(Baothanhhoa.vn) - Trong những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử, hòa cùng dòng chảy của lòng yêu nước, cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cách đây 74 năm, Đảng bộ huyện Như Xuân được thành lập, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân (25-8-1949 - 25-8-2023): Tiếp nối mạch nguồn, Đảng bộ Như Xuân vững bước phát triển

Trong những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử, hòa cùng dòng chảy của lòng yêu nước, cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cách đây 74 năm, Đảng bộ huyện Như Xuân được thành lập, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân (25-8-1949 - 25-8-2023): Tiếp nối mạch nguồn, Đảng bộ Như Xuân vững bước phát triểnThị trấn Yên Cát ngày càng phát triển xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Như Xuân. Ảnh: Minh Hiếu

Nhìn về lịch sử để thấy niềm tự hào cách mạng, 74 năm trước, cùng chung với sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cả nước, phong trào cách mạng ở Như Xuân đã đặt ra đòi hỏi khách quan là phải tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng. Trước yêu cầu đó, đầu tháng 8-1948, Tỉnh ủy đã tăng cường cho Như Xuân một đoàn cán bộ dân vận, do đồng chí Nguyễn Xuân Liêm phụ trách, nhằm tổ chức và củng cố lại các đoàn thể quần chúng. Cũng trong thời gian này, đồng chí Mai Xuân Đình và đồng chí Đỗ Kế Sức, hai người con ưu tú của quê hương Như Xuân, qua quá trình rèn luyện và được Khu ủy giáo dục, giúp đỡ, kết nạp vào Đảng, đây là 2 đảng viên đầu tiên của huyện Như Xuân; chuẩn bị cho sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Như Xuân vào tháng 8-1948.

Ngày 25-8-1949, được sự thống nhất của Tỉnh ủy, Khu ủy và Ban cán sự miền Tây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Đình Sằn, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Ban miền Tây, Chi bộ Như Xuân đã triệu tập đại hội đảng viên toàn huyện tại doanh trại của An toàn khu ở thôn Đồng Ớt, xã Yên Cát (nay là xã Hóa Quỳ). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Xuân Liêm được cử làm Bí thư Huyện ủy. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất là sự kiện chính trị đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện Như Xuân với 40 đảng viên, sinh hoạt ở 5 chi bộ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của Nhân dân các dân tộc trong huyện. Đảng bộ huyện Như Xuân ra đời là kết tinh truyền thống yêu nước, là mốc son lịch sử, bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng huyện nhà, đánh dấu bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng của phong trào cách mạng ở địa phương; là kết quả tất yếu của cuộc vận động cách mạng trên địa bàn huyện từ năm 1930 đến năm 1949. Từ đây, Nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân đã có Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự hy sinh đóng góp của Nhân dân huyện Như Xuân có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, tô thắm thêm truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần 10 nghìn con em các dân tộc trong huyện đã hăng hái lên đường chống giặc ngoại xâm, trong đó 1.546 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, 1.463 gia đình liệt sĩ, trong đó 84 gia đình có từ 2 liệt sĩ trở lên, 946 thương binh, bệnh binh đã anh dũng chiến đấu, nhiều người đã để lại nơi chiến trường một phần cơ thể; cùng với hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia phục vụ chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến đã góp phần xứng đáng cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thực hiện Nghị định 72-NĐ/CP của Chính phủ, từ ngày 18-11-1997 huyện Như Xuân cũ được chia tách thành 2 huyện Như Xuân và Như Thanh. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trải qua các kỳ đại hội, với ý chí cách mạng, các thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân Như Xuân luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau, cần cù, sáng tạo trong lao động, nỗ lực, cố gắng không ngơi nghỉ, trong nhiệm kỳ 2015-2020 vào ngày 7-3-2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 275/QĐ-TTg phê duyệt Như Xuân ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018-2020.

Tiếp nối mạch nguồn cách mạng với tinh thần “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra: “Phấn đấu đến năm 2025 đưa Như Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh".

Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng thời cơ thuận lợi, khó khăn thách thức, định hướng lãnh đạo phát triển bằng những chủ trương kế hoạch đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Trong nửa nhiệm kỳ qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Như Xuân đã cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, triển khai các chương trình, nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được quyết nghị tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII. Hiện đã có 7/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 8,91%, đạt 55,6% chỉ tiêu nghị quyết, trong nhóm các huyện có mức tăng trưởng cao của các huyện miền núi... Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40,12 triệu đồng, tăng 7,61 triệu đồng so với năm 2020, đạt 66,8% mục tiêu nghị quyết.

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đang tiếp tục quá trình tái cơ cấu nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tập trung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như cam, chè, xoài keo; quy hoạch, định hướng vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, chè, gai xanh trên địa bàn. Toàn huyện đã có 1.323,5 ha cây ăn quả, trong đó có 5 vùng trồng cây ăn quả tập trung (quy mô liền vùng trên 10 ha); có 125 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng VietGAP, 300 ha ứng dụng công nghệ tưới hiện đại. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, gia trại, có nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân ra diện rộng. Lâm nghiệp chuyển biến tích cực cả về trồng rừng, quản lý, khoanh nuôi, tái sinh rừng, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 70%, đạt mục tiêu nghị quyết.

Chương trình XDNTM có nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả tích cực. Đến nay toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM, đạt 62,5% mục tiêu nghị quyết; 54 thôn đạt chuẩn NTM, đạt 81,8% nghị quyết; 2 thôn đạt NTM kiểu mẫu, đạt 100% nghị quyết; có 12 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, nâng tổng số lên 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP toàn huyện.

Công nghiệp - xây dựng đạt nhiều kết quả tích cực. Tập trung triển khai hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào huyện; đã khởi công xây dựng 196 công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng 108 công trình. Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 78%, đạt 97,5% mục tiêu nghị quyết. Toàn huyện có 212 doanh nghiệp và 81 HTX, trong nửa nhiệm kỳ đã thành lập mới 71 doanh nghiệp và 18 HTX.

Việc triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá trên lĩnh vực kinh tế - xã hội đã tạo được động lực cho sự phát triển trong việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm thực hiện. Giáo dục - đào tạo có sự chuyển biến tích cực; công tác giải quyết việc làm và an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đặc biệt đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm giai đoạn 2021-2022 giảm 3,1%, vượt 0,1% mục tiêu nghị quyết, là huyện đầu tiên của tỉnh và trong 8 huyện đầu tiên của cả nước thoát khỏi huyện nghèo 30a.

Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm và xây dựng Đảng là then chốt, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện với quyết tâm cao và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tiếp tục, kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, qua đó kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Như Xuân đã kết nạp 362 đảng viên mới, đạt 65% mục tiêu nghị quyết. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, có hiệu lực, hiệu quả.

74 năm một chặng đường lịch sử ghi dấu ấn biết bao mồ hôi, công sức và cả xương máu của các thế hệ cán bộ, đảng viên và con em các dân tộc ở Như Xuân đã bền gan, vững chí trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đấu tranh với thiên tai, địch họa để bảo vệ và xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh. Các thế hệ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Như Xuân hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, hun đúc thêm mạch nguồn ý chí cách mạng tiến công để viết tiếp trang sử vẻ vang và làm cao dày lên những thành tích của Đảng bộ huyện. Tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương... xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là các lĩnh vực, các ngành có lợi thế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy phát triển nông - lâm nghiệp làm nền tảng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, quy mô phù hợp, giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường và xây dựng thương hiệu của địa phương. Tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả, đưa Như Xuân trở thành một trong những trung tâm trồng cây ăn quả lớn nhất của tỉnh; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, phát triển vườn mẫu, xây dựng Như Xuân phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc”... gắn với việc truyền cảm hứng, khơi dậy ý thức khát vọng vươn lên của Nhân dân trong giảm nghèo và XDNTM.

Tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường và không ngừng đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Như Xuân sẽ hiện thực hóa được khát vọng trở thành một trong những huyện dẫn đầu ở khu vực miền núi của tỉnh Thanh.

Lương Thị Hoa

Bí thư Huyện ủy Như Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]