Kế hoạch đưa quân đội Israel đổ bộ vào Rafah: Cả thế giới lo ngại
Các em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza ngày 14/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đàm phán ngừng bắn bế tắc. Số phận các con tin đang bị giam giữ tại Gaza ngày càng mong manh. Chính phủ Israel tỏ rõ quyết tâm thực hiện chiến dịch đổ bộ lớn để tấn công vào Rafah, bỏ qua sức ép phản đối quốc tế. Thế giới đang nín thở trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan đến số phận của hàng triệu người dân Palestine.
Tối 17/2, hai sự kiện đồng thời diễn ra thu hút sự quan tâm của dư luận. Tại thành phố Tel Aviv, bất chấp thời tiết mưa gió và lệnh cấm của cảnh sát, hàng nghìn người dân Israel tụ tập tại “quảng trường con tin” gần trụ sở Bộ Quốc phòng và tòa nhà phức hợp của chính phủ để phản đối chính sách giải cứu con tin.
Cùng lúc, tại Jerusalem, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tổ chức họp báo, một lần nữa khẳng định quyết tâm tới cùng với kế hoạch tấn công vào Rafah, thành phố cực Nam của Dải Gaza nằm sát biên giới Ai Cập.
Nhà lãnh đạo Israel nêu rõ: “Những ai muốn ngăn cản chúng tôi thực hiện chiến dịch ở Rafah về cơ bản đang nói với chúng tôi rằng: Hãy chấp nhận thua trong cuộc chiến."
Sự chỉ trích trong nước và quốc tế đối với Chính phủ Israel ngày càng gia tăng, do sau hơn 4 tháng chiến sự với khoảng 30.000 người thiệt mạng ở cả hai bên, quân đội Israel mới chỉ giải phóng được 3 con tin một cách an toàn bằng chiến dịch quân sự, trong khi mục tiêu “xóa sổ” phong trào Hamas vẫn chưa hoàn thành. Đây là hai mục tiêu đầy mâu thuẫn, khó có thể đạt được đồng thời. Người thân của các con tin cho rằng với chiến dịch tấn công Rafah, khả năng sống sót của các con tin là rất thấp.
Kế hoạch đưa quân đội Israel đổ bộ vào Rafah khiến cả thế giới lo ngại. Nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và các đồng minh phương Tây đã cảnh báo Israel tấn công vào Rafah lúc này sẽ là một thảm họa và kêu gọi tạm dừng chiến dịch.
Kế hoạch đưa quân đội Israel đổ bộ vào Rafah khiến cả thế giới lo ngại. Nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và các đồng minh phương Tây đã cảnh báo Israel tấn công vào Rafah lúc này sẽ là một thảm họa và kêu gọi tạm dừng chiến dịch.
Thành phố Rafah giáp với biên giới Ai Cập ước tính đang là nơi lánh nạn của khoảng 1,4 triệu người Palestine sơ tán chiến tranh, chiếm tới 2/3 dân số của toàn bộ Dải Gaza.
Trước khi nổ ra cuộc chiến, nơi đây đã có khoảng 260.000 người sinh sống trên diện tích khoảng 65km2, một mật độ dân cư dày đặc nhất thế giới. Chưa bị tấn công, tình cảnh của người dân nơi đây đã vô cùng khó khăn. Rất nhiều người phải sống trong các túp lều tạm bợ, được làm từ bất cứ vật liệu gì họ tìm thấy. Cuộc sống chen chúc đang khiến bệnh viêm gan A lây lan nhanh chóng. Các cơ quan cứu trợ đã lên tiếng cảnh báo một cơn “ác mộng nhân đạo” về nạn đói và dịch bệnh.
Quân đội Israel cam kết sẽ tạo lập các hành lang an toàn cho người dân đi sơ tán khỏi Rafah. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông báo về địa điểm người dân sẽ được di chuyển. Trên thực tế đã có nhiều ý kiến nhận định Dải Gaza “không còn nơi nào an toàn” cho người dân sơ tán.
Về vị trí địa lý, phía Nam của Rafah vướng biên giới Ai Cập, hướng Đông là biên giới Israel. Phía Tây là Địa Trung Hải, có khu tị nạn al-Mawasi, nơi chục nghìn người dân đang cắm lều trại trong một vùng sa mạc ven biển chật hẹp, không hệ thống cơ sở hạ tầng, không có các nguồn cung cấp cho nhu cầu thiết yếu.
Các thành phố xa hơn ở miền Bắc Dải Gaza là nơi không thể sinh sống do hầu hết hạ tầng đã bị phá hủy. Tại miền Trung, chiến sự vẫn đang tiếp diễn.
Liên hợp quốc cảnh báo tấn công vào Rafah có thể gây ra một cuộc “tàn sát với những hậu quả không thể đo đếm.”
Các cuộc tấn công ở miền Bắc Gaza đã dồn người dân chạy về miền Trung, sau đó các cuộc tấn công vào miền Trung tiếp tục đẩy người dân về phía Nam.
Quan chức Liên minh châu Âu (EU) đặt câu hỏi: “Sẽ sơ tán những người dân đi đâu? Mặt Trăng?”
Lối thoát an toàn duy nhất cho người dân Rafah là tràn qua cửa khẩu sang Ai Cập - một kịch bản gần như không thể. Hơn ai hết, Ai Cập đang rất lo ngại về nguy cơ làn sóng tị nạn mới và đã điều động 40 xe tăng cùng xe chuyển quân tới biên giới Gaza đề phòng làn sóng tị nạn nếu Israel tấn công Rafah. Cairo cũng cảnh báo nếu Israel cố tình đẩy người Palestine ra khỏi Gaza, thì sẽ không còn Hiệp ước Trại David vốn mang lại hòa bình cho hai nước suốt 40 năm qua.
