(Baothanhhoa.vn) - Họ là những người lính tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đều ở vào tuổi “gần đất, xa trời”. Cuộc sống của họ hiện đang nhờ vào mức trợ cấp hàng tháng dành cho người cao tuổi và ở trong ngôi nhà kém an toàn. Động viên, sẻ chia, giúp các cụ trong khoảng thời gian cuối đời được sống trong ngôi nhà mới, quỹ “Xóa nhà dột nát” của Hội Cựu chiến binh (CCB) đã giúp hàng trăm cụ được sống trong ngôi nhà an toàn.

Những ngôi nhà ấm tình đồng đội

Họ là những người lính tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đều ở vào tuổi “gần đất, xa trời”. Cuộc sống của họ hiện đang nhờ vào mức trợ cấp hàng tháng dành cho người cao tuổi và ở trong ngôi nhà kém an toàn. Động viên, sẻ chia, giúp các cụ trong khoảng thời gian cuối đời được sống trong ngôi nhà mới, quỹ “Xóa nhà dột nát” của Hội Cựu chiến binh (CCB) đã giúp hàng trăm cụ được sống trong ngôi nhà an toàn.

Những ngôi nhà ấm tình đồng độiNgôi nhà mới của gia đình cụ Nguyễn Hữu Trường, xã Ba Đình (Nga Sơn) được xây dựng từ nguồn quỹ “Xóa nhà dột nát” của Hội CCB.

Trong ngôi nhà mái ngói 3 gian vừa được xây dựng bằng nguồn vốn từ quỹ “Xóa nhà dột nát” của Hội CCB, cụ Nguyễn Hữu Trường, sinh năm 1930, thôn Điền Hộ, xã Ba Đình (Nga Sơn) không giấu nổi niềm vui, xúc động, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng những tháng ngày còn lại của cuộc đời lại may mắn được sống trong ngôi nhà mới. Cảm ơn các cấp hội CCB và chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng cho tôi ngôi nhà mới này. Bây giờ, có nhắm mắt, xuôi tay... tôi cũng mãn nguyện”. Rồi cụ trải lòng, năm 18 tuổi, cụ xung phong làm chiến sĩ vệ quốc và vinh dự được tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn, như chiến dịch biên giới, Điện Biên Phủ. Năm 1958, do sức khỏe yếu, cụ được đơn vị bố trí cho đi an dưỡng 3 tháng ở Hà Nội, sau đó giải ngũ về quê và lấy vợ. Hai vợ chồng cụ sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái), có 4 con lập gia đình và ra ở riêng. Còn con gái cả - Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1961 không lập gia đình, ở cùng bố, mẹ từ trước đến nay. Do thu nhập của 3 khẩu ăn chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng khoán, cộng với mức trợ cấp của người cao tuổi cho 2 cụ là 720.000 đồng/tháng, nên dù chắt bóp chi tiêu, cuộc sống sinh hoạt của gia đình vẫn luôn trong tình trạng thiếu thốn. Bởi vậy, ngôi nhà ngói 3 gian xuống cấp, hư hỏng nhiều năm... không có tiền để tu sửa. Năm 2020, cụ được quỹ “Xóa nhà dột nát” của Hội CCB hỗ trợ, với số tiền 50 triệu đồng xây dựng nhà ở. Do số tiền hỗ trợ không đủ để xây dựng nhà ở và cụ cũng không biết sẽ xoay thêm tiền ở đâu... đành trả lại số tiền hỗ trợ, chấp nhận sẽ ở trong ngôi nhà xuống cấp đến khi nhắm mắt xuôi tay. Tuy nhiên, với tình cảm, trách nhiệm của những người lính Cụ Hồ và chính quyền địa phương đã linh hoạt huy động nguồn tiền hỗ trợ, ngày công nên ngôi nhà của cụ được xây dựng xong, bàn giao dịp cuối năm 2020, trị giá gần 100 triệu đồng. Từ khi được ở trong ngôi nhà mới, gia đình cụ không phải lo chạy mưa và lo nhà sập mỗi khi mưa bão.

Đã 2 năm sống trong ngôi nhà kiên cố được xây dựng bằng tình cảm, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, chính quyền địa phương và bà con lối xóm, cụ Đặng Văn Khảm, sinh năm 1921, thôn Đức Thanh, xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi ở vào tuổi “gần đất, xa trời”, cụ may mắn được sống trong ngôi nhà an toàn. Giọng xúc động và ngắt quãng, cụ cho biết cụ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1945, đến năm 1953 về địa phương rồi lấy vợ và sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái), có 3 con lập gia đình và ra ở riêng. Còn con gái thứ 3 – Đặng Thị Tam, sinh năm 1970, do bị bệnh tâm thần từ nhỏ nên không lập gia đình và ở với bố, mẹ. Từ ngày cụ bà mất, 2 bố con sống dựa vào tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người cao tuổi và người tàn tật nên cuộc sống rất khó khăn. Chính vì thế, ngôi nhà ngói 4 gian của 2 bố con cụ bị dột nát, tường nứt toác, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhưng cũng không có tiền tu sửa vì các con cụ đều khó khăn. Thật may nguồn quỹ “Xóa nhà dột nát” của Hội CCB hỗ trợ 25 triệu đồng, chính quyền địa phương và bản thân Chủ tịch Hội CCB huyện Hoằng Hóa - ông Đặng Mạnh Hùng đã tích cực vận động, kêu gọi bằng nguồn xã hội hóa cùng ngày công hỗ trợ của hội viên CCB và bà con lối xóm, ngôi nhà của cụ đã được sửa chữa, nâng cấp với giá trị gần 80 triệu đồng.

Được biết, từ năm 2019 đến ngày 30-8-2022, nguồn quỹ “Xóa nhà dột nát” dành hỗ trợ cho những người đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp có cuộc sống khó khăn của Hội CCB, với các mức hỗ trợ 25 triệu (sửa nhà) và 50 triệu đồng (làm nhà) đã làm mới 296 nhà, sửa chữa 111 nhà. Nói về hiệu quả của nguồn quỹ, ông Phạm Văn Thân, Phó Ban Tuyên giáo phong trào Hội CCB tỉnh, cho biết: Chương trình xóa nhà dột, nhà tạm cho CCB nghèo là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những căn nhà nghĩa tình đồng đội không chỉ giúp các CCB có điều kiện an cư, vươn lên trong cuộc sống mà còn khẳng định vai trò tích cực của lực lượng CCB trong công cuộc xóa nghèo, chăm lo đời sống hội viên, góp phần với các cấp chính quyền, đoàn thể thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục vận động hội viên các cấp hội ủng hộ tiền và ngày công để xây dựng, sửa chữa thêm nhiều căn nhà mới cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]