(Baothanhhoa.vn) - Người sản xuất nông sản theo hướng an toàn với chi phí sản xuất cao hơn nhưng thường khó cạnh tranh về giá với sản phẩm canh tác đại trà không được kiểm soát. Người tiêu dùng luôn mong muốn có những thực phẩm là nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng chưa hẳn đã mua được sản phẩm sạch đúng nghĩa. Trong “ma trận” thực phẩm sạch - “bẩn” lẫn lộn, đặt ra vấn đề hỗ trợ để xây dựng các chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn thực sự hiệu quả, tránh tính hình thức...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trăn trở từ chủ đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch

Người sản xuất nông sản theo hướng an toàn với chi phí sản xuất cao hơn nhưng thường khó cạnh tranh về giá với sản phẩm canh tác đại trà không được kiểm soát. Người tiêu dùng luôn mong muốn có những thực phẩm là nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng chưa hẳn đã mua được sản phẩm sạch đúng nghĩa. Trong “ma trận” thực phẩm sạch - “bẩn” lẫn lộn, đặt ra vấn đề hỗ trợ để xây dựng các chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn thực sự hiệu quả, tránh tính hình thức...

Trăn trở từ chủ đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch

Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại phường An Hưng (TP Thanh Hóa) gắn với chuỗi tiêu thụ của Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng. Ảnh: Lê Đồng

Với 11 ha đất ba–zan màu mỡ tại khu phố 1, thị trấn Vân Du (Thạch Thành), từ năm 2014, ông Trịnh Huy Hùng bắt đầu trồng 2 ha bưởi Diễn, rồi phát triển thêm 3 ha bưởi da xanh, 1 ha bưởi Tân Lạc những năm sau đó. Đến năm 2017, khi huyện Thạch Thành có đề án phát triển cây ăn quả, ông tiếp tục đăng ký để được hỗ trợ trồng mới 6 ha cam, trong đó 1 ha cam canh, 3 ha cam Vinh và 2 ha cam Vân Du. Với tư duy làm ăn bền vững, ông tiếp tục trồng các loại cam và bưởi theo hướng an toàn sinh học. Đến nay, hơn chục ha cây ăn quả của ông Hùng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trở thành một trong những mô hình canh tác hiện đại bậc nhất tại vựa cây ăn quả Thạch Thành.

Tuy nhiên, so với canh tác đại trà hiện nay của nhiều nhà vườn là “thúc” phân hóa học và dùng chất kích thích để tăng năng suất quả thì những nhà vườn canh tác hữu cơ luôn “thiệt thòi” hơn về sản lượng. Mặt khác, theo hướng sản xuất sạch, sẽ phát sinh nhiều chi phí cho khâu trung gian như sản xuất phân bón, thuê nhiều nhân công bón phân hơn, phun thuốc trừ sâu hữu cơ bảo đảm tiêu chuẩn nên giá thành đầu tư lại cao hơn nhiều. “Tôi có thể khẳng định cam tại mô hình này ngọt hơn nhiều cam của Hòa Bình hay cam Hà Giang, nhưng họ canh tác đại trà nên giá thành rất thấp. Khi cùng bán ra thị trường, khách hàng cũng không phân biệt được trái cây hữu cơ hay canh tác đại trà nên họ so sánh, thường mua sản phẩm rẻ hơn” – ông Hùng quả quyết. Như vậy, những người làm nông nghiệp “có tâm” theo hướng sản xuất sạch sẽ “thua” trong cạnh tranh để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Được biết, mỗi năm, vườn cây ăn quả gia đình ông Hùng cho sản lượng hàng trăm tấn cam và bưởi, đều có các tư thương đến thu gom. Nhưng ông liên tục phải buồn lòng khi tư thương luôn so sánh giá với các mô hình trồng không theo quy trình sạch. “Tư thương luôn đưa ra những lý do buồn cười nhưng tôi phải chấp nhận. Chẳng hạn họ nói, khi nhập xuống các chợ đầu mối, anh có xuống để chứng minh cam của anh là sạch không. Họ không cần sản phẩm sạch mà chỉ cần rẻ để cạnh tranh thì mới bán được nhiều” – ông Hùng phân trần.