Bà Mirrette F Mabrouk, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Đông, cho biết vấn đề không phải là Ai Cập không muốn tiếp nhận người tị nạn, bởi hiện nước này đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 9,5 triệu người tị nạn từ các quốc gia khác nhau. Vấn đề nằm ở chỗ, Ai Cập hiểu rằng một khi người Palestine bị đẩy khỏi Dải Gaza, họ sẽ không bao giờ được trở lại mảnh đất này. Chưa kể vấn đề an ninh. Người Palestine ở Gaza có sự gắn kết với phong trào Hamas, vì vậy dù có tị nạn đi đâu họ cũng sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh. Ai Cập không muốn điều này xảy ra trên lãnh thổ của mình.
Trên thực tế, bản thân người Palestine cũng không muốn rời Dải Gaza. Cuộc chiến năm 1948 đã khiến khoảng 750.000 người phải rời bỏ và gây ra “nạn Nakba,” thuật ngữ trong tiếng Arab chỉ thảm họa di dân sau sự kiện này.
Kênh truyền hình Channel 12 tại Israel dẫn báo cáo của lực lượng tình báo quân đội nước này nhận định phong trào Hamas vẫn nhận được “sự ủng hộ thực tâm” của người dân Gaza.
Kể cả trong trường hợp bị đánh bại hoàn toàn, phong trào này sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, nói cách khác sẽ không có một “thắng lợi tuyệt đối” như tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã kéo dài hơn 4 tháng, với khoảng 30.000 người thiệt mạng ở cả hai bên, và vẫn chưa thấy một giải pháp căn cơ.
Thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu Chính sách Do Thái (JPPI) ngày 15/2 cho thấy so với hồi tháng 10 năm ngoái, sự tin tưởng vào một chiến thắng trước Hamas đã giảm 20% trong cộng đồng người Do Thái tại Israel và giảm 28% trong cộng đồng người Arab.
Sau phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu Israel phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn những hành vi có thể dẫn đến tình huống “diệt chủng” tại Dải Gaza, cả Israel và Mỹ đều chịu sức ép rất lớn của dư luận quốc tế.
Sức nóng ngày càng tăng của cuộc bầu cử tại Mỹ cũng khiến Washington liên tục đưa ra các thông điệp yêu cầu Israel giảm cường độ tấn công, tạo điều kiện hơn nữa cho vấn đề nhân đạo và chấp nhận một lệnh ngừng bắn tạm thời.
Tuy nhiên, quân đội Israel cho biết tấn công vào Rafah là lựa chọn không thể không thực hiện nhằm đánh bại Hamas - một mục tiêu mà chính phủ nước này luôn nhất quán kể từ đầu cuộc chiến. Đây được cho là “thành trì” cuối cùng của Hamas, nơi có 4 lữ đoàn tinh nhuệ đang cố thủ.
Israel cũng hy vọng qua chiến dịch sẽ giải cứu được 134 con tin còn lại đang bị giam giữ.
Yoel Guzansky, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS), nhận định tấn công Rafah là cách duy nhất để quân đội Israel giành chiến thắng trước Hamas.
Theo giới quan sát, những tuyên bố đầy quyết tâm nêu trên phản ánh tình thế không còn đường lùi của Thủ tướng Netanyahu.
Cuộc tấn công ngày 7/10/2023, chiến dịch quân sự kéo dài, số lượng con tin được giải thoát quá ít được cho là thất bại lớn nhất của chính phủ đương nhiệm. Nhiều người dân đã kêu gọi bầu cử sớm sau khi chiến tranh tại Gaza kết thúc. Thăm dò dư luận cho thấy với tỷ lệ ủng hộ ngày càng giảm, chính phủ cánh hữu sẽ sụp đổ nếu bầu cử diễn ra vào thời điểm này.
Mục tiêu lật đổ Hamas và giải cứu con tin chưa đạt được. Các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn tạm thời vẫn bế tắc do quan điểm quá cách biệt. Nhân tố quyết định để Israel dừng cuộc phiêu lưu quân sự là Mỹ, một mặt vẫn tuyên bố phản đối chiến dịch quân sự tại Rafah, mặt khác vẫn duy trì viện trợ quân sự và bảo vệ Israel tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bảo vệ Israel tuy là một nhân tố chính trị nhỏ nhưng có vai trò quan trọng với Washington trong cuộc bầu cử sắp tới.
Những yếu tố này cho thấy cuộc tấn công vào Rafah hầu như chắc chắn sẽ xảy ra, khiến thế giới nín thở lo ngại trước một thảm họa nhân đạo khó tránh khỏi./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-14 09:05:00
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
-
2025-01-13 07:00:00
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
-
2024-02-15 09:07:00
Giới phân tích kỳ vọng Mỹ sẽ vẫn hạ lãi suất trong năm 2024
Nhà Trắng chỉ tên nhóm đã khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan
"Làn sóng nông dân” biểu tình lan rộng ở nhiều quốc gia châu Âu
Các nghị sỹ Mỹ đạt được thỏa thuận về 12 dự luật chi tiêu chính phủ
Thổ Nhĩ Kỳ nhận được gì từ ván cược Thụy Điển?
Donald Trump tiếp tục giành chiến thắng ở New Hampshire
Nga gặp hàng loạt sự cố máy bay sau lệnh trừng phạt của phương Tây
Khủng hoảng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến báo cáo thu nhập của các công ty
Loạt vụ tập kích của Iran tăng nhiệt lò lửa Trung Đông
Các nhà sản xuất và bán lẻ châu Âu lâm vào khó khăn do khủng hoảng ở Biển Đỏ