(Baothanhhoa.vn) - Xuất khẩu nông sản và sản xuất công nghiệp được cho là 2 trong các lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với những giải pháp vượt khó hiệu quả của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (BQL KKTNS&CKCN) tỉnh và chính các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì mạch ổn định. Cùng với đó, thu hút đầu tư cũng có nhiều tín hiệu vui mà không bị “đóng băng” theo dịch bệnh.

Vượt “bão COVID-19”, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phát triển ổn định

Xuất khẩu nông sản và sản xuất công nghiệp được cho là 2 trong các lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với những giải pháp vượt khó hiệu quả của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (BQL KKTNS&CKCN) tỉnh và chính các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì mạch ổn định. Cùng với đó, thu hút đầu tư cũng có nhiều tín hiệu vui mà không bị “đóng băng” theo dịch bệnh.

Vượt “bão COVID-19”, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phát triển ổn địnhCông nhân Công ty TNHH KH Vina (có vốn đầu tư từ Hàn Quốc) tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn trong ca sản xuất.

Thử thách trên nhiều lĩnh vực sản xuất

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội từ đầu tư, y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại... Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại KKTNS&CKCN cũng ảnh hưởng nặng nề. Thông tin từ BQL KKTNS&CKCN tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng, như: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó do giá xăng, dầu giảm; Công ty CP Gang thép Nghi Sơn và các doanh nghiệp sản xuất xi măng... công suất hoạt động không đạt kế hoạch đề ra do thị trường tiêu thụ chậm, khó khăn trong việc xuất khẩu, nhập khẩu các nguyên, vật liệu. Các doanh nghiệp giày da, may mặc bị ảnh hưởng bởi thời gian thông quan kéo dài do thực hiện kiểm tra y tế nghiêm ngặt ở cả khâu xuất khẩu và nhập khẩu nên việc nhập khẩu nguyên, vật liệu chậm không kịp cho hoạt động sản xuất.

Một số doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ vùng dịch nhiều thời điểm thiếu nguyên liệu dẫn đến công suất không đạt theo yêu cầu hoặc phải giảm công suất hoạt động do không kịp nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy, các doanh nghiệp phải phân công ca làm việc luân phiên cho người lao động, hoặc cắt giảm lao động, đồng thời phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực khai thác cảng biển do bị hạn chế việc vận chuyển xuất nhập khẩu làm sụt giảm doanh thu. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hải sản gặp khó khăn về nguyên liệu chế biến do các tàu thuyền cũng giảm đánh bắt, điển hình như: Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, Công ty CP Thương mại, Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải đã bị bạn hàng một số nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... dừng và hủy hợp đồng. Các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng tiêu thụ sản phẩm, do một số dự án xây dựng giảm tiến độ, điển hình như: Công ty CP Xi măng Công Thanh, Công ty CP Trường Sơn, Công ty Gạch tuynel Trường Lâm... Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn cũng gặp thử thách không nhỏ do việc hạn chế nhập cảnh, đi lại, kéo theo hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn, nhà hàng ăn uống của các doanh nghiệp giảm doanh thu, phải hoạt động cầm chừng, dừng hoạt động, người lao động bị cắt giảm việc làm, như: Công ty TNHH Đầu tư Nghi Sơn Việt Nam, Công ty CP Đầu tư dịch vụ và Du lịch Nghi Sơn, Công ty CP Semec Nghi Sơn...

Nhiều giải pháp hỗ trợ và khắc phục kịp thời

Hơn 1 năm qua, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, đồng thời ban hành nhiều văn bản triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vực dậy sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều chính sách, văn bản như: Hướng dẫn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 hoàn thiện hồ sơ thủ tục để được hỗ trợ về các chính sách thuế, trả lương ngừng việc đối với người lao động, chậm nộp bảo hiểm xã hội, đóng kinh phí công đoàn theo Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ.

Để giải quyết tình trạng thiếu lao động tay nghề cao, chuyên gia nước ngoài, BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh và thị xã Nghi Sơn, tổ chức hỗ trợ nhập cảnh, cách ly cho gần 1.000 chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ giải quyết việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Đặc biệt năm 2020, BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương liên quan về việc xem xét, tạo điều kiện cho 104 chuyên gia người nước ngoài được nhập cảnh thực hiện việc thay chất xúc tác Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Gần đây nhất, trong quý I-2021, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho 97 chuyên gia nước ngoài vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo định kỳ nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.

