(Baothanhhoa.vn) - Trong lộ trình phát triển kinh tế, tỉnh Thanh Hóa định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp. Các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, năng lượng... cũng đã được hoạch định trở thành những ngành trọng yếu, tạo đột phá cho mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh.

Kỳ vọng những dự án đột phá ngành công nghiệp

Trong lộ trình phát triển kinh tế, tỉnh Thanh Hóa định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp. Các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, năng lượng... cũng đã được hoạch định trở thành những ngành trọng yếu, tạo đột phá cho mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh.

Kỳ vọng những dự án đột phá ngành công nghiệp

Toàn cảnh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Sau khi đi vào vận hành thương mại, đến nay Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cho ra đời hàng chục triệu tấn sản phẩm các loại. Sự góp mặt của 7 sản phẩm lọc hóa dầu và các sản phẩm dầu ăn Nghi Sơn, thép Nghi Sơn, đã nâng tổng số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa lên con số 31, đưa giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN), chỉ số SXCN của tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng ngoạn mục. Trong đó, năm 2019, SXCN tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, đạt 126.085 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực lên mọi mặt kinh tế toàn cầu và đất nước, nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng công nghiệp 12,3% so với cùng kỳ, đóng góp quan trọng vào chỉ số tăng trưởng GRDP của tỉnh. Hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tới 30 - 40% giá trị SXCN toàn tỉnh và đang hứa hẹn tiếp tục là nền tảng, lực hút cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ tiếp tục phát triển.

Cùng với công nghiệp lọc hóa dầu, Thanh Hóa cũng được định hướng trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng của khu vực miền Bắc. Ngoài Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đi vào hoạt động tháng 9-2015, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các nhà đầu tư tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Dự án do liên doanh Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đầu tư theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với 2 tổ máy, tổng công suất 1.230 MW; tổng vốn đầu tư của dự án là 2,793 tỷ USD. Tháng 7 vừa qua, tổng thầu Doosan, các đơn vị tham gia thi công và chủ đầu tư đã phối hợp tiến hành đóng điện ngược thành công từ lưới điện 22kV Nghi Sơn (Thanh Hóa). Đại diện nhà thầu thi công cho biết: Việc đóng điện thành công bảo đảm nguồn điện ổn định hơn, chất lượng cao hơn phục vụ công tác chạy thử các hạng mục và thiết bị quan trọng, bắt đầu công tác thử nghiệm vận hành đơn động, liên động các thiết bị đã hoàn thành lắp đặt. Đây cũng là bước tiến quan trọng để hướng đến mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu vào tháng 1-2021 và đưa toàn bộ tổ máy đi vào vận hành trong năm 2022 theo đúng tiến độ.

Hiện nay, Sở Công Thương đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất quy hoạch thêm tổng dung lượng khoảng 6.230 MW các dự án nguồn điện để bổ sung cho quy hoạch phát triển năng lượng, với một số dự án lớn, thân thiện với môi trường, như: Trung tâm điện - khí LNG Nghi Sơn 4.800 MW (2 giai đoạn); các dự án điện gió với tổng công suất 300 MW; các dự án điện mặt trời với tổng công suất 780 MW tại các huyện Ngọc Lặc, Yên Định, Như Thanh, Nông Cống, Thiệu Hóa... Các dự án này được phê duyệt và đi vào hoạt động sẽ hiện thực hóa quy hoạch, khẳng định vị thế phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh Thanh, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Để nâng cao giá trị ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, chú trọng phát triển chiều sâu, tạo bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh nhằm khai thác tối đa lợi thế của tỉnh trong mạng lưới sản xuất vùng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tập trung phát triển mạnh các ngành: lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, năng lượng, chế biến nông sản thực phẩm và một số ngành hàng tiêu dùng, xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp quy mô lớn, đầu tàu về sản xuất thành phẩm. Phối hợp với các tổ chức xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp để quảng bá các lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là về các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh. Ban hành danh mục các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, hợp tác, đa dạng hóa các ngành công nghiệp có lợi thế.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]