(Baothanhhoa.vn) - Với vai trò là người đứng đầu Hội LHPN phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), chị Lê Ánh Nguyệt cùng ban chấp hành hội đã trăn trở tìm giải pháp thực hiện mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” để chung tay bảo vệ môi trường thành phố xanh - sạch - đẹp.

“Tái sinh” rác thải rắn để bảo vệ môi trường

Với vai trò là người đứng đầu Hội LHPN phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), chị Lê Ánh Nguyệt cùng ban chấp hành hội đã trăn trở tìm giải pháp thực hiện mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” để chung tay bảo vệ môi trường thành phố xanh - sạch - đẹp.

“Tái sinh” rác thải rắn để bảo vệ môi trườngCán bộ và hội viên phụ nữ huyện Thọ Xuân thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền”, phân loại rác thải rắn để bán gây quỹ.

Chị Nguyệt cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN TP Thanh Hóa về xây dựng mô hình “Biến rác thành tiền”, Hội LHPN phường đã chỉ đạo các chi hội thực hiện phân loại rác thải đầu nguồn. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn do người dân chưa quen phân loại rác mà thường bỏ chung vào một chỗ. “Mưa dầm thấm lâu”, qua nhiều đợt tuyên truyền, vận động và triển khai các mô hình “Nói không với rác thải nhựa”, “Sử dụng làn nhựa đi chợ”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... theo chủ trương của hội LHPN cấp trên, nhiều hội viên ở các chi hội đã xử lý rác thải đầu nguồn. Các hộ sử dụng 2 thùng phân loại rác để phân loại rác hữu cơ và rác thải rắn, tái chế. Riêng đối với rác thải rắn tái chế (bao bì, vỏ lon, lốp xe...), hội tập kết tại nhà văn hóa phố bán gây quỹ thực hiện chương trình “Biến rác thành tiền”. Từ đầu năm 2023 đến nay, 12 chi hội đã thu gom, bán được hơn 30 triệu đồng gây quỹ làm hoạt động từ thiện. Việc làm này đã dần trở thành nền nếp và thường xuyên tại các chi hội vào dịp cuối tuần, góp phần hạn chế xả rác thải nói chung, rác thải rắn nói riêng ra môi trường.

Năm 2021, Triệu Sơn được công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Kết quả đó có vai trò quan trọng của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện trong công tác vệ sinh môi trường. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp hội thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn, đồng thời tập huấn, hướng dẫn cho Nhân dân cách phân loại rác. Đến nay, toàn huyện đã có hàng chục nghìn thùng rác để phân loại tại các gia đình và thùng rác đặt tại các điểm tập kết phế liệu nơi công cộng, như: khu di tích, chợ, trường học, trạm y tế, công sở, nhà văn hóa, định kỳ thu gom 1 - 2 lần/tháng. Nguồn quỹ thu được dùng để thăm hỏi, tặng quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đến với Hội LHPN xã Quang Lộc (Hậu Lộc), nhiều người phải trầm trồ khen ngợi sự sáng tạo, khéo tay hay làm của hội viên, phụ nữ xã. Những vỏ chai lọ, lon nước, lốp xe... được chị em gom lại, rửa sạch và cắt, tỉa thành chậu hoa, giỏ hoa mini, bồn hoa... Tiền thu gom và bán đồ tái chế sau khi trừ đi chi phí được đưa vào quỹ chi hội để mua BHYT, tặng quà hội viên nghèo, tổ chức cho hội viên đi tham quan, du lịch... Từ hiệu quả hữu ích của mô hình “Thu gom, phân loại và tái chế rác thải thành vật dụng hữu ích” này, Hội LHPN huyện Hậu Lộc đã nhân rộng trên địa bàn toàn huyện và tổ chức giao lưu các “Sản phẩm sáng tạo, tái chế từ phế liệu thành mô hình và vật dụng hữu ích”. Qua đó, hội lựa chọn được 36 sản phẩm xuất sắc nhất trưng bày và thuyết trình ý nghĩa, cách làm, công dụng của sản phẩm chia sẻ cho nhiều người biết và làm theo. Nhiều cơ sở hội đã vận dụng và linh hoạt cách làm phù hợp, như: Hội LHPN xã Phú Lộc triển khai phân loại rác thải đầu nguồn; Hội LHPN xã Hưng Lộc tái chế rác thải rắn thành đồ vật trang trí, làm thùng rác tái chế từ lốp xe đặt tại các điểm công cộng, trục đường lớn của xã; 100% cơ sở hội có mô hình “Biến rác thành tiền”...

Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 3.000 tấn/ngày/đêm. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tỷ lệ nghịch với tỷ lệ rác thải được xử lý bằng công nghệ đốt và chôn lấp, tái chế. Do đó, tình trạng gây ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong phân loại rác thải đầu nguồn, bởi tại các gia đình, phụ nữ thường là người đầu tiên phân loại rác thải sinh hoạt.

Nhận thấy vai trò quan trọng của hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường hơn 10 năm qua, mang lại hiệu quả tích cực. Phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn; chỉ đạo ra mắt điểm nhiều mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, đổi rác lấy cây xanh, lấy đồ dùng; tập huấn “Kỹ năng phân loại rác thải, xử lý rác tại hộ gia đình”; tổ chức hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và truyền thông tác hại của rác thải nhựa tại một số xã điểm... Qua đó, nhằm từng bước thay đổi ý thức, trách nhiệm của người dân trong phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, góp phần giảm thiểu lượng rác thải vận chuyển đi xử lý, đồng thời tận dụng tối đa những phế thải để bán và tái chế.

Với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt vì môi trường xanh - sạch - đẹp, mọi người, mọi nhà hãy tiếp tục nâng cao nhận thức về lợi ích của hoạt động tái chế chất thải, cùng nhau làm những điều nho nhỏ nhằm “tái sinh” cho rác thải; đồng thời thay đổi lối sống thân thiện với môi trường.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]