(Baothanhhoa.vn) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa. Chính vì lẽ đó, tập trung đầu tư nhằm ổn định đời sống đồng bào, đồng thời, thúc đẩy khu vực này phát triển bền vững, vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ luôn được tỉnh ta đặt ra.

Tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa. Chính vì lẽ đó, tập trung đầu tư nhằm ổn định đời sống đồng bào, đồng thời, thúc đẩy khu vực này phát triển bền vững, vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ luôn được tỉnh ta đặt ra.

Tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triểnCác hộ nghèo, cận nghèo huyện Như Xuân được nhận bò hỗ trợ sinh kế từ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.

Để tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách đặc thù, dành riêng cho các đối tượng. Điển hình trong đó phải kể đến 2 đề án là “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản đồng bào Mông, huyện Quan Sơn giai đoạn 2016 - 2020” (với tổng vốn ngân sách đã bố trí thực hiện là 25.121,5 triệu đồng) và “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” (với tổng vốn ngân sách tỉnh đã bố trí là 7.539,9 triệu đồng).

Sau 5 năm thực hiện, cùng với các chương trình, dự án khác của Trung ương, của tỉnh đầu tư, hỗ trợ, kết quả từ các đề án trên mang lại là rất khả quan. Trong đó, việc đầu tư xây dựng được thêm 13 công trình cấp thiết các loại, đã tạo ra những tiền đề về hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, góp phần phát huy thế mạnh của vùng và giúp đồng bào chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Cùng với đó, mức hưởng thụ văn hóa và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đồng bào cũng được nâng lên; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo được cải thiện, song song với các chính sách trong giáo dục, đào tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực cho con em đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú. Công tác an ninh, quốc phòng được quan tâm củng cố và tăng cường...

Bên cạnh các chính sách đặc thù, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng hết sức quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (1 trong 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2016-2020). Kết quả, khu vực 11 huyện miền núi đã giảm 44.491 hộ nghèo (từ 57.684 hộ xuống còn 13.193 hộ, tỷ lệ giảm đạt 20,09% (từ 25,79% xuống 5,7%), bình quân giảm 4,02%/năm. Trong đó: 4 huyện miền núi thấp giảm 18.411 hộ nghèo (từ 22.797 hộ xuống còn 4.386 hộ), tỷ lệ giảm đạt 15,37% (từ 18,88% xuống 3,51%), bình quân giảm 3,07%/năm; 7 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a giảm 26.080 hộ nghèo (từ 34.887 hộ xuống còn 8.807 hộ), tỷ lệ giảm đạt 25,64% (từ 33,9% xuống 8,26%), bình quân giảm 5,13%/năm (sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 353 ngày 18-3-2022 phê duyệt Danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa giảm 1 huyện là Như Xuân và còn 6 huyện nghèo là Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát).

Những kết quả hết sức khả quan trong công tác giảm nghèo kể trên là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của tỉnh Thanh Hóa trong công tác giảm nghèo nói riêng, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung. Để tiếp nối những thành quả đã đạt được, từ đó tạo ra tiền đề vững chắc cho khu vực này tiếp tục phát triển, ngày 23-7-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 281/KH-UBND ngày 16-12-2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021 đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Việc xây dựng và triển khai các chương trình trên, tỉnh Thanh Hóa hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi. Đồng thời, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khu vực; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối thuận lợi với các vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Từ mục tiêu tổng quát đó, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi cao gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng và tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, phát huy khát vọng tiến bộ và chủ động vươn lên trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi sẽ được tăng cường. Cùng với đó, việc quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân; chú trọng phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe Nhân dân; hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa- thể thao cơ sở, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch...

Để sớm đưa các chính sách đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. HĐND tỉnh thông qua nghị quyết ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị rà soát, xác định các nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, địa bàn thực hiện các dự án thành phần bảo đảm theo quy định.

Với nhiều thành quả đạt được trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đang có được tiền đề cơ bản để đẩy nhanh quá trình phát triển, cũng như thu hẹp dần khoảng cách về mức sống của người dân miền núi, dân tộc thiểu số so với miền xuôi như mục tiêu đã đề ra.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]