đường mòn, đèo cao suối sâu vô cùng gian nan. Câu chuyện dân công Trịnh Đình Bầm quê xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa dỡ bàn thờ tổ tiên làm bánh xe cút kít tải lương qua lời kể truyền cảm của hướng dẫn viên khiến nhiều khách tham quan không khỏi rơm rớm nước mắt.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]