(Baothanhhoa.vn) - Được đầu tư xây dựng với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng, nhưng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đang “đắp chiếu” hoặc hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí nguồn lực và kéo theo nhiều hệ lụy, nhưng chưa có hướng giải quyết.

Những công trình cấp nước tiền tỷ bị bỏ hoang

Được đầu tư xây dựng với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng, nhưng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đang “đắp chiếu” hoặc hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí nguồn lực và kéo theo nhiều hệ lụy, nhưng chưa có hướng giải quyết.

Những công trình cấp nước tiền tỷ bị bỏ hoangCông trình nước sinh hoạt tại làng Oi, thị trấn Lang Chánh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 519 công trình cấp nước tập trung tại khu vực miền núi. Trong đó, chỉ có 29 công trình hoạt động hiệu quả (5,59%), 347 công trình hoạt động kém hiệu quả (66,86%) và 143 công trình không hoạt động (27,55%). Hiện những công trình không hoạt động đang “đắp chiếu”, bỏ hoang, xuống cấp, không chỉ gây lãng phí ngân sách đầu tư của Nhà nước mà còn khiến cho gần 30.000 người dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Điển hình như huyện Quan Hóa 27 công trình, Quan Sơn 20 công trình, Thường Xuân 13 công trình, Lang Chánh 18 công trình ngừng hoạt động...

Tại huyện Lang Chánh có khoảng 40 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó có tới hơn 18 công trình đã bị hư hỏng, bỏ hoang. Số còn lại, hầu hết không bảo đảm công năng để đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho người dân theo thiết kế. Phải mất một thời gian chúng tôi mới tìm được đến 4 công trình nước sinh hoạt tập trung tại làng Chạc Ranh, xã Tân Phúc bởi các công trình này đều nằm lẩn khuất phía trong rừng keo. Tới nơi, đập vào mắt là công trình xử lý nước sạch bị cây cối phủ um tùm. Trước cổng, một bên còn gắn biển đơn vị thi công và ngày, tháng, năm thực hiện, ghi công trình mục tiêu quốc gia, nhưng đã bị vỡ nham nhở, một bể chứa nước khoảng 80m3. Bể nước của những công trình này sau khi đưa vào khai thác, sử dụng được vài tháng rồi bỏ hoang do không có nước. Ông Hà Văn Quang, Thôn Chạc Ranh, xót xa nói: “Hiện nay, tại xã Tân Phúc người dân đang phải sử dụng nguồn nước chảy từ các khe, suối để sinh hoạt, ăn uống. Trước đây, đã có một thời gian ngắn người dân được sử dụng nước máy, thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn là các đường ống dẫn nước bị hư hỏng, bể nước thì bị nứt, vỡ. Nếu không có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân chúng tôi không thể có điều kiện đầu tư xây dựng, lắp đặt công trình cấp nước sinh hoạt có giá trị như thế này. Giờ, công trình bị bỏ hoang, nhìn mà xót...”.

Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nằm trong Dự án 134 của Chính phủ hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tại xã Thanh Phong (Như Xuân) triển khai từ năm 2008 ở 2 thôn Xuân Phong và Quang Hùng, mỗi thôn 2 bể, với tổng kinh phí hơn 672 triệu đồng. Đến năm 2011, tiếp tục xây dựng ở thôn Hai Huân thêm 4 bể, kinh phí gần 997 triệu đồng. Hiện tại, những công trình này đang trong tình trạng mọc rêu, ngoại trừ một bể hộ gia đình đang sử dụng, có những bể chưa một lần có nước.

