(Baothanhhoa.vn) - Một ngày tháng 2, vượt qua những cung đường đèo “lưng chừng trời”, tôi lại về với núi rừng Mường Lát. Từ một “nan lộ” đúng nghĩa, Quốc lộ 15C- con đường nối huyện Mường Lát với miền xuôi giờ “lột xác” thành con đường rộng rãi được trải nhựa, hiền lành nằm vắt mình qua các sườn núi.

Ngọn lửa ấm dưới mái sa mu

Một ngày tháng 2, vượt qua những cung đường đèo “lưng chừng trời”, tôi lại về với núi rừng Mường Lát. Từ một “nan lộ” đúng nghĩa, Quốc lộ 15C- con đường nối huyện Mường Lát với miền xuôi giờ “lột xác” thành con đường rộng rãi được trải nhựa, hiền lành nằm vắt mình qua các sườn núi.

Ngọn lửa ấm dưới mái sa mu

73 tuổi, cụ Chá vẫn cần mẫn chăm sóc vườn đào, mận hàng ngàn cây của gia đình.

Bản Pù Toong, xã Pù Nhi níu chân tôi bởi những vườn rau cải già vàng rực, cây đào, cây mận đâm chồi nảy lộc mơn mởn xanh, chao nghiêng xuống ven đường, bên triền núi. Trên bãi đất trống một tốp nam nữ người dân tộc Mông đang chơi bóng. Cảnh tượng ấy khiến người ở xa tới không dám tin mình đang đứng giữa một bản vùng cao của người Mông. Lúc này, hoàng hôn sắp buông và mặt trời khuất dần sau đỉnh Pha Đén. Xen lẫn những ngôi nhà ngói, nhà mái bằng của người dân dưới xuôi lên tìm sinh kế là những mái nhà lợp ván sa mu của đồng bào dân tộc Mông. Cửa chính ngôi nhà chỉ mở khi người dân lên rừng, lên rẫy vào buổi sáng sớm và trở về nhà lúc xẩm tối. Đồng bào dân tộc Mông có truyền thống cư trú trên núi cao, nhưng bản Pù Toong lại quần tụ dưới thấp, bên chân núi. Không gian sinh sống khiến người ta dễ hình dung đến một bản người Thái vùng núi thấp.

Lần này, chúng tôi đến thăm gia đình cụ Lầu Văn Chá để được nghe những dòng ký ức đã qua, về những ngày lập bản, dời bản, về những truyền thuyết gắn liền với tên núi, tên sông. Cụ Chá đã sống qua bảy ba mùa nương nên chuyện của cụ vừa có không khí cổ xưa lại vừa hiện đại. Trong căn nhà của người Mông được làm cách tân với sự phối trộn của bê tông, cụ đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện và mời tôi ở lại một đêm, dùng cơm với gia đình một bữa...

Quây quần bên mâm cơm cạnh bếp lửa, chuyện nhà, chuyện bản cứ miên man. Cụ bảo nhân khẩu của Pù Toong là đồng bào dân tộc Mông từng sinh sống rải rác trên đỉnh Pha Đén. Đó là đỉnh núi cao ngất, biệt lập với thế giới bên ngoài. Tuy cách không xa trung tâm xã nhưng để lên được đến bản cũng phải mất 1 ngày đường. Cuộc sống của đồng bào lúc ấy cực kỳ khó khăn vì thiếu đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, không có điện lưới quốc gia và những hủ tục thì luôn đeo bám... Bộ đội khuyên dân bản nên về chỗ thấp dựng bản để thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất. Lúc bấy giờ cộng đồng người Thái, Mường, Dao cũng đã di cư, thành lập bản làng ở nhiều vị trí đắc địa. Bộ đội giúp dân làm nhà, cấp giống ngô, lúa mới; bày cho họ thâm canh tăng vụ, vỡ đất hoang dẫn nước vào để cấy lúa nước. Cây lúa nước chín nhanh lại nhiều hạt hơn lúa nương. Giống nếp, giống tẻ đều có. Bà con dân bản thấy cây lúa nảy mầm, trổ bông trên những thửa ruộng bậc thang, cây ngô lai xanh mướt khắp các ngọn đồi, thì họ tin và làm theo. Họ cùng xuống khu vực hai bên đường tỉnh 217 (nay là Quốc lộ 15C) để sinh sống lấy tên bản là Pù Toong.

Lợi ích của việc di cư bày ra trước mắt ai cũng dễ dàng nhìn thấy, nhưng để vận động được đồng bào xuống núi là cả một câu chuyện dài không hề dễ dàng, mà như cụ Chá nói thì đó là một cuộc cách mạng. Đã có rất nhiều cuộc họp trong dòng họ Lâu (dòng họ lớn chiếm đa số dân cư ở Pha Đén và Pù Toong) diễn ra, mọi người nâng lên, đặt xuống việc đi hay ở. Bản thân cụ Chá là người rất ủng hộ việc “hạ sơn”, bởi là cán bộ xã cụ nhìn thấy viễn cảnh khi những đứa trẻ được đến trường, tấm thổ cẩm dễ dàng mang ra chợ bán; có nước, cây cắm xuống đất là sống được... Gia đình cụ cũng là 1 trong 4 gia đình đầu tiên xuống núi. Và đúng như bức tranh cụ Chá “vẽ” ra trong suy nghĩ, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, những hộ dân đầu tiên chuyển xuống núi nhanh chóng có được cuộc sống ổn định; người dân được hưởng lợi từ các công trình phục vụ đời sống dân sinh như điện, đường, trường học, trạm y tế và có điều kiện giao lưu, mua bán sản phẩm mình làm ra. Thay vì chỉ trồng ngô, sắn như trước, trên những mảnh đất đồi đã rực rỡ sắc màu của các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 4 hộ ban đầu nay bản đã có 76 hộ với 332 nhân khẩu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Nhiều người con của bản học hành đỗ đạt, làm cán bộ huyện và xã. Pù Toong trở thành bản đồng bào Mông đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngọn lửa ấm dưới mái sa mu

Bên bếp lửa ấm, câu chuyện về những ngày đầu thành lập bản, chuyện làng trên, xóm dưới... được cụ Chá kể cho con cháu nghe.

Bếp lửa vẫn bập bùng soi vào ánh mắt thăm thẳm của cụ Chá với biết bao hoài niệm ẩn chứa. Cụ kể chuyện năm vừa rồi nhà cụ trồng đào, trồng mận, bán cành, bán quả thu được cả chục triệu đồng. Chuyện cả nhà quyết tâm cho thằng út đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc mong sao sau này về sẽ mang những điều mới mẻ thắp sáng bản làng. Hết chuyện nhà lại chuyển sang chuyện làng, chuyện bản, cứ thế mà quấn quýt, đan xen vào nhau. Nhà bên năm nay có thêm cô con gái đi học đại học. Nhà đầu bản giờ là ông chủ của hơn chục héc ta rừng mới trồng, lại còn trồng cả cây ăn quả, cây gai xanh nữa. Cuộc sống đổi thay, ấm no hơn, nhưng nghĩa tình vẫn vậy, vẫn chân chất, ấm áp lắm. Mấy nhà khấm khá trong bản chẳng nề hà, ai cần học theo đều sẵn sàng chỉ bảo.

Cả nhà ngồi bên chăm chú lắng nghe những câu chuyện kể miên man, tôi nhận ra ở đâu có yêu thương, đùm bọc, thì ở đó có sức mạnh vươn lên bền bỉ. Ở đâu có niềm tin, có ý chí, thì ở đó đất sẽ nở hoa.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]