(Baothanhhoa.vn) - Đi qua chiến tranh, ký ức về một thời hoa lửa với người lính - nói như một tác gia, tựa hồ đã như gió quét lá khô, để sống giữa đời thường bình dị, an yên. Thế nhưng, nước mắt hội ngộ lại trào ra bởi những khúc tráng ca dội về trong ngày gặp mặt. Họ, những người lính Nguyên Phong thời đại Hồ Chí Minh đã “Bạch đầu quân sĩ tại”, song mỗi người vẫn là một mảnh ghép sống động về Điện Biên Phủ, rất đỗi kiêu hùng mà sao bình dị đến thế. Báo Thanh Hóa lược ghi những dòng tâm sự trong ngày gặp mặt, trân trọng gửi tới quý độc giả.

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Đi qua chiến tranh, ký ức về một thời hoa lửa với người lính - nói như một tác gia, tựa hồ đã như gió quét lá khô, để sống giữa đời thường bình dị, an yên. Thế nhưng, nước mắt hội ngộ lại trào ra bởi những khúc tráng ca dội về trong ngày gặp mặt. Họ, những người lính Nguyên Phong thời đại Hồ Chí Minh đã “Bạch đầu quân sĩ tại”, song mỗi người vẫn là một mảnh ghép sống động về Điện Biên Phủ, rất đỗi kiêu hùng mà sao bình dị đến thế. Báo Thanh Hóa lược ghi những dòng tâm sự trong ngày gặp mặt, trân trọng gửi tới quý độc giả.

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

♦ "Khi nghe tin chiến thắng cũng là khi tôi nghe tin đồng chí Lê Chí Thọ đã anh dũng hy sinh... Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mới biết anh Thọ cùng quê với mình..."

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Nguyễn Bá Viết (90 tuổi), phường Đông Hải (TP Thanh Hóa); nguyên phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388, Tiểu đoàn 89.

Năm 18 tuổi (năm 1953) theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá lúc bấy giờ) tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường chống giặc.

Sau đợt tuyển quân, chúng tôi bắt đầu hành quân từ Thanh Hoá đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì. Từ Thanh Hoá chúng tôi hành quân qua đường rừng núi vào Hoà Bình, vượt dốc Cun, xuống chợ Bờ, qua suối Rút vào Mộc Châu (Sơn La). Sau đó băng qua đèo Pha Đin xuống Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.

Con đường hành quân gặp nhiều vất vả khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt các bãi vắt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để có đường hành quân. Đường đi đã khó khăn nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Cứ thế đêm đi, ngày nghỉ. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng, nhiều bữa còn không có gì chỉ có chút rau rừng làm canh.

Sau khi đến Ngã ba Cò Nòi, chúng tôi bắt gặp những đoàn quân từ các tỉnh, thành khác cùng hành quân về Điện Biên Phủ. Đường hành quân ban đêm lúc này cũng trở nên đông và vui hơn... Tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng không hề làm nhạt đi ý chí của những người thanh niên quyết tâm giành chiến thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Sau khi lên Điện Biên Phủ, tôi được phân công vào Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388; sau đó lên làm thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89. Khi chuẩn bị bắt đầu chiến dịch Điện Biện Phủ, ngày 13/3/1954, sau khi nhận lệnh của đồng chí Lê Chí Thọ (Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 89) về mở cuộc tiến công mở màn chiến dịch là cuộc tiến công vào cụm cứ điểm Him Lam, tôi lập tức thông tin cho 3 đại đội thuộc tiểu đoàn của mình, tức tốc hành quân tấn công cụm cứ điểm Him Lam. Sau một đêm giành giật 3 lần, đến gần sáng thì quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồi Him Lam. Cũng sáng hôm đó, khi nghe tin chiến thắng cũng là khi tôi nghe tin đồng chí Lê Chí Thọ đã anh dũng hy sinh cùng nhiều anh em khác trong Tiểu đoàn 89. Sự hy sinh của đồng chí Thọ đã làm cho tôi cảm thấy đau lòng, bối rối vì một người anh em, một người đồng chí thân cận cùng mình chia sẻ những gian khổ bấy lâu nay. Mãi đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mới biết anh Thọ cùng quê với mình.

Sau sự hy sinh của đồng chí Thọ cùng nhiều đồng chí khác trong Tiểu đoàn 89, toàn bộ tiểu đoàn không hề suy giảm ý chí chiến đấu mà càng hăng hái hơn, quyết tâm hơn để giành thắng lợi trong cuộc chiến với quân thù, quyết giải phóng Điện Biên Phủ sớm nhất có thể.

Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 89 tiếp tục hành quân về Bắc Giang, mở ra trận chiến cầu Lồ. Tuy nhiên, khi đang chiến đấu, toàn tiểu đoàn nhận được lệnh dừng chiến do ta và Pháp đàm phán hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau đó, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 hành quân vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Tự hào được tham gia cả 3 đợt của chiến dịch

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa); nguyên chiến sĩ Đại đội 506, Trung đoàn 174.

Là chiến sĩ được tham gia cả 3 đợt của chiến dịch, tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng dầm mình trong mưa bom bão đạn để chống lại kẻ thù xâm lược.

Tháng 3/1954, các đơn vị được giao nhiệm vụ làm đường để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đội 506, Trung đoàn 174 chúng tôi được giao làm đường ở phía Đông Tập đoàn cứ điểm. Xung quanh Điện Biên Phủ ngày ấy bị quân địch thả bom Napan, cây cối cháy rụi hết, chỉ còn rất ít màu xanh nên việc làm đường vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Ban đêm đào hào, ban ngày lấy cây khô che lại, công việc cứ thế trôi trong gần 1 tháng liên tục mà quân địch không hề hay biết.

Công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn thành, ngày 13/3/1954, các đơn vị được lệnh nổ súng đánh vào đồi Him Lam, đập tan “cánh cửa thép”, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Bước vào đợt 2 của chiến dịch, quân ta tập trung binh lực và hỏa lực tiêu diệt các cứ điểm phía Đông khu trung tâm Điện Biên Phủ, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Ngày 1/5/1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Sau khi phát hiện quân địch có hầm ngầm ở đồi A1, đơn vị tôi cùng 1 đơn vị công binh nữa được giao nhiệm vụ đào hầm ngầm sát với hầm ngầm quân địch. Sau 15 ngày đêm đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, chúng tôi đã hoàn thành đường hầm ngầm, sau đó các chiến sĩ đặt khối bộc phá nặng 960kg sát hầm ngầm quân địch. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, khối bộc phá được lệnh điểm hỏa. Quân ta từ các hướng lần lượt đánh chiếm các mục tiêu còn lại, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch, tạo bàn đạp cho các chiến sĩ tấn công sang hầm De Casteries. Ngày 7/5/1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng.

♦ "Dội bão lửa lên đầu giặc"

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Nguyễn Văn Chư, xã Đông Nam (Đông Sơn), nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo 105 ly, Đại đội 14, Tiểu đoàn 82, Đại đoàn 351

Để mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tôi là Đại đội 14, Tiểu đoàn 82, Đại đoàn 351 đã chuẩn bị hơn một tháng. Ngày ấy, tôi là Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo 105 ly được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Nếu Điện Biên Phủ là một “pháo đài bất khả xâm phạm” thì Trung tâm đề kháng Him Lam là “cánh cửa thép” được Pháp xây dựng với hệ thống phòng ngự hết sức kiên cố và vững chắc. Muốn tiếp cận được Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì bắt buộc phải vượt qua được “cánh cửa thép” này.

Đây là lần đầu tiên pháo binh của ta xuất trận nên công tác chuẩn bị cho pháo rất được coi trọng. Những khẩu pháo của ta đã bí mật chiếm lĩnh trận địa. Các đại đội pháo đã sẵn sàng trong những căn hầm rải rác trên các cao điểm chạy từ Đông sang Tây. Pháo được bố trí nằm trên các sườn đồi, được ngụy trang kín đáo.

Để tạo thế bất ngờ, quân ta được lệnh ngày đêm đào đường hầm ngầm vào gần đồi Him Lam. Khi đường hầm hoàn thành cũng là lúc Khẩu đội pháo 105 ly nhận được mệnh lệnh chiến đấu vào ngày 13/3/1954. Lệnh cấp trên yêu cầu phải tấn công thật bất ngờ nhằm vô hiệu hóa kẻ địch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Với quyết tâm đánh trận đầu chỉ được thắng, không thể thua, cả khẩu đội chúng tôi đã sẵn sàng chờ giờ nổ súng, mở màn chiến dịch.

Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, lệnh nổ súng bắt đầu, cùng với các đơn vị khác, Khẩu đội pháo 105 ly đã bắn 22 loạt đại bác tấn công cứ điểm Him Lam, dội bão lửa xuống đầu giặc. Bị tấn công bất ngờ nên Pháp hoang mang và hoảng sợ. Lợi dụng lúc địch đang choáng váng, chưa kịp phản ứng, các đơn vị bộ binh của ta tiếp tục tấn công. Chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ Trung tâm đề kháng Him Lam, tạo thời cơ thuận lợi để bộ đội ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm còn lại, kết thúc đợt tấn công thứ nhất.

♦ "Không để lọt một viên đạn, bát gạo của Pháp từ Lào chi viện cho Điện Biên Phủ"...

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Đặng Mai Thanh, xã An Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Tôi xung phong nhập ngũ năm 1952 khi vừa tròn 20 tuổi, với mong muốn được đánh giặc Pháp bảo vệ quê hương. Đơn vị chúng tôi đóng tại tỉnh Điện Biên ngày nay thực hiện huấn luyện và chuẩn bị kế hoạch đánh Pháp ở khu vực Tây Bắc.

Khi lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ chuẩn bị xây dựng tập đoàn cứ điểm, chúng tôi là những người lính đầu tiên chiến đấu tại chiến trường này. Sau đó, vì giặc quá mạnh, chênh lệch lực lượng quá xa, đơn vị chúng tôi được rút ra ngoài, rồi hành quân sang đánh Pháp ở những nơi yếu hơn trên chiến trường nước bạn Lào.

Khi Bác Hồ và Bộ Tư lệnh của ta quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi được lệnh đánh giặc ở các chiến trường lân cận, ngăn chi viện từ bên ngoài vào tập đoàn cứ điểm. Chúng tôi đã hăng hái chiến đấu và mong muốn được lập công.

Dù trong chiến đấu, mỗi trận đánh đều có giá trị riêng, nhưng nghe tin trận chiến ở Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt, đơn vị tôi đã nhiều lần xin cấp trên vào chi viện. Nhưng chỉ huy nói, đơn vị có nhiệm vụ quan trọng không kém. Quân ta đã vây chặt quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nếu bỏ vị trí, giặc được tiếp viện, đồng đội sẽ càng khó khăn hơn. Chúng tôi đã bám trận địa chiến đấu, không để lọt một viên đạn, bát gạo của Pháp từ Lào chi viện cho Điện Biên Phủ.

Hiệp định Giơnever được ký kết, tôi ở nhà được ít năm, sau đó xin tái ngũ vào Nam đánh giặc. Dù tham gia chiến đấu ở chiến trường nào, song với tôi, Điện Biên Phủ mãi mãi là ký ức không thể nào quên. Điện Biên Phủ như một phần máu thịt của tôi.

Được về dự buổi gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, tôi thêm một lần được vinh dự, tự hào và nhớ về những đồng đội tôi.

♦ Lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Trần Huy Mai (89 tuổi), xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; nguyên chiến sĩ Trung đoàn 165, Đại đoàn 312.

70 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những trận chiến khốc liệt, hào hùng vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi.

18 tuổi đang làm giáo viên dạy tiểu học tại quê nhà, thế nhưng từ lời kêu gọi “Lấy Tổ quốc làm trọng, thân mình không đáng kể, trong lúc quốc gia hữu sự có chiến tranh, thanh niên nên ra tuyền tuyến”, tôi đã xung phong khoắc ba lô lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi thuộc quân số của Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 - đơn vị đánh trận mở màn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam; tiếp đó phối hợp với Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đánh chiếm đồi Độc Lập và Bản Kéo. Mỗi khi nhắc về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tôi như được sống lại một thời oanh liệt, hào hùng. Hôm nay được về tham dự Chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Thanh Hóa, tôi cũng như các động đội rất vinh dự và tự hào.

Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng chúng tôi vẫn rất hào hứng, khí thế khi được tham dự chương trình. Đây là dịp để cùng đồng đội ôn lại những hồi ức của một thời “mưa bom, bão đạn”. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm lo cho những người có công với cách mạng; cảm ơn Ủy ban MTTQ Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức chương trình đầy ý nghĩa này.

♦ Sư đoàn bộ binh - “bước chân nát đá” cắt đôi sân bay Mường Thanh

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Nguyễn Viết Biến, xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; nguyên chiến sĩ Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Năm 1949, khi ấy tôi mới 18 tuổi, nghe tin có đơn vị bộ đội về tuyển quân để tham gia kháng chiến chống Pháp, tôi đã đến xin tham gia.

