Một năm sau khi Credit Suisse sụp đổ, ngành ngân hàng châu Âu vất vả phục hồi
Sau cuộc giải cứu của UBS đối với Credit Suisse, các ngân hàng châu Âu đã có sự phục hồi ấn tượng dù có phần mong manh, với mức lợi nhuận kỷ lục và hưởng mức tăng hai con số trên cổ phiếu của mình.
Biểu tượng Credit Suisse tại một chi nhánh ở Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: THX/TTXVN)
Vào thời điểm này một năm trước, Credit Suisse - một trong số 30 ngân hàng hàng đầu toàn cầu - đứng trên bờ vực sụp đổ.
Nỗi lo sợ về số phận của Credit Suisse đã khiến cổ phiếu ngành ngân hàng châu Âu lao dốc còn chi phí bảo hiểm vỡ nợ tăng vọt.
Các nhà đầu tư khi đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính ổn định của các tổ chức cho vay giữa lúc khủng hoảng các ngân hàng khu vực Mỹ xảy ra.
Cuộc giải cứu có sự chống lưng từ Chính phủ của UBS đối với Credit Suisse đã khôi phục lại sự yên bình của thị trường. Kể từ đó, các ngân hàng châu Âu đã có một sự phục hồi ấn tượng, dù có phần mong manh. Họ đã đạt mức lợi nhuận kỷ lục và hưởng mức tăng hai con số trên cổ phiếu của mình.
Chứng khoán khởi sắc
Khi khủng hoảng xảy ra vào tháng Ba năm ngoái, chứng khoán ngân hàng châu Âu đồng loạt lao dốc:
Cổ phiếu của Deutsche Bank giảm hơn 20% trong tháng và chỉ số ngành ngân hàng châu Âu có tháng tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19. Kể từ đó, giá cổ phiếu ngân hàng châu Âu đã tăng vọt, dẫn đầu là mức tăng 60% của UBS và gần 70% của UniCredit.
Cổ phiếu của BNP Paribas và Deutsche Bank đều hoạt động kém hiệu quả hơn nhưng cũng trong vùng tăng điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc chỉ số STOXX Europe 600 đã tăng trong năm tháng liên tiếp tính tới hiện tại và đang ở quanh mức cao nhất kể từ năm 2019.
Một yếu tố thúc đẩy cho diễn biến này là sự phục hồi về lợi nhuận của các ngân hàng, chủ yếu nhờ lãi suất cao hơn giúp tăng thu nhập lãi ròng (chỉ khoản chênh lệch giữa số tiền mà các ngân hàng trả cho tiền gửi và kiếm được từ các khoản cho vay).
Các ngân hàng bao gồm Santander, UniCredit và NatWest đều báo cáo lợi nhuận tăng vọt nhờ thu nhập lãi ròng cao hơn. Nhiều ngân hàng đã tiến hành chia cổ tức và thông báo các kế hoạch mua lại cổ phiếu khổng lồ.
Tuy nhiên, khi lãi suất lên đến đỉnh điểm, các nhà phân tích dự kiến thu nhập của các ngân hàng sẽ ổn định và sau đó giảm xuống.
Đà phục hồi trái phiếu AT1 có vững chắc
Trái phiếu AT1 (một loại trái phiếu do các ngân hàng phát hành để huy động vốn) đã trở thành chủ đề thảo luận của ngành, khi lượng trái phiếu Credit Suisse trị giá 16 tỷ franc Thụy Sĩ (18 tỷ USD) mất giá sau cuộc giải cứu của ngân hàng UBS.
Giá trái phiếu AT1 của các ngân hàng khác cũng lao dốc. Một số trái phiếu AT1 đã xuống dưới 80 xu, thậm chí 60 xu (tính theo đồng euro) vào cuối tháng Ba năm ngoái. Tuy nhiên, AT1 của các ngân hàng lớn kể từ đó đã phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những lo ngại về rủi ro tài sản thương mại đã khiến giá trái phiếu của một số ngân hàng tại Đức lại giảm mạnh trong năm nay, trong đó trái phiếu AT1 của Deutsche Pfandbriefbank và Aareal bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Điểm yếu bất động sản thương mại
Bất động sản thương mại có thể sẽ là một điểm yếu đối với các ngân hàng, với giá giảm mạnh, tỷ lệ bỏ trống tăng cao và chi phí đi vay leo thang gây áp lực lên các nhà phát triển mắc nợ.
Tính chung, các ngân hàng châu Âu có khoản rủi ro trị giá 1.400 tỷ euro (khoảng 1.500 tỷ USD). Công ty xếp hạng tín dụng S&P Global ước tính tổng tài sản của các ngân hàng châu Âu (không bao gồm Vương quốc Anh) đạt gần 28.000 tỷ euro vào năm ngoái.
Các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley cho biết, ngành ngân hàng châu Âu đã giảm mức độ tiếp xúc với các bất động sản thương mại và có thể chịu đựng được sự suy yếu hơn nữa về giá, mặc dù một số ngân hàng gặp nhiều rủi ro hơn.
Thiếu bóng các thương vụ đình đám
Việc UBS mua lại Credit Suisse là thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) lớn nhất ngành ngân hàng châu Âu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi hàng loạt tổ chức cho vay ở khu vực này và Mỹ buộc phải sáp nhập khẩn cấp.
Ngoài khủng hoảng, các thương vụ M&A ngân hàng lớn của châu Âu hầu như không tồn tại, đặc biệt là các thương vụ xuyên biên giới.
Những trở ngại trong việc hợp tác đã khiến các ngân hàng châu Âu rơi vào tình trạng mong manh hơn so với các “đồng nghiệp” ở Mỹ, những người đang có vị thế chi phối trong ngành./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-03-03 10:34:00
Thách thức từ “cơn sóng bạc” đối với các nền kinh tế châu Á
Hong Kong tham vọng trở thành trung tâm tài chính và công nghệ Xanh quốc tế
Xung đột Hamas-Israel: Nền kinh tế tại Dải Gaza “lao dốc” hơn 80%
Kế hoạch đưa quân đội Israel đổ bộ vào Rafah: Cả thế giới lo ngại
Giới phân tích kỳ vọng Mỹ sẽ vẫn hạ lãi suất trong năm 2024
Nhà Trắng chỉ tên nhóm đã khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan
"Làn sóng nông dân” biểu tình lan rộng ở nhiều quốc gia châu Âu
Các nghị sỹ Mỹ đạt được thỏa thuận về 12 dự luật chi tiêu chính phủ
Thổ Nhĩ Kỳ nhận được gì từ ván cược Thụy Điển?
Donald Trump tiếp tục giành chiến thắng ở New Hampshire