Nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa: Tạo vùng động lực mở cho thành phố phát triển (Bài 1) - Dấu mốc mở ra thời kỳ phát triển mới
Nghị quyết số 05/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã vạch ra những đường hướng cơ bản và tổng quát nhất cho TP Thanh Hóa, với tương lai đến năm 2030 là “1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”. Và xa hơn, đến năm 2045 là “Thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước”. Để hiện thực hóa mục tiêu lớn lao này, việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa là xu thế tất yếu và cần thiết, không chỉ tạo tiền đề thúc đẩy đô thị tỉnh lỵ phát triển mà còn phù hợp với quá trình hội nhập, vươn tới tương lai của cả tỉnh Thanh Hóa.
Nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa sẽ mở ra thời kỳ mới để thành phố phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn trong tương lai.
Xu thế phù hợp và tất yếu
TP Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Sau 220 năm (1804-2024), từ trấn lỵ của tỉnh Thanh Hóa, với địa bàn chủ yếu của huyện Đông Sơn cũ, thành phố đã phát triển liên tục qua các chặng đường, trở thành thị xã, thành phố thời Pháp thuộc, rồi thành phố đô thị loại III, loại II và loại I trực thuộc tỉnh hiện nay. Qua nhiều lần mở rộng địa giới hành chính, nhiều xã lân cận thuộc huyện Đông Sơn đã được sáp nhập, trở thành đơn vị xã, phường của TP Thanh Hóa.
TP Thanh Hóa có vị trí quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ; giữ vai trò, vị trí trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Bắc Trung bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, thành phố đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng thành phố phát triển nhanh và toàn diện. Đến nay, TP Thanh Hóa được đánh giá là một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh sự phát triển về kinh tế - xã hội, sau hơn 15 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ; 12 năm điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 29/2/2012 của Chính phủ đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần điều chỉnh. Đó là chất lượng hạ tầng chưa đồng đều, kết nối hạ tầng giữa khu vực nội thành và ngoại thành, khu đô thị mới với khu đô thị cũ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu phát triển đô thị. Vai trò trung tâm, động lực và sức lan tỏa của thành phố đối với sự phát triển của cả tỉnh chưa rõ nét. Đặc biệt, thành phố không còn nhiều không gian phát triển đô thị để tiếp tục bố trí các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở thương mại - dịch vụ, sản xuất - kinh doanh, đất ở đô thị, khu vui chơi giải trí... Trong khi đó dân số của thành phố lại ngày càng gia tăng nên không đảm bảo được nhu cầu phát triển thành phố trong tương lai.
Đứng trước sự phát triển mới và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số định hướng phát triển của thành phố cho phù hợp với xu thế chung và yêu cầu thực tiễn. Và, để hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao của vùng Nam Bắc bộ và Bắc Trung bộ; đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm của cả nước; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và quốc gia” thì việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa là rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị ở Việt Nam cũng như thế giới hiện nay là sáp nhập, mở rộng không gian để đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Đông Sơn là huyện có diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhỏ, chưa đảm bảo tiêu chuẩn của một đơn vị hành chính cấp huyện. Những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, kết cấu hạ tầng và những thay đổi trong quá trình đô thị hóa đã đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền huyện Đông Sơn nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Đáng nói hơn, mô hình quản lý chính quyền nông thôn không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn. Do đó, nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa là tiền đề tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển và góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa; là bước cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo được một vùng động lực mở cho thành phố phát triển. Đó còn là sự phù hợp về văn hóa, lịch sử khi TP Thanh Hóa trước đây bắt đầu từ thị xã Thanh Hóa được thành lập năm 1889 theo đạo dụ của vua Thành Thái, từ 7 làng thuộc các tổng Bố Đức và tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn. Là sự phù hợp về không gian phát triển đô thị bởi sau sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển đô thị gắn với nút giao đường bộ cao tốc Bắc - Nam, để thành phố liên kết với các tuyến đường huyết mạch mới của quốc gia; đồng thời đẩy mạnh liên kết với vùng miền núi phía Tây của tỉnh.
Với sự chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ tích cực của tỉnh, các cơ quan chức năng trong tỉnh, sự phối hợp hiệu quả với các cơ quan ở Trung ương, ngày 24/10/2024, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1238/NQ-BTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, một dấu mốc mở ra thời kỳ phát triển mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn cho thành phố trong tương lai.