Sau một thời gian huấn luyện, tôi được điều về Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 và tham gia chiến đấu trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng. Tiếp đó, sư đoàn tôi tham gia chiến đấu tiến công tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản, đánh chiếm sân bay Nà Sản. Sau Nà Sản, Sư đoàn chuyển quân tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Tại chiến dịch này, lính bộ binh chúng tôi bước đầu tham gia đánh đồi Độc Lập, đánh đồi Bản Kéo, đánh đồi Him Lam, cuối cùng dồn sức cho trận đánh đồi A1.

Trận cuối này, Sư đoàn chúng tôi là đơn vị chủ công được giao nhiệm vụ phối hợp đào chiến hào, phá đường băng, cắt đôi sân bay Mường Thanh của địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trước lúc chúng tôi thực hiện nhiệm vụ cũng đã nhận được lệnh “phải phá đường băng, phải cắt thật, đào hào ngang qua”. Việc đào hào rất vất vả bởi phải ngụy trang để vượt qua được sự canh phòng cẩn mật của địch. Dấu hiệu để xác định hướng khi đào hào ở 2 đầu hào là một lá cờ nhỏ hoặc một mảnh vải đỏ. Cứ như vậy, chúng tôi vừa thực hiện nhiệm vụ liên lạc, trinh sát vừa phối hợp đào hào, cắt đôi sân bay Mường Thanh. Ngày 22/4 quân ta đã làm chủ sân bay Mường Thanh cho đến ngày giải phóng Điện Biên Phủ 7/5/1954.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhớ về những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh ở chiến trường Điện Biên, tôi vẫn luôn rất tự hào bởi mình là một người chiến sĩ Điện Biên và vui sướng khi là một trong những người con của Nam Định góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

♦ Phục vụ cứu thương hết sức khó khăn nhưng vẫn vững lòng để làm nên một "chiến thắng chấn động địa cầu".

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Vũ Duy Tân, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi (Hưng Yên); nguyên Đại đội 925, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Tôi sinh năm 1936, tháng 2/1952, khi chưa đầy 18 tuổi tôi đã lên đường nhập ngũ và tham gia phục vụ cứu thương trên các chiến trường Tây Bắc, chiến dịch Thu - Đông 1952-1953, Thu - Đông 1953-1954, giải phóng Lai Châu và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ phát súng mở màn cho đến khi kết thúc.

Đại đội 925 thuộc Sư đoàn 316, Trung đoàn 174 hai lần Anh hùng năm ấy, trận chiến đấu nào cũng ác liệt và không thể quên nhưng trận đánh đồi A1 là trận ác liệt và đáng nhớ nhất. Đây là trận đánh mở màn và là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2, giai đoạn 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi, mục tiêu của quân đội ta trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng đồi A1 trong dãy cứ điểm phía Đông Điện Biên Phủ. Do đó, đây cũng là trận chiến đấu gay go, quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ với số lượng bộ đội thương vong cũng cao nhất.

Trước khi trận đánh bắt đầu, ta đã bố trí được hơn 600 giường bệnh tại tất cả các vị trí. Trong đợt chiến dịch đầu tiên, nhờ sự chủ động trong đối phó với địch, quân đội ta đã giảm thiểu được số lượng thương vong và có thể nhanh chóng cấp cứu, chữa trị cho các chiến sĩ bị thương nặng, từ đó họ đã được xuất viện trở lại đơn vị chiến đấu.

Tuy nhiên, đến đợt tấn công thứ hai, khi tình hình chiến sự trở nên ngày càng ác liệt, số lượng thương binh đã gia tăng đáng kể và có những thời điểm không thể kiểm soát được tình hình.

Các chiến sĩ quân y đã phải làm việc liên tục trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men. Có những lúc quá đông thương binh đến độ hết băng, bông, thuốc giảm đau. Không chỉ chăm sóc, cấp cứu cho thương binh mà lực lượng quân y còn đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác. Nhiệm vụ của cứu thương không chỉ là thay bông băng hay phát thuốc mà làm tất cả mọi việc. Từ cho việc vệ sinh các nhân cho thương binh đến giặt giũ quần áo, ăn uống... Khi đó chúng tôi làm việc với tất cả lòng nhiệt tình và hăng hái của tuổi trẻ.

Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, tôi đã lại trở về địa phương để đóng góp công sức của mình vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển quê hương. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ niệm thời máu lửa 7 thập kỷ trước vẫn là bài học lịch sử sống động để giáo dục con cháu, cũng như thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc. Với những trăn trở đó, tôi luôn mong muốn trao truyền lại “ngọn lửa” yêu nước, cứu đời, cứu người cho các thế hệ mai sau. Theo đó, trước sự có mặt của lãnh đạo địa phương, Nhân dân, bạn bè, đồng đội, người thân, tôi đã trao tặng Ban Chỉ huy quân sự, Hội Cựu chiến binh xã Hoàng Hoa Thám những hiện vật, kỷ vật chiến tranh, trong đó có chiếc hộp quân y phục vụ trong chiến trường Điện Biên Phủ của mình.

Ký ức hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Nguyễn Văn Chiện (88 tuổi), xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương; nguyên chiến sĩ Trung đoàn 42.

Tôi tham gia quân ngũ tháng 1 năm 1952, khi ấy mới 16 tuổi. Không đầy 1 năm đóng quân tại Trung đoàn 42, thuộc tỉnh Hưng Yên - một trong những Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi đã tình nguyện xung phong tiến về “chảo lửa” Điện Biên.

Tại chiến trường Điện Biên, tôi đã tham gia trọn vẹn chiến dịch Điện Biên Phủ và chứng kiến sự khốc liệt, đổ máu của đồng chí, đồng đội để có được chiến thắng vĩ đại. Đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ đánh quân địch nhảy dù và đánh quân tiếp viện từ Lào sang. Tinh thần của những người lính trẻ như chúng tôi lúc bấy giờ là “Cần mở đường máu là mở đường máu, cần hy sinh là sẵn sàng hy sinh”. Sau những trận chiến cam go, khốc liệt tôi cùng các đồng đội cũng được sống trong giây phút vỡ òa cảm xúc vui sướng trước sự đầu hàng của quân địch.

Hôm nay, được tham dự Chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Thanh Hóa, biết bao ký ức của những ngày tháng chinh chiến nơi “chảo lửa” Điện Biên lại ùa về trong tâm thức. Tôi thực sự xúc động khi tham gia chương trình, khi được cùng đồng đội hồi tưởng lại khí thế ra trận hào hùng, quyết không lùi bước của quân và dân ta.

Tôi tin tưởng và mong rằng thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quyết tâm, nỗ lực học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

♦ "Tôi nhớ nhất những ngày quần nhau với giặc trên đồi A1..."

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Nguyễn Cảnh Hưng (SN 1935), xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; nguyên chiến sĩ Trung đoàn 174.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được tham gia nhiều trận đánh, nhưng tôi nhớ nhất những ngày quần nhau với giặc trên đồi A1.

Từ một thanh niên xung phong mở đường phục vụ chiến dịch, tôi đã tự nguyện viết đơn xin làm chiến sĩ Điện Biên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau đó đơn vị tôi, Trung đoàn 174 được tham gia nhiều trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Trận chiến trên đồi A1 diễn ra khốc liệt nhất trong số những trận mà tôi từng được tham gia, nhưng cũng là nơi thể hiện rõ tinh thần quật cường, quả cảm, ý chí sắt đá của bộ đội ta quyết đánh thắng giặc Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm, riêng trận chiến trên đồi A1, ta quần nhau với giặc 39 ngày đêm. A1 được dọn sạch chỉ ít giờ sau tướng Đờ Cát đã phải xin hàng.

Trong chiến dịch vẻ vang này, trận chiến trên đồi A1, chúng tôi được lệnh tiến lên, thay thế những đồng đội bị thương, hoặc đã ngã xuống trên chiến hào. Nhiều lúc, tôi và đồng đội chiến đấu giáp lá cà với giặc trên đồi, giành giật nhau từng tấc đất, mét hào... Quân Pháp hỏa lực mạnh, quân ta vũ khí thô sơ,... nhưng rồi, tinh thần quả cảm, quật cường đã chiến thắng. Tôi nghĩ đó là thắng lợi mang tính quyết định cho toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong trận đánh ấy, có lúc tôi đã ôm đồng đội hy sinh mà gào khóc. Nhưng nỗi đau ấy đã cổ vũ cho tôi cùng các chiến sĩ quyết tâm đánh thắng, giữ vững độc lập cho nước nhà và bắt giặc Pháp cúi đầu trước đồng đội đã ngã xuống.

Thời gian trôi đi. 70 năm rồi, nhưng với tôi, A1 vẫn là một ký ức không thể nào quên. Tôi luôn nhớ và biết ơn những đồng đội đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập được nở hoa.

