(Baothanhhoa.vn) - Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thường Xuân, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã có cuộc sống khá giả nhờ được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thường Xuân, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã có cuộc sống khá giả nhờ được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao độngTừ nguồn tiền XKLĐ, giúp anh Vũ Văn Cường ở xã Xuân Dương (Thường Xuân) có vốn đầu tư mua bò, trồng mía phát triển kinh tế gia đình.

Xác định XKLĐ là một trong những giải pháp vừa giải quyết việc làm vừa xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, huyện Thường Xuân đã chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ lao động là hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Vì vậy, ngày càng có nhiều lao động trên địa bàn tham gia xuất ngoại. Số lao động này khi trở về, không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những hộ giàu, hộ khá, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 25,32% (năm 2021), xuống còn 21,14% (cuối năm 2022). Đóng góp vào kết quả giảm nghèo của huyện, có vai trò của ngân hàng CSXH trong việc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách và người có đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ dự án được tiếp cận gói vay ưu đãi đi XKLĐ.

Trong ngôi nhà 2 tầng đầy đủ tiện nghi, anh Phạm Đức Thuyên ở thôn Xuân Thịnh, xã Xuân Dương phấn khởi cho biết: Ngôi nhà này được làm là kết quả lần 1 tôi đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Rồi anh trải lòng, nếu không tham gia XKLĐ, bây giờ cả gia đình tôi với 2 vợ chồng và 2 đứa con chắc vẫn còn ở trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, kém an toàn. Kinh tế gia đình chắc chắn vẫn còn khó khăn vì ngoài làm nghề nông, chúng tôi không có nghề gì để kiếm thêm thu nhập. Khi nghe cán bộ xã tuyên truyền về hiệu quả của XKLĐ và Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi với số tiền 100 triệu đồng, tôi đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học tiếng Hàn Quốc tại Hà Nội, tháng 11-2010, tôi được xuất cảnh sang Hàn Quốc và làm việc trong trang trại chăn nuôi với mức thu nhập 30 – 35 triệu đồng/tháng. Hết thời hạn hợp đồng với thời gian 4 năm 10 tháng, tôi về nước với số tiền dành dụm, tích cóp được hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này, tôi dùng mua đất và làm nhà vào năm 2015. Làm nhà xong, tôi đăng ký đi tiếp lần 2 vì muốn kiếm ít vốn, sau này về quê làm ăn. Năm 2016, tôi xuất cảnh và sau 5 năm 10 tháng, tôi hết hợp đồng về nước dịp tháng 4-2022. Số tiền tích cóp của lần đi này tôi dành đầu tư mở gian hàng kinh doanh thuốc thú y vì đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi. Tôi đang cải tạo lại ngôi nhà cấp 4 cũ của gia đình để nhập thuốc về cung ứng cho bà con.

Cùng thôn còn có gia đình anh Vũ Văn Cường cũng tham gia XKLĐ tại Hàn Quốc. Anh Cường cho biết: Năm 2014 được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân cho vay vốn ưu đãi dành cho XKLĐ với số tiền 100 triệu đồng. Từ nguồn tiền này đã giúp anh có cơ hội sang Hàn Quốc lao động theo hợp đồng. Sau 4 năm 10 tháng làm việc trong lĩnh vực chăn nuôi, với mức thu nhập 30 - 35 triệu đồng/tháng anh về nước năm 2019 và có số vốn trên 1 tỷ đồng. Từ nguồn đi XKLĐ cộng với kinh nghiệm chăn nuôi học được ở nước bạn, anh quyết định đầu tư làm kinh tế tại quê nhà bằng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi bò, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho XKLĐ, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân Lê Thanh Sơn cho biết: Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân đã giải ngân cho 189 lao động là hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận gói vay ưu đãi đi XKLĐ với số tiền giải ngân là 9,3 tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường XKLĐ đóng băng vì các nước tạm dừng tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bước sang năm 2022, XKLĐ sôi động trở lại, số lao động được vay vốn qua kênh của Ngân hàng CSXH huyện tham gia XKLĐ là 122 lao động, với số tiền giải ngân là 5,2 tỷ đồng. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đi XKLĐ, nhiều hộ đã thoát được nghèo, cận nghèo và trở lên khá giả. Đặc biệt, việc đi XKLĐ đã có sức lan tỏa, tạo thành phong trào, không chỉ đưa huyện Thường Xuân trở thành địa phương có phong trào tham gia XKLĐ tốt của các huyện miền núi, mà còn góp phần vào thành tích chung trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]