Là người có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị (TP Thanh Hóa) cho biết: “Với quỹ đất lớn, nguồn lực đầu tư không bị phân tán nhỏ lẻ, TP Thanh Hóa sau sáp nhập sẽ có nhiều điều kiện để phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao. Đồng thời, tạo tiền đề tổ chức, mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị thay cho chính quyền nông thôn, góp phần đổi mới phương thức quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền theo hướng đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, nhất là trên lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai. Tổ chức bộ máy cũng được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Ngoài ra, việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng, giảm áp lực về quỹ đất phát triển và dân số cục bộ tập trung trong đô thị hiện nay”.
Đô thị mở rộng của TP Thanh Hóa
Định hướng Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 xác định “Thị trấn Rừng Thông và các xã Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại là các phường thuộc khu vực nội thành, là đô thị mở rộng của TP Thanh Hóa”. Trong đó, thị trấn Rừng Thông là khu vực phát triển khu dân cư mới kết hợp với các công trình hỗn hợp dịch vụ tại các khu vực hai bên Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47. Xã Đông Thịnh là khu vực phát triển đô thị công nghiệp, dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa; nơi bố trí khu đô thị dịch vụ, thương mại, nhà ở và khu công nghiệp gắn với trục phát triển từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân. Xã Hoằng Quang được định hướng là khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thuộc khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) và 2 xã Hoằng Thịnh, Hoằng Lộc (Hoằng Hóa). Xã Hoằng Đại được định hướng là khu đô thị cảnh quan kiểu mẫu dọc bên bờ sông Mã.
Sự tương đồng về lịch sử - văn hóa là nền tảng tạo nên sự hòa hợp sau khi sáp nhập (Trong ảnh: Tiết mục “Ngũ trò Viên Khê” của huyện Đông Sơn biểu diễn tại Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An).
Những năm gần đây, thị trấn Rừng Thông và các xã Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại có sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn. Những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đặt ra cho các địa phương này nhiều vấn đề mới cần giải quyết như: Quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; cảnh quan và bảo vệ môi trường... Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền như hiện nay không còn phù hợp, cần thiết phải thành lập các phường, tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý phù hợp.
Nghị quyết số 1238/NQ-BTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị thành lập 4 phường Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang và Hoằng Đại trên cơ sở nguyên trạng về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Việc thành lập 4 phường thuộc TP Thanh Hóa mang lại nhiều tác động rất tích cực. Về mặt kinh tế - xã hội sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và đặc biệt là dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của phường, của thành phố và nâng cao mức sống cho người dân. Khi trở thành đô thị mở rộng của thành phố, hệ thống hạ tầng sẽ được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa. Về quản lý Nhà nước, mô hình chính quyền phường mới sẽ giúp công tác quản lý nhà nước được tốt hơn, giải quyết công việc nhanh và hiệu quả hơn, tạo điều kiện nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Quá trình xây dựng và phát triển các phường cũng sẽ tạo ra sự thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Người dân sẽ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ đầy đủ với tiêu chuẩn cao hơn và đa dạng hơn, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân sẽ được nâng cao hơn.
Cùng với thành lập 4 phường, TP Thanh Hóa sẽ nhập nguyên trạng phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn nhằm tạo điều kiện cho đơn vị hành chính mới mở rộng không gian để phát triển và tập trung nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, sau khi sắp xếp, TP Thanh Hóa có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường và 14 xã.
Từ quyết tâm cao trong cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân ở 2 địa phương, việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa mở ra dấu mốc vô cùng quan trọng cho thời kỳ phát triển mới của thành phố. Qua đó, góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Tố Phương
Bài 2: Đồng thuận ý Đảng, lòng dân
{name} - {time}
-
2025-01-10 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 10/1/2025
-
2025-01-10 18:00:00
[Bản tin 18h] Thông tin giao dịch thương mại điện tử sẽ bị thu thuế 10% là giả mạo
-
2024-12-09 10:02:00
Cẩm Thủy: Biểu dương 46 bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố tiêu biểu
Phát triển nguồn nhân lực thương mại cho thanh niên dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 12/12 sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026
Họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
Dự thảo Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 9/12/2024
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 9/12
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 9/12/2024
Ngày hội tư vấn khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên
Thọ Xuân nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2025