(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ nổi tiếng với vùng chuyên canh ổi lê lớn bậc nhất tại tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, xã Thành Tâm (Thạch Thành) còn gây dựng và phát triển được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Tại vùng quê bán sơn địa với hệ thống những quả đồi bát úp thoai thoải này, chủ các mô hình là thanh niên bản địa đang nổi lên thành những điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.

Xây dựng và phát triển mô hình khởi nghiệp ở xã Thành Tâm

Không chỉ nổi tiếng với vùng chuyên canh ổi lê lớn bậc nhất tại tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, xã Thành Tâm (Thạch Thành) còn gây dựng và phát triển được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Tại vùng quê bán sơn địa với hệ thống những quả đồi bát úp thoai thoải này, chủ các mô hình là thanh niên bản địa đang nổi lên thành những điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.

Xây dựng và phát triển mô hình khởi nghiệp ở xã Thành TâmTrang trại nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Nghìn, thôn Yên Thịnh, xã Thành Tâm.

Chủ tịch UBND xã Thành Tâm Hoàng Công Nam dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá lồng trên hồ Giếng Ấm. Dưới khu hồ rộng nằm giữa các ngọn đồi thuộc thôn Tân Lý, 6 lồng nuôi cá cỡ lớn, với tổng diện tích hàng trăm m2. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ một phần vốn đầu tư từ năm 2019, được anh Trần Ngọc Quảng – người dân địa phương đứng ra đầu tư đối ứng, tiếp nhận và phát triển mô hình. Sau khi được hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật, người chủ mô hình sinh năm 1983 đã nhanh chóng “chiếm lĩnh” được các kiến thức mới để nuôi thả nhiều loài cá nước ngọt chưa từng được nuôi tại địa phương trước đó. Ngoài cá rô phi đơn tính, anh Quảng tập trung nuôi thả những loài có giá trị như cá lăng, cá vược, cá trắm ốc.

Những vụ gần đây, căn cứ vào nhu cầu thị trường, anh Quảng dành 4 lồng để nuôi cá rô phi đơn tính, cho sản lượng khoảng 12 tấn/lứa, mỗi năm luân canh 2 lứa. Lồng nuôi cá lăng cũng cho trọng lượng từ 2 đến 3 kg mỗi con, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 4 tấn. Lồng còn lại được anh dành cho nuôi thâm canh cá vược. Ngoài ra, toàn khu hồ rộng lớn nhiều héc–ta được anh đấu thầu để thả cá trắm ốc, cá trắm cỏ theo hướng quảng canh bán tự nhiên. Riêng sản phẩm cá lăng nuôi tại hồ, luôn được các thương lái và chủ các nhà hàng trong huyện về đặt tiền từ trước chờ ngày thu mua, với giá dao động từ 80 đến 120 nghìn đồng/kg. Ngoài hơn 70 tấn cá các loại thu hoạch mỗi năm, anh Quảng còn tận dụng lợi thế khu vực triền đồi quanh hồ để phát triển các đàn ong, chăn nuôi lợn cỏ và gà theo hình thức bán hoang dã. Mạnh dạn khởi nghiệp ngay tại quê nhà, anh Quảng đã gặt hái được những thành công, giúp kinh tế gia đình trở nên khá giả.

Tại thôn Yên Thịnh cùng xã, thanh niên Nguyễn Thị Thu Nghìn cũng khá thành công trong phát triển trang trại nuôi chim bồ câu Pháp. Tận dụng diện tích vườn đồi của gia đình, từ năm 2018, vợ chồng chị Nghìn đã xây dựng khu chuồng trại mái tôn và các dãy lồng nuôi chim theo hình thức công nghiệp. Giữa vùng đồi bao la thoáng đãng, những lứa chim lớn nhanh, cho thu nhập không ngờ. Theo bà chủ sinh năm 1986, lúc cao điểm, khu nuôi 1.000m2 này phát triển tới 9.000 đôi chim bố mẹ. Liên tục đẻ trứng và ấp nở chim con, mỗi tháng, gia đình đều xuất bán từ 300 đến 400 đôi chim non và thu nhập từ 45 đến 60 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể số chim non còn lại được nuôi lớn để bán chim giống bố mẹ. Do đấu mối thị trường tốt, nên toàn bộ số chim non đều được xuất bán cho hệ thống cung ứng nhà hàng tại Hà Nội, chưa bao giờ có tình trạng ế hàng. Để tăng thu nhập từ mô hình, toàn bộ mái tôn từ mô hình được lắp điện năng lượng mặt trời áp mái.

Từ sự thành công của mô hình nuôi chim bồ câu này, tại thôn Yên Thịnh đã có 5 hộ phát triển những mô hình tương tự. Tiếp cận xu thế chăn nuôi hiện đại, các hộ đã liên kết để thành lập HTX chăn nuôi và sản xuất Duy Đạt, chuyên phát triển hệ thống trang trại nuôi chim bồ câu Pháp và giao dịch, xuất bán bồ câu thương phẩm. Khi các mô hình có sự liên kết, đã tạo được sức mạnh cạnh tranh trong liên kết tiêu thụ cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi.

Thống kê từ UBND xã Thành Tâm, toàn xã có gần 2.000 ha đất nông nghiệp, trong đó phần lớn là diện tích đất đồi thoai thoải rất màu mỡ, thuận lợi cho phát triển các mô hình trồng cây ăn quả như mít Thái, thanh long, dứa gai, ổi lê... Trong số đó, có nhiều mô hình của các thanh niên khởi nghiệp thành công tại quê nhà. Tính riêng năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Nhân dân trong xã đã đầu tư trồng mới và chăm sóc tốt cho 284,3 ha cây ăn quả, trong đó hơn 118 ha dứa gai, hơn 38 ha thanh long, 60 ha ổi lê, hơn 21 ha bưởi, hơn 36 ha mít, gần 6 ha cam... Xã đã vận động các chủ mô hình hợp tác để thành lập HTX ổi lê Thành Tâm để liên kết sản xuất sạch và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm ổi lê Thành Tâm đã được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa vào năm 2021, hiện được bày bán tại các chuỗi siêu thị trong tỉnh và bán lẻ đi nhiều tỉnh khác qua các chuỗi cung ứng.

Từ sự phát triển của các mô hình kinh tế nói chung, các mô hình khởi nghiệp nói riêng, đã góp phần đưa xã Thành Tâm trở thành địa phương có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất tại huyện miền núi Thạch Thành, với mức gần 60 triệu đồng/người/năm.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]