(Baothanhhoa.vn) - Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử tròn 70 năm. Nhưng ký ức về một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận đánh khốc liệt giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn hào trên các cứ điểm, hay cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn hằn sâu trong trái tim của những người từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Ký ức Điện Biên

Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử tròn 70 năm. Nhưng ký ức về một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận đánh khốc liệt giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn hào trên các cứ điểm, hay cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn hằn sâu trong trái tim của những người từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Ký ức Điện BiênBà Vũ Thị Kim Lan, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) ôn lại kỷ niệm khi tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sử sách nói nhiều về chiến thắng Điện Biên Phủ, thế nhưng tôi muốn được nghe những người từng đi qua những năm tháng xưa kể lại để có thể cảm nhận được hơi thở của một thế hệ anh hùng. Đem ước muốn ấy, tôi xuôi về phía sông Mã, chạy dọc Quốc lộ 1A, tới xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) gặp cụ Hoàng Tiến Lực. Năm nay 93 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút nhưng khi nhắc đến những trận đánh lịch sử trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, sức sống trong cụ lại hiện rõ trên nét mặt phấn chấn và trong đôi mắt bất chợt sáng ngời tinh anh. Tôi mở lời về cuộc chiến, rồi cụ Lực kể cho tôi nghe về những ngày tháng dầm mình trong mưa bom, bão đạn bằng tất cả những ký ức, những dòng cảm xúc của một người từng vào sinh ra tử.

Theo dòng hồi tưởng, cụ Lực nhớ lại: “Trong lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ, trận chiến tiêu diệt địch ở đồi A1 là một trong những trận đánh ác liệt nhất, thắng lợi vang dội nhất. Lúc tấn công, khi phòng ngự, giành giật với nhau từng tấc đất, cứ người này ngã xuống, người khác xông lên, bền gan, vững chí tiêu diệt quân thù. Ngày ấy, tôi thuộc Đại đội 506, Trung đoàn 174 nên được tham gia cả 3 đợt của chiến dịch. Tôi ở đơn vị tải thương nên lúc nào cũng phải theo sát đơn vị chiến đấu. Thời gian này ở Điện Biên mưa nhiều nên hào giao thông lầy lội, chúng tôi phải đội cáng lên đầu mới vận chuyển được thương binh và những người đã hy sinh về phía sau mặt trận. Bùn đất và máu thương binh rơi xuống mặt, xuống đầu những người tải thương đau xót lắm”. Kể đến đây, khuôn mặt cụ Lực chùng xuống, giọng cụ trầm tư một chút rồi cụ kể tiếp: “Mặc dù thương vong nhiều, nhưng sau đợt tấn công thứ 2 của các đơn vị chiến đấu, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ. Bước vào đợt tiến công thứ ba, sau khi phát hiện quân địch có hầm ngầm ở đồi A1, đơn vị tôi cùng 1 đơn vị công binh nữa được giao nhiệm vụ đào hầm ngầm sát với hầm ngầm của địch. Khi đào sát đến hầm ngầm của địch, quân ta chuẩn bị gần 1 tấn bộc phá. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, khối bộc phá đặt ở cuối đường hầm trên đồi A1 vang lên. Quân ta từ các hướng lần lượt đánh chiếm các mục tiêu còn lại, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch, tạo bàn đạp cho các chiến sĩ tấn công sang hầm Đờ-cát. Ngày 7/5/1954, bộ đội ta tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, phất cao cờ chiến thắng”.

Ký ức Điện BiênCụ Phùng Sỹ Các, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) – người tiếp lương, tải đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong những ngày cả nước đang hướng về sự kiện trọng đại kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những “chị gánh, anh thồ” quê hương Thanh Hóa lại hân hoan ngược dòng lịch sử trở về thời khắc thiêng liêng ấy để sống lại không khí của những ngày tiếp lương, tải đạn gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Ở tuổi 88, cụ Phùng Sỹ Các, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đôi lúc có quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cái cảm xúc về một thời phục vụ chiến đấu thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Cụ Các phấn khởi kể: “Thời gian đầu, nhiệm vụ của chúng tôi là gánh gạo tiếp tế cho bộ đội ta đánh giặc. Người sau bám gót người trước, cứ thế nườm nượp nối đuôi nhau vượt qua núi cao, đèo sâu mang hàng ra mặt trận. Con đường tải lương phục vụ chiến dịch trở thành tuyến lửa ác liệt ngay sau khi thực dân Pháp phát hiện ra. Xuất phát từ yêu cầu cấp bách của chiến trường, tôi chuyển sang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ. Chỗ nào hẹp thì mở rộng, chỗ lầy lội thì san lấp, chỗ trơn trượt thì vác đá chèn, nơi suối sâu thì kéo cho xe qua. Khi cách trận địa pháo chừng 15km, tôi lại được giao nhiệm vụ quan trọng là tham gia vác đạn cho bộ đội đánh giặc. Dù máy bay địch liên tục càn quét nhưng bất chấp mọi hiểm nguy, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chiến dịch toàn thắng, tôi ở lại làm nhiệm vụ rà soát bom mìn, mãi đến tháng 8/1954 mới rời khỏi vùng đất lửa Điện Biên anh hùng”.

