(Baothanhhoa.vn) - Chỉ cần 1 người lao động dương tính với COVID-19, chắc chắn doanh nghiệp phải dừng sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ gây thiệt hại to lớn, nhất là phải hủy hợp đồng cung cấp sản phẩm đã ký với các đối tác. Cùng với thực hiện những khuyến cáo, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như tỉnh Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã “tự cứu mình” trước dịch bệnh với phương châm “3 tại chỗ”.

Nhiều doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn thực hiện phương châm “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, kinh doanh trong đại dịch

Chỉ cần 1 người lao động dương tính với COVID-19, chắc chắn doanh nghiệp phải dừng sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ gây thiệt hại to lớn, nhất là phải hủy hợp đồng cung cấp sản phẩm đã ký với các đối tác. Cùng với thực hiện những khuyến cáo, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như tỉnh Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã “tự cứu mình” trước dịch bệnh với phương châm “3 tại chỗ”.

Nhiều doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn thực hiện phương châm “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, kinh doanh trong đại dịchNhà máy luyện cán thép Nghi Sơn vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định trong những tháng đầu năm.

Phương châm “3 tại chỗ” được hiểu là, doanh nghiệp tổ chức cho người lao động ăn tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ và sản xuất tại chỗ. Đi đầu trong thực hiện phương châm này phải kể đến Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1, đóng tại xã Hải Hà, thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn. Xác định tầm quan trọng trong việc duy trì sản xuất, ngay từ những đợt dịch bệnh COVID-19 đầu tiên vào năm 2020, công ty đã tổ chức ăn ở tại chỗ cho các chuyên gia, kỹ sư, người lao động. Hằng ngày, công ty có xe ca đưa đón kỹ sư, người lao động từ các tòa nhà của khu chung cư tập trung tại phường Trúc Lâm đến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 ở xã Hải Hà và ngược lại. Trong quá trình ăn ở tại đây, người lao động không được ra ngoài, nếu có nhu cầu mua các đồ dùng cá nhân, nhu yếu phẩm, sẽ đăng ký qua một bộ phận nhà bếp. Những đợt cao điểm dịch bệnh, một số kỹ sư, người lao động quê ở thị xã Nghi Sơn gần đó cũng được bố trí ở chung cư thay vì về nhà. Nhờ đó, những đợt cao điểm dịch bệnh trong suốt nhiều tháng qua, công ty vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì sản xuất bình thường các tổ máy theo đúng công suất.

Một cơ sở sản xuất lớn khác là Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn cũng tổ chức nơi ăn ở và sinh hoạt tại chỗ cho những công nhân ở xa ngay tại công ty. Doanh nghiệp chủ quản là Công ty CP Gang thép Nghi Sơn còn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho công nhân để chủ động tầm soát dịch bệnh ngay từ đầu. Với việc duy trì sản xuất ổn định ngay trong thời điểm khó khăn, tính từ đầu năm đến giữa tháng 7 vừa qua, nhà máy đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 785 tỷ đồng.

Với gần 1.000 công nhân, lại ký kết được các hợp đồng sản xuất đến hết năm 2021, việc duy trì sản xuất của Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương tại Khu Kinh tế Nghi Sơn có ý nghĩa sống còn với công ty. Từ giữa tháng 6-2021 đến nay, công ty đã trưng dụng một nhà xưởng để bố trí nơi ăn ở của công nhân theo phương châm “3 tại chỗ” cho hơn 120 công nhân là người tỉnh ngoài. Đối với công nhân là người địa phương, công ty bố trí xe đưa đón, yêu cầu công nhân ký cam kết thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm”, tức chỉ từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, khi về nhà không đi ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người nếu không thực sự cần thiết. Chị Nguyễn Thị Phương, quê tỉnh Nghệ An, cho biết: Chúng tôi được bố trí ăn ở tại công ty từ ngày 19–6-2021 đến nay. Chế độ ăn uống bảo đảm, nơi ở khá thoải mái. Đây cũng là điều mà nhiều người Nghệ An làm việc tại đây mong muốn vì những tháng vừa qua, bên phía tỉnh nhà tình hình dịch bệnh phức tạp hơn nên đi buổi về cũng không an tâm. Chúng tôi thật lòng cảm ơn công ty đã tạo điều kiện để chúng tôi vẫn có việc làm đều trong mùa dịch, bảo đảm an toàn cho bản thân, lại duy trì thu nhập ổn định. Anh Hoàng Đức Chung, Phó Phòng Hành chính Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Đại Dương, chia sẻ: Công ty có phương án dự phòng 3 phân xưởng làm chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt tại chỗ cho 600 công nhân khi tình hình dịch bệnh phức tạp. Ngoài thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, công ty cũng tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế nên nhiều tháng qua, đơn vị đã duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, thu nhập của người lao động không bị ảnh hưởng.

Được biết, Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện đã thu hút được 270 dự án đầu tư, với hơn 33.000 lao động làm việc thường xuyên, trong đó có hàng nghìn lao động không phải là người địa phương. Do vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã sớm chuẩn bị cơ sở vật chất như: Bố trí thêm nơi ở, dự trữ lương thực, tổ chức đủ 3 bữa ăn trong ngày cho những lao động ngay tại đơn vị, tăng số lượng xe ô tô đưa đón để thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm” nhằm tránh việc người lao động đi xe công cộng, tự đi và tiếp xúc nhiều nơi... Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn đảm bảo cho cán bộ, nhân viên, người lao động có thể làm việc liên tục, doanh nghiệp không bị đứt gãy sản xuất.

Nói về phương châm “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Huy Công, quản lý cơ sở vật chất Công ty TNHH Peci Việt Nam tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, cho rằng: Phương châm “3 tại chỗ” sẽ tăng một phần chi phí sản xuất nhưng không quá lớn. Đổi lại nó rất cần thiết và quan trọng cho cộng đồng cũng như cho chính doanh nghiệp. Ổn định sản xuất còn quan trọng hơn nhiều vì nó quyết định cả tương lai của công ty lẫn việc làm và thu nhập của người lao động nên chúng tôi vẫn ưu tiên phương án chống dịch lên hàng đầu.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]