Nguyên nhân của tình trạng các công trình cấp nước bị xuống cấp, bỏ hoang là do công tác khảo sát, thiết kế và lập dự án chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất và nguồn nước nên chất lượng nước không bảo đảm; không đủ nước cung cấp theo thiết kế. Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan, mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình; mực nước tại các đập chứa, các khe, suối giảm đáng kể, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao nên nhiều công trình không đủ nguồn nước cung cấp hoặc chỉ đủ cho một số cụm dân cư, làm giảm hiệu quả đầu tư của công trình. Một nguyên nhân nữa là phần lớn các công trình nước sạch sau khi hoàn thành, bàn giao cho UBND cấp xã quản lý, vận hành nhưng địa phương không có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, thu không đủ chi nên không có kinh phí để duy tu, sửa chữa dẫn đến nhanh bị xuống cấp, hư hỏng. Có công trình giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng do không thu được tiền sử dụng nước của các hộ dân nên doanh nghiệp cũng bỏ mặc.

Bên cạnh đó, về khách quan các công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng đều nằm ở những vị trí địa lý phức tạp, khó khăn, nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức thực hiện và tiến độ công trình; định suất vốn đầu tư thấp và bình quân theo đầu xã nên khó khăn cho việc lựa chọn công trình phù hợp với vốn được giao. Cùng với đó, nhiều hộ dân ở nông thôn, nhất là khu vực miền núi chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Kể cả những nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng mức tiêu thụ thấp do bà con vẫn còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nước, như nước giếng, nước ao, hồ, khe suối trong sinh hoạt để tiết kiệm chi phí.

Trước thực trạng nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung kém hiệu quả, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành rà soát và nâng cấp, cải tạo một số công trình bằng các nguồn vốn khác nhau. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp nhận đầu tư và quản lý, khai thác công trình; tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ và sử dụng các công trình nước sạch nông thôn. Đối với các công trình cấp nước do UBND cấp xã quản lý, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp nhận đầu tư và quản lý, vận hành công trình. Trường hợp không có doanh nghiệp nhận quản lý công trình, đề xuất danh mục cần đầu tư, cải tạo, sửa chữa nâng cấp các công trình hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động (còn khả năng khai thác) để khôi phục cấp nước cho Nhân dân. Những công trình không còn khả năng sửa chữa, sử dụng sẽ đề xuất thanh lý.

Việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn tập trung thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân các huyện miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho khu vực nông thôn, miền núi. Các công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư mà còn làm giảm niềm tin của người dân.

Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn

Những công trình cấp nước tiền tỷ bị bỏ hoang

Khi các công trình nước sinh hoạt được đầu tư, đưa nước về tận hộ đã giúp người dân miền núi, vùng cao, nhất là ở những địa bàn khó khăn đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư các công trình nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế so với nhu cầu của người dân. Chưa kể nhiều công trình trước đây do các xã đầu tư, vận hành với công suất nhỏ. Thiếu bộ máy quản lý, vận hành chuyên nghiệp, công trình không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, một số địa phương có liên kết với doanh nghiệp để vận hành đầu tư nhưng hoạt động một thời gian thì gặp nhiều khó khăn. Chính điều này đã khiến cho tỷ lệ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung ở nhiều địa phương đang còn thấp.

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các công trình nước sạch cho các xã miền núi. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa không thu hút được doanh nghiệp đầu tư, đề nghị tỉnh ưu tiên từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, xuống cấp và đầu tư xây dựng mới. Qua đó, giúp người dân có nước sạch sử dụng, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nguyễn Thị Anh Nga

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp

và Phát triển nông thôn

Hệ thống công trình cấp nước chưa đáp ứng được yêu cầu

Những công trình cấp nước tiền tỷ bị bỏ hoang

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lang Chánh, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung rất thấp. Năm 2022 huyện không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đề ra bởi không đạt được tiêu chí nước sạch tập trung.

Để giải quyết được những khó khăn trong tiêu chí nước sạch thì phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước, còn nếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương để đầu tư hệ thống cấp nước tập trung là vượt quá khả năng. Mặt khác, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi các doanh nghiệp còn tính tới lợi nhuận nên chưa sẵn sàng đầu tư nhà máy xử lý nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, bà con chưa sẵn sàng cho việc phải chi một khoản tiền cho nước sạch sinh hoạt hàng tháng.