Ngày ấy, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước ùn ùn ra trận. Ở Thanh Hóa, người viết đơn tình nguyện đi bộ đội, người xung phong đi dân công hỏa tuyến với khí thế sục sôi. Không thua kém đàn ông trai tráng, đoàn nữ dân công gánh bộ cũng hừng hực khí thế vượt hơn 500km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo đưa hàng ra mặt trận. Bà Vũ Thị Kim Lan, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) tự hào kể: “Quảng Xương quê tôi ngày ấy đường ra mặt trận đông như ngày hội; cả làng, cả xã tham gia tải lương cho chiến trường. Hành trang mang theo của chúng tôi là chiếc đòn gánh và đôi bồ đựng gạo. Ngày nghỉ bìa rừng tránh máy bay địch, đêm kĩu kịt vài chục cân gạo trên vai. Khi chiến trường bước vào giai đoạn ác liệt, cần chi viện một lượng lớn lương thực cho chiến dịch, chúng tôi phải gánh cả ngày lẫn đêm. Gian nan, vất vả thì không kể xiết nhưng không ai muốn nghỉ, không ai muốn mình tụt lại phía sau. Những chiếc quang gánh cùng “đôi chân vạn dặm” của người dân quê Thanh đã chi viện kịp thời cho bộ đội ta ăn no, đánh thắng”.

Ký ức Điện BiênCụ Nguyễn Đức Ngọc, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) kể cho cháu nghe về chiến dịch Điên Biên Phủ.

Nghe chuyện kể của các nhân chứng khi chưa từng trải qua những cung đường lên mặt trận Điện Biên, tôi chưa thể hình dung hết sức mạnh phi thường của đoàn quân “ngựa sắt”. Cho mãi tới tháng 3/2024, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mới được trải nghiệm những cung đường mà đoàn dân công xe thồ năm xưa đã vượt qua. Ai đã từng đứng trên đỉnh đèo Pha Đin nổi tiếng mới thấu được sự gian nan, khốc liệt mà những đoàn quân năm xưa từng trải qua. Đã 70 năm rồi, nhưng trong hồi ức của cụ Nguyễn Đức Ngọc, trưởng đoàn dân công xe thồ xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) vẫn hằn in từng dấu vết. Năm 1954, đội quân xe thồ của cụ Ngọc có nhiệm vụ lấy hàng từ Quảng Xương để vận chuyển lên Điện Biên. Tuyến đường xa 500 - 600km, địa hình hiểm trở, trong khi nhu cầu của chiến trường rất lớn và gấp rút nên đội quân của cụ phải rất khẩn trương. “Trong quá trình vận chuyển, mỗi người 1 xe thồ nhưng khi xuống dốc, phải có một người cầm lái, một người kéo xe lại và một người phía trước ghì tay lái xuống, không thì xe lao xuống vực thẳm. Lúc lên dốc, ngoài người cầm lái, người đẩy xe phải có một dây kéo phía trước mới vượt qua được. Cứ như vậy, tôi cùng đồng đội của mình âm thầm nhiều tháng tải lương ra mặt trận”, cụ Ngọc chia sẻ. Những bộ óc điều khiển chiến tranh “thông thái” của người Pháp không thể ngờ rằng Việt Nam đã đè bẹp được máy bay, xe tăng, chiếm “pháo đài bất khả xâm phạm” của chúng chỉ bằng sức người nhỏ bé và phương tiện thô sơ như vậy.

Chẳng ai quên bi thương và không chiến thắng nào không được lưu dấu. Trong trận chiến đấu giữa một bên là vũ khí tối tân hiện đại của kẻ thù với một bên chỉ có vũ khí thô sơ, sức người nhỏ bé, thế nhưng bằng ý chí sắt đá, lòng căm thù và tinh thần quả cảm, quân dân Thanh Hóa đã góp sức cùng quân, dân cả nước làm nên thắng lợi giòn giã. Những câu chuyện, những cảm xúc lúc cao trào hứng khởi, lúc trầm lắng nghẹn ngào nhưng vẫn còn vẹn nguyên hào khí. Tôi nhìn các cụ chợt hiểu, vì sao đất nước nhỏ bé này lại có thể làm nên những chiến công hiển hách đến thế. Thật không gì vĩ đại bằng tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc mình.

Bài và ảnh: Tố Phương

Tin liên quan:
  • Ký ức Điện Biên
    Kỷ niệm 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2021): Sống ...

    Đã 67 năm trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ qua những nhân chứng lịch sử và những kỷ vật gắn liền với cuộc chiến, được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

  • Ký ức Điện Biên
    Tháng 5 và ký ức Điện Biên Phủ

    Kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2019), những ngày này, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn hướng về Điện Biên Phủ. Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp nhiều nhất cả về sức người và sức của, là hậu phương lớn nhất chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.

  • Ký ức Điện Biên
    Ký ức Điện Biên như ngọn đèn soi rọi cuộc sống hôm nay

    Nhà thơ Vũ Quần Phương tên thật là Vũ Ngọc Chúc, sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]