(Baothanhhoa.vn) - Với tinh thần xung kích, lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ, trong những năm qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Lang Chánh đã tích cực thi đua phát triển kinh tế với nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp sức vào sự phát triển của địa phương.

Tuổi trẻ huyện Lang Chánh thi đua phát triển kinh tế

Với tinh thần xung kích, lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ, trong những năm qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Lang Chánh đã tích cực thi đua phát triển kinh tế với nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp sức vào sự phát triển của địa phương.

Tuổi trẻ huyện Lang Chánh thi đua phát triển kinh tếMô hình chăn nuôi gà của thành viên HTX Hán Sơn Dương cho thu nhập cao.

Trên cơ sở tập hợp các ĐVTN giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, năm 2018 HTX chăn nuôi gà Hán Sơn Dương được thành lập. Anh Phạm Hồng Sơn, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi gà Hán Sơn Dương, cho biết: Năm 2017, sau nhiều lần đi tìm hiểu phương thức, mô hình chăn nuôi gà thịt trong và ngoài tỉnh, xét thấy địa hình và khí hậu địa phương thích hợp với nuôi giống gà lai chọi và gà ri lai, tôi cùng hai người bạn là Lương Văn Dương và Lê Văn Hán đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, nuôi và cung ứng giống gà này. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào chăn nuôi nên đàn gà lớn nhanh, phát triển ổn định, bảo đảm tiêu chuẩn về con giống, chất lượng thịt. Từ thành công bước đầu, năm 2018 tôi cùng hai người bạn đã kêu gọi và tập hợp những ĐVTN trong huyện có chung ý chí phấn đấu phát triển kinh tế thành lập HTX. Ban đầu HTX có 7 thành viên, đến nay HTX đã có 14 thành viên. Mỗi thành viên có từ 1 - 2 trang trại đóng tại các xã như Giao Thiện, Giao An, thị trấn với quy mô từ 2.000 - 3.000 gà thịt/trang trại.

Cùng với mô hình nuôi gà thịt của HTX Hán Sơn Dương, mô hình trồng keo của thanh niên Phạm Văn Diện ở làng Viên, xã Giao An với quy mô 8 ha cũng là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của ĐVTN huyện Lang Chánh. Hay như mô hình chăn nuôi gà và sản xuất đồ gỗ của thanh niên Lò Văn Doãn ở bản Vặn, xã Yên Thắng; cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 7 lao động địa phương. Mô hình trồng cây ăn quả và rau sạch sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động của thanh niên Vi Văn Bình, thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc, mỗi năm thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng...

Theo đồng chí Lê Minh Châu, Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh, những năm qua, ĐVTN trên địa bàn huyện luôn ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vừa tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển gia trại, trang trại và sản xuất kinh doanh. Ðến nay, đã giải ngân trên 56 tỷ đồng cho 1.224 hộ gia đình ĐVTN vay với lãi suất ưu đãi. Cùng với đó, thực hiện Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” theo Quyết định số 3815/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong năm 2020 và 2021, toàn huyện có 5 mô hình khởi nghiệp của ĐVTN được vay vốn ưu đãi từ chương trình với tổng dư nợ 800 triệu đồng. Ngoài ra, hằng năm, các cấp bộ đoàn trong huyện còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, xây dựng gia trại, trang trại, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho hàng trăm ĐVTN.

Từ sự quan tâm của các cấp bộ đoàn cùng với ý chí, sự quyết tâm của mỗi ĐVTN nên tại nhiều cơ sở đoàn trên địa bàn huyện, ĐVTN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản suất nông nghiệp, phát triển kinh tế dịch vụ, ngành nghề truyền thống của địa phương. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giúp bộ mặt nông thôn tại nhiều vùng quê trên địa bàn huyện đổi thay. Qua thống kê, ngoài những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, hiện nay trên địa bàn huyện Lang Chánh có 25 mô hình phát triển kinh tế quy mô lớn của ĐVTN, cho thu nhập từ 70 triệu đồng/năm trở lên và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Có thể thấy, tuy còn nhiều khó khăn, song phong trào thi đua phát triển kinh tế của ĐVTN trên địa bàn huyện Lang Chánh đang từng bước đi vào chiều sâu, tạo ra những hiệu quả nhất định. Thay vì phải đi làm ăn xa, nhiều ĐVTN đã lựa chọn và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đặc biệt, nhiều ĐVTN là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại thu nhập cao, mở ra hướng làm giàu mới. Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Huyện đoàn Lang Chánh xác định tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên trên địa bàn. Trong đó có việc giúp ĐVTN về vốn, khoa học - kỹ thuật và xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế, để tổ chức đoàn thực sự đồng hành cùng với thanh niên, “tiếp lửa” cho ĐVTN trên con đường lập thân, lập nghiệp, vì sự phát triển chung của huyện nhà.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]