BQL KKTNS&CKCN tỉnh còn phối hợp với công đoàn ban và Công ty Honda Việt Nam, tổ chức phát 30 nghìn khẩu trang miễn phí cho công nhân tại các KCN, góp phần bảo đảm an toàn sản xuất.

Xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào KKTNS&CKCN tỉnh được tỉnh Thanh Hóa coi là nhiệm vụ quan trọng trong nhiều năm qua. Theo đó, BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã chủ động tiếp cận các nhà đầu tư, tận dụng cơ hội trong thu hút đầu tư FDI, tranh thủ các điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc xin nhập cảnh các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, BQL KKTNS&CKCN tỉnh không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư thuận lợi của KKTNS&CKCN đến các thị trường nước ngoài. Các đối tác trọng điểm tại: Đài Loan, Hồng Kông, CHLB Đức, châu Âu, Hoa Kỳ, Đông Nam Á, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... được ban chú trọng mời gọi đầu tư. BQL KKTNS&CKCN tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời, xây dựng, củng cố mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân của Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức, cá nhân của nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư để quảng bá hình ảnh, tiềm năng và các cơ hội đầu tư của KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng được triển khai một cách hiệu quả bằng việc hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh và các nhà thầu quốc tế triển khai xây dựng dự án. Phương pháp tiếp cận các nhà đầu tư theo hướng chủ động gửi thư mời và hẹn gặp gỡ làm việc, làm việc trực tuyến đã được BQL KKTNS&CKCN tỉnh triển khai hiệu quả.

Thu hái nhiều kết quả khả quan

Thống kê từ BQL KKTNS&CKCN tỉnh, tổng giá trị sản xuất, kinh doanh quý I-2021 của các doanh nghiệp trên địa bàn các KKT, KCN của tỉnh đạt khoảng 48.574,52 tỷ đồng, bằng 95% so với cùng kỳ. Trong đó, KKTNS 33.923 tỷ đồng, các KCN 14.651,52 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có vai trò lớn trong sản xuất công nghiệp, như: sắt thép, xi măng, sản phẩm từ lọc hóa dầu... vẫn duy trì sản lượng khá ổn định. Tại thời điểm trung tuần tháng 5 này, Nhà máy TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn vận hành đồng bộ, cho ra những dòng sản phẩm theo kế hoạch. Nhiều dự án lớn tại KKTNS cũng duy trì công suất, bảo đảm giá trị sản xuất cũng như doanh thu và việc làm cho người lao động. Đơn cử như trong 3 tháng đầu năm, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt doanh thu 24.562 tỷ đồng. Công ty CP Gang thép Nghi Sơn đạt giá trị sản xuất 1.838 tỷ đồng, Công ty Xi măng Nghi Sơn giá trị sản xuất 1.357 tỷ đồng, Công ty Xi măng Công Thanh đạt 1.263 tỷ đồng...

Tính đến thời điểm hiện tại, KKTNS&CKCN tỉnh đang có 411 doanh nghiệp hoạt động; trong đó, KKTNS 105 doanh nghiệp, các KCN 306 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, dự án đang giải quyết việc làm cho gần 96.800 lao động; trong đó, KKTNS 33.891 lao động, các KCN 62.880 lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Hoạt động đối ngoại và thu hút đầu tư vào KKTNS&CKCN tỉnh đạt được những kết quả khả quan, nhất là trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, KKTNS&CKCN đã tiếp và làm việc với 9 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và hàng chục đoàn nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KKTNS&CKCN của tỉnh. Ban đã tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh ký 2 biên bản ghi nhớ, gồm: Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn AVG Capital Partners về triển khai dự án tổ hợp chế biến thịt lợn, ký kết Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty CP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu về Dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung bộ và xây dựng hạ tầng KCN số 6 tại KKTNS.

Cùng với đó, trong 5 tháng đầu năm, BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư mới 11 dự án; trong đó, có 8 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 209,685 tỷ đồng và 3 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 7,6 triệu USD.

Với những thành quả vượt khó, KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh vẫn đang phát triển ngày càng lớn mạnh. Các doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh bình thường, bởi những thử thách phát sinh phần lớn đã được tiết chế, có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]