Trong “ma trận” nông sản sạch – “bẩn” lẫn lộn, trăn trở của ông Trịnh Huy Hùng cũng là nỗi niềm của nhiều chủ vườn sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tại xã Nga Thạch (Nga Sơn), từ năm 2018, thanh niên Nguyễn Văn Nam đã thành lập Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa, đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng nhà lưới sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Những năm đầu, ngoài đầu tư trồng dưa vàng và dưa lưới, anh trồng cả dưa chuột để cung cấp cho thị trường. Với mong muốn cung ứng dưa chuột sạch cho khách hàng trong tỉnh, mô hình trồng trọt này cũng mua phân chuồng, cộng với tự sản xuất phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng. Do trồng trong nhà lưới ngăn được bướm đẻ trứng nên cây trồng không có sâu bệnh, không phải phun thuốc trừ sâu như canh tác truyền thống bên ngoài. Những trái dưa được chăm bón đúng kỹ thuật, được tự động tưới phun sương luôn ẩm nên chi chít quả và lớn nhanh. Thuê 3 – 4 lao động chăm sóc và thu hái liên tục, mỗi ngày có vài tạ dưa được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, theo hạch toán, những trái dưa chuột canh tác “sạch” đúng nghĩa này không cạnh tranh được với dưa trôi nổi. “Sau nhiều tháng vợ chồng tôi phải chở dưa đi tận các chợ trong và ngoài huyện bán lẻ, giá chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn với dưa canh tác đại trà, bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu ở nhiều nơi. Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi đành bỏ cuộc, ước mơ đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng cũng đành gác lại” – anh Nam chia sẻ trong tiếc nuối. Những tháng gần đây, anh chỉ “dám” canh tác dưa vàng, dưa lưới mà không đầu tư trồng rau hay dưa chuột nữa.

Xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) từ nhiều năm qua đã trở thành vựa rau cung ứng cho nhiều huyện và nhất là TP Thanh Hóa. Nông dân tại các thôn Lộc Ất, Lộc Bồi, Phúc Quý, Lộc Bính, Hợp Tiến... đều lấy hoạt động trồng rau – củ - quả làm nghề chính. Dưới sự quản lý và điều tiết sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Hoằng Hợp, các hộ trồng rau được yêu cầu canh tác theo quy trình an toàn. Việc bón phân đạm cho rau ở đây phải đủ thời gian an toàn khoảng 10 ngày mới được thu hoạch. Ngoài diện tích nhà lưới và vùng rau an toàn của HTX được bao tiêu sản phẩm bởi các công ty trung gian tại TP Thanh Hóa cung ứng cho các trường học và công sở, thì người trồng vẫn phải bán trôi nổi trên thị trường. Mỗi sáng, có hàng chục phụ nữ địa phương chất đầy 2 sọt rau, chở lên các chợ tại TP Thanh Hóa bán lẻ. Nhiều người trong số đó đều cho rằng, rau của họ nhiều khi khó bán hơn rau nơi khác vì mẫu mã không đẹp. Những bó mồng tơi, rau muống, rau cải vừa bón phân đạm 2 – 3 ngày ở nhiều nơi đã được thu hái nên xanh mơn mởn, cảm quan bằng mắt nhìn rất non. Trong khi rau đã bón phân đạm khoảng chục ngày thì nhìn cằn cỗi hơn, màu kém xanh nên người mua ít lựa chọn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cùng nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch. Tuy nhiên, công tác quảng bá còn hạn chế nên số người mua thực phẩm thường xuyên tại đây cũng chưa nhiều. Những năm gần đây, các sở, ngành có liên quan, như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cũng đã xúc tiến hình thành các chuỗi thực phẩm sạch, kênh bán hàng online; tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, chưa kết nối được người sản xuất – cung ứng với người tiêu dùng như kỳ vọng. Trên thực tế, không nhiều chuỗi cung ứng rau – củ - quả sạch được coi là hiệu quả, như: Công ty TNHH VRAT ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần (huyện Đông Sơn), Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng (phường An Hưng, TP Thanh Hóa)... đều là các công ty tư nhân tự “mò mẫm” triển khai.

Để đẩy lùi thực phẩm là các loại nông sản không an toàn cho sức khỏe, đưa càng nhiều thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, rất cần bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước. Hỗ trợ hình thành và quảng bá các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhưng tránh hình thức là một gợi ý cần lưu tâm. Một khi, những cơ sở sản xuất nông sản an toàn không có đầu ra ổn định, không cạnh tranh được trên thị trường thì rau quả, thực phẩm “bẩn” vẫn tiếp tục “lên ngôi”.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]