Thực tế đến thời điểm hiện tại, việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện, nhất là các huyện miền núi như Lang Chánh, đối với chỉ tiêu nước sạch gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống công trình cấp nước trên địa bàn khu vực miền núi chủ yếu là công trình cấp nước tự chảy, công nghệ đơn giản, chưa đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, nguồn vốn của chương trình rất hạn chế, không có nguồn lực để đầu tư được nhiều công trình cấp nước.

Để chỉ tiêu cấp nước sạch tập trung không trở thành “rào cản” trong quá trình xây dựng nông thôn mới, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành có liên quan, nhất là trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời để xây dựng, hoàn thiện các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn.

Lê Quang Tùng

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

UBND huyện Lang Chánh

Việc quản lý vận hành là khâu hết sức quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các công trình

Những công trình cấp nước tiền tỷ bị bỏ hoang

Đối với các công trình hư hỏng ngừng hoạt động hoặc hiệu quả thấp, thì UBND các huyện tổ chức khảo sát, đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của Nhân dân. Từ đó có giải pháp sửa chữa, nâng cấp theo hướng, công trình nào ngừng hoạt động không thể khắc phục được hoặc nếu khắc phục nhưng nguồn kinh phí lớn thì lập phương án thanh lý. Riêng đối với các công trình có nguồn nước ổn định, người dân thực sự có nhu cầu thì xem xét cho phép lập phương án nâng cấp, sửa chữa để sử dụng. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá hiện trạng cấp nước của các nhà máy cấp nước sạch tập trung đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để có phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước; trong đó, tập trung nâng cấp công nghệ xử lý nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước cho các xã chưa được cung cấp nước sạch.

Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, việc quản lý vận hành là khâu hết sức quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các công trình nhằm đem lại hiệu quả cao cho mỗi công trình cấp nước. Vì vậy, cần thực hiện việc giao, nhận công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng phân cấp cho các xã, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức bộ máy quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo đúng quy định. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý khai thác phù hợp với đặc điểm, quy mô của từng loại hình công trình bền vững, hiệu quả và tham mưu cơ chế hỗ trợ đối với công tác quản lý khai thác công trình.

Hiện Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa cũng thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân và cán bộ địa phương, tham mưu cho Sở Nông nghiệp trình UBND tỉnh về phương án cấp nước cho các huyện miền núi. Trung tâm cũng nghiên cứu và đề xuất một số mô hình cấp nước phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhất là tại các huyện miền núi.

Lê Văn Nghĩa

Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt

và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa

Giải pháp để người dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng

Những công trình cấp nước tiền tỷ bị bỏ hoang

Nhiều năm nay, người dân thôn Chạc Ranh, xã Tân Phúc (Lang Chánh) chủ yếu sử dụng nước từ nguồn giếng khoan, từ các khe, suối. Nguồn nước này đều do người dân tự đào, dẫn nước, thấy nước không có mùi, màu hay vị lạ là yên tâm sử dụng.

Công trình nước sạch được đầu tư quy mô, nhưng hoạt động với thời gian ngắn đã bị bỏ hoang, trong khi người dân không có nước cho sinh hoạt hằng ngày. Sau khi có hệ thống nước tự chảy, gia đình cũng làm ống đấu nối từ bể về dùng, thế nhưng, lâu nay đã bị cạn kiệt, có những hôm phải đem can nhựa vào tận khe suối để lấy. Nhà có 6 nhân khẩu, để bảo đảm đủ nước để nấu ăn và giặt giũ, có ngày phải vào tận khe lấy 10 can, mỗi can 20 lít.

Đưa nước sạch về vùng nông thôn, nhất là khu vực miền núi để cải thiện cuộc sống cho bà con là một trong những tiêu chí góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Người dân xã Tân Phúc mong rằng, các cấp, các ngành cần quan tâm để người dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng.

Hà Thị Chính

xã Tân Phúc (Lang Chánh)

Bài và ảnh: Minh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]