♦ “Tham gia chiến dịch “Trần Đình”, anh nào anh nấy sung sướng không tưởng tượng được”

Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

Ông Dương Văn Mận (90 tuổi), hiện, sinh sống tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân); nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 188, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316.

Tôi sinh ra tại Hà Nam, năm 1944 theo gia đình vào Thanh Hóa, năm 1953 vào bộ đội ở xã Hợp Thắng (Nông Cống (cũ), nay là huyện Triệu Sơn, lúc đó mới tròn 19 tuổi. Những ngày đầu tiếp xúc trong môi trường quân đội (Trung Đoàn 44, huấn luyện ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An còn nhiều bỡ ngỡ, song với các hoạt động tiếp cận cơ bản nhất trong 3 tháng đầu nhập ngũ đã giúp tôi nắm vững được các nội dung huấn luyện. Sau 3 tháng, đã biết bắn súng và được biên chế vào Tiểu đoàn 188, Trung đoàn 176, Sư Đoàn 316 hành quân lên Sơn La đánh phỉ. Đến tháng 11/1953, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đơn vị được lệnh lên Điện Biên Phủ - lúc đó gọi là chiến dịch “Trần Đình”, anh nào anh nấy sung sướng không tưởng tượng được.

Tướng Navarre của Pháp cho rằng cứ điểm Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm. Chúng cho rằng Việt Minh không thể đánh nổi. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Pháp không đánh giá được khả năng, tiềm lực của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Bác Hồ, đặc biệt không đánh giá được chiến lược, chiến thuật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lúc đầu ta đã chuẩn bị và đã bố trí lực lượng tiến công thực hiện phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh”, các đơn vị chỉ cần chờ hiệu lệnh để nổ súng, nhưng có lệnh của Tướng Giáp dừng lại, bắt đầu kéo pháo ra. Toàn quân tiếp tục học tập thư của Bác Hồ, và mỗi cán bộ, chiến sĩ đều viết quyết tâm thư thực hiện phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Toàn quân quán triệt xây dựng trận địa và bảo vệ kho tàng bằng cách đào hầm, đào hào, đào đến đâu chiếm đến đấy không cho địch lấp. Thực hiện khắp chiến trường đều có hầm, có hào, đi đến đâu cũng thấy bộ đội dưới mặt đất bao vây từng cứ điểm khiến cho địch ngày càng lo sợ, hoang mang, giảm sút tinh thần chiến đấu. Một mũi tiến công đánh giải phóng Lai Châu, một mũi tiến công đánh Thượng Lào, cô lập Điện Biên Phủ.

Đến khoảng 3 giờ chiều ngày 13/3 ta bắt đầu đánh điểm Him Lam là đồn cửa ngõ của Điện Biên Phủ. Có tiểu đoàn lĩnh lê dương là quân thiện chiến nhất đồn trú nhưng chỉ trong một đêm địch đã thất bại. Ngày hôm sau đồn Nà Kéo bị bức lui. Ngay sau đó, quân ta liên tục tiến công đánh từng đồn theo chiến thuật “bóc vỏ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồn chưa đánh thì bị quân ta bao vây, thành lập các tổ đi bắn “bia sống” - địch ra lấy dù thì ta bắn, bắn vào lỗ châu mai, chủ yếu làm cho địch căng thẳng cao độ, đến ngày 6/5/1954, quân ta tổng công kích. Đúng 8 giờ tối hôm đó, bộc phá nổ trên đồi A1 làm hiệu lệnh tiến công các căn cứ còn lại. Đến chiều 7/5, địch phải đầu hàng. Đợt tổng công kích này, tôi thuộc Sư đoàn 316, trung đoàn 176, phụ trách xạ thủ trung liên. Khi đánh vào giữa đồn thì tôi bị thương. Sáng 7/5, tôi nằm ở hầm cấp cứu, tôi may mắn hơn một số anh em khác.

Trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu giữa ta và địch, ta càng đánh càng thắng, địch càng đánh càng thua, đúng như Bác Hồ nói: “Đánh thắng Điện Biên Phủ là làm thay đổi cả Đông Dương” - Chúng tôi càng củng cố lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhóm Phóng viên (Lược ghi)

Tin liên quan:
  • Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...
    Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ...

    Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 6/4, tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa long trọng tổ chức Chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”.


Nhóm Phóng viên (Lược ghi)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]