(Baothanhhoa.vn) - UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản không phép, vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, không đảm bảo quy định phòng cháy, chữa cháy... đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương.

Mạnh tay với các hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản không đảm bảo quy định

UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản không phép, vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, không đảm bảo quy định phòng cháy, chữa cháy... đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương.

Mạnh tay với các hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản không đảm bảo quy địnhĐoàn kiểm tra UBND huyện Như Xuân giám sát việc tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp đóng trên địa bàn xã Bãi Trành.

Hàng loạt vi phạm được chỉ ra

Thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 100.000ha rừng keo. Thời điểm vào vụ khai thác những tháng đầu năm 2024, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản không phép hoặc không đảm bảo các điều kiện hoạt động ngang nhiên mọc lên, hoạt động rầm rộ, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, cũng như tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thu mua vùng nguyên liệu với các cơ sở được cấp phép. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 19832/UBND-NN ngày 29/12/2023 về việc giao tiếp tục đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý vi phạm tại các điểm thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra, rà soát tại các huyện cho thấy, tình trạng vi phạm trong hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản diễn ra phổ biến với nhiều hành vi vi phạm, trước sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền các địa phương.

Cụ thể, tại huyện Như Xuân, từ tháng 9 đến 10/2023, qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 3 cơ sở tại xã Bãi Trành, với cùng hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm để xây dựng nhà xưởng trái phép.

Tại huyện Như Thanh, qua kiểm tra có 17/31 cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện có vi phạm. Cụ thể, vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là 11 cơ sở, với 22 hành vi vi phạm; vi phạm trong lĩnh vực đất đai là 10 cơ sở, với 10 hành vi vi phạm; vi phạm liên quan đến sử dụng điện là 7 cơ sở; vi phạm liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, xây dựng là 10 cơ sở.

Tương tự, tại huyện Thạch Thành, trong tháng 10/2023, UBND các xã đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 3 cơ sở vi phạm về sử dụng đất đai. Trong tháng 11 và 12/2023, UBND huyện Thạch Thành đã chỉ đạo kiểm tra, lập hồ sơ, xử lý 2 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có 7 cơ sở vi phạm về sử dụng đất đai; lập biên bản vi phạm hành chính 6 cơ sở. Tại huyện Triệu Sơn có 5 cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát tại 4 xã, thị trấn, đang hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm quy định về đất đai, bảo vệ môi trường...

Mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm

Theo Báo cáo số 25/BC-SNN&PTNT ngày 24/1/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, tổng hợp kết quả xử lý vi phạm tại các cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng tại các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Triệu Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh cho thấy, nhiều địa phương đã nghiêm khắc trong các chế tài xử phạt, đình chỉ hoạt động cũng như kiên quyết yêu cầu tháo dỡ công trình sai phạm.

Tại huyện Như Xuân, sau kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 3 cơ sở trên địa bàn xã Bãi Trành về hành vi sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích để xây dựng nhà, xưởng trái phép khi chưa được sự đồng ý của cơ quan cấp có thẩm quyền, tổng số tiền phạt là 67.500.000 đồng. Tiến hành giám sát việc tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp không phù hợp với quy hoạch của gia đình ông Trịnh Văn Hà và hệ thống dàn băm lắp đặt trái phép trên đất, với diện tích xây dựng nhà xưởng là 200m, khu vực lắp dây chuyền băm dăm khoảng 100m2; thu dọn, giải phóng bãi tập kết thành phẩm gỗ dăm 200m2.

Tại huyện Như Thanh, sau kiểm tra đã xử lý 11 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tổng số tiền phạt 110.600.000 đồng. Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đã xử phạt 11 cơ sở, với 22 hành vi vi phạm. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 110.000.000 đồng, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của đất. Trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng có 7 cơ sở vi phạm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Tại huyện Thạch Thành, kết quả kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực đất đai có 8 cơ sở vi phạm, Chủ tịch UBND huyện cũng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Tại huyện Thường Xuân, kiểm tra, xử lý, dừng hoạt động 2 cơ sở. Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối 3 với cơ sở với số tiền hơn 60.000.000 đồng.

Tại huyện Lang Chánh kiểm tra, xử lý 2 cơ sở vi phạm về sử dụng đất đai, môi trường. Chủ tịch UBND xã Giao Thiện (Lang Chánh) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.500.000 đồng.

Tại huyện Triệu Sơn kết quả kiểm tra có 5 cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn thị trấn Nưa và các xã Bình Sơn, Thái Hòa, Vân Sơn, đã xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở tại xã Bình Sơn về sử dụng đất đai trái pháp luật, với số tiền 40 triệu đồng, buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; 4 cơ sở còn lại UBND huyện Triệu Sơn đang tiếp tục chỉ đạo xử lý... Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương cũng như các ngành chức năng thời gian qua đã được bà con Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Người dân cũng mong muốn những vi phạm đã được chỉ ra sẽ không còn tái diễn.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]