Năm 2023, hàng loạt kỷ lục đã bị phá vỡ một cách đáng lo ngại: mức khí gây hiệu ứng nhà kính cao kỷ lục; nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục; mực nước biển dâng cao kỷ lục; băng biển Nam Cực thấp kỷ lục.

Liên hợp quốc cảnh báo 2023 sẽ là năm nóng nhất từ trước tới nay

Năm 2023, hàng loạt kỷ lục đã bị phá vỡ một cách đáng lo ngại: mức khí gây hiệu ứng nhà kính cao kỷ lục; nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục; mực nước biển dâng cao kỷ lục; băng biển Nam Cực thấp kỷ lục.

Liên hợp quốc cảnh báo 2023 sẽ là năm nóng nhất từ trước tới nay Khói bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy rừng tại Quebec, Canada, ngày 10/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (WMO) cảnh báo rằng năm 2023 đã phá vỡ hàng loạt kỷ lục về khí hậu, với thời tiết khắc nghiệt để lại "dấu vết tàn phá và tuyệt vọng."

Giám đốc WMO Petteri Taalas nhấn mạnh hàng loạt kỷ lục đã bị phá vỡ một cách đáng lo ngại: "Mức khí gây hiệu ứng nhà kính đang cao kỷ lục. Nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục. Mực nước biển dâng cao kỷ lục. Băng biển ở Nam Cực thấp kỷ lục."

WMO đã công bố báo cáo sơ bộ về Hiện trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2023, khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết những ghi nhận mới về nhiệt độ kỷ lục "sẽ khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải rùng mình." Rủi ro cao chưa từng thấy khi các nhà khoa học cảnh báo rằng khả năng hạn chế sự nóng lên ở mức có thể kiểm soát đang tuột khỏi tầm tay con người.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã giới hạn mức nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - và 1,5 độ C nếu có thể.

Nhưng trong báo cáo trên, WMO cho biết dữ liệu năm 2023 tính đến cuối tháng 10 cho thấy năm nay, nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn khoảng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

“Không chỉ là số liệu thống kê”

WMO dự kiến sẽ công bố báo cáo cuối cùng về Hiện trạng Khí hậu Toàn cầu 2023 vào nửa đầu năm 2024.

Báo cáo cũng cho thấy 9 năm qua là những năm nóng nhất kể từ khi các ghi chép hiện đại bắt đầu.

“Đây không chỉ là số liệu thống kê,” Giám đốc WMO Petteri Taalas nói, đồng thời cảnh báo rằng “chúng ta có nguy cơ thua cuộc trong cuộc đua cứu sông băng và kiềm chế mực nước biển dâng.”

“Chúng ta không thể quay trở lại khí hậu của thế kỷ 20, nhưng chúng ta phải hành động ngay bây giờ để hạn chế những rủi ro về khí hậu ngày càng khắc nghiệt trong thế kỷ này và những thế kỷ sắp tới.”

WMO cũng cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, xuất hiện vào giữa năm nay, sẽ làm nhiệt độ tiếp tục tăng vào năm 2024.

Đó là bởi vì kiểu khí hậu diễn ra tự nhiên, thường gắn liền với tình trạng nhiệt độ tăng lên trên toàn thế giới, thường làm tăng nhiệt độ toàn cầu trong năm sau khi nó phát triển.

Báo cáo sơ bộ cũng cho thấy nồng độ của 3 loại khí nhà kính giữ nhiệt chính - CO2, NO và methane - đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, và tiếp tục tăng trong năm nay. Lượng CO2 cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp, có nghĩa là “nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới,” ngay cả khi lượng khí thải được cắt giảm đáng kể.

“Sự hỗn loạn khí hậu”

Báo cáo cho biết tốc độ mực nước biển dâng trong thập kỷ qua cao hơn gấp đôi tốc độ ghi nhận từ vệ tinh trong thập kỷ đầu tiên (1993-2002). Mức băng biển Nam Cực tối đa trong năm nay đang ở mức thấp kỷ lục, thấp hơn 1 triệu km2 so với mức kỷ lục trước đó vào cuối mùa Đông ở Nam Bán Cầu.

Trong khi đó, các sông băng ở Bắc Mỹ và châu Âu lại phải trải qua một mùa băng tan hàng loạt. Các sông băng ở Thụy Sĩ mất đi 10% lượng băng chỉ trong 2 năm qua.

Các chuyên gia cảnh báo những tác động kinh tế xã hội lớn của những kỷ lục về khí hậu như vậy, trong đó có suy giảm an ninh lương thực và sự di cư hàng loạt.

Người đứng đầu Liên hợp quốc Guterres nói trong một video: “Năm nay chúng ta đã chứng kiến các cộng đồng trên khắp thế giới phải hứng chịu hỏa hoạn, lũ lụt và nhiệt độ cao đến mức có thể thiêu đốt mọi thứ."

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo tại COP28 hãy cam kết thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu, bao gồm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi có lộ trình nhằm giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C và tránh tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất. Nhưng chúng tôi cần những người lãnh đạo khởi xướng tại COP28 trong cuộc đua nhằm duy trì giới hạn 1,5 độ"./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]