(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa có hệ sinh thái được chia thành 3 vùng rõ rệt: trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Điều này giúp nền nông nghiệp trong tỉnh phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, phong phú về sản phẩm. Tuy nhiên, do mỗi vùng đều có đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu riêng biệt, nên việc định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng cho từng vùng là thực sự cần thiết, giúp phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh riêng của từng vùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Phát triển nông nghiệp theo vùng

Tỉnh Thanh Hóa có hệ sinh thái được chia thành 3 vùng rõ rệt: trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Điều này giúp nền nông nghiệp trong tỉnh phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, phong phú về sản phẩm. Tuy nhiên, do mỗi vùng đều có đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu riêng biệt, nên việc định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng cho từng vùng là thực sự cần thiết, giúp phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh riêng của từng vùng.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Phát triển nông nghiệp theo vùng

Vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao của xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc). Ảnh: Hương Thơm

Xét về khía cạnh sản xuất nông nghiệp, việc có các lợi thế, như: vùng lãnh hải rộng lớn với bờ biển dài 102 km, thuận lợi cho việc khai thác hải sản. Thời tiết khí hậu với những tiểu vùng khác nhau, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Tiềm năng đất đai rộng lớn và đa dạng, diện tích đất nông nghiệp 909.766 ha, chiếm 81,85% tổng diện tích tự nhiên; bên cạnh đó, toàn tỉnh có 610 hồ chứa và 24 sông lớn nhỏ... Những đặc điểm nêu trên, cùng với hạ tầng giao thông phát triển, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp... tạo cho Thanh Hóa những thuận lợi cơ bản, có khả năng và điều kiện vươn lên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững.

Việc phân định 3 vùng rõ rệt dựa trên việc đánh giá về địa hình, các hệ sinh thái, với những ưu, nhược điểm khác nhau đã giúp cho tỉnh Thanh Hóa xác định và xây dựng được định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp cho từng vùng. Theo đó, Thanh Hóa xác định rõ từng vùng, gồm: vùng trung du, miền núi gắn liền với hệ núi cao phía Tây Bắc và hệ núi Trường Sơn phía Nam, diện tích tự nhiên toàn vùng 799.319 ha, chiếm 71,8% diện tích toàn tỉnh. Nơi đây vùng núi có độ cao trung bình từ 600 - 700m, độ dốc trên 250, vùng trung du có độ cao trung bình từ 150 - 200m, độ dốc từ 150 - 200 chủ yếu là các đồi thấp, đỉnh bằng, sườn thoải. Vì thế đây được xác định là vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, mía đường của tỉnh. Vùng đồng bằng, có diện tích tự nhiên 195.550 ha, chiếm 17,6% diện tích toàn tỉnh. Đây là vùng được bồi tụ bởi 4 hệ thống sông chính là: sông Mã, sông Bạng, sông Yên, sông Hoạt. Vùng này có độ dốc không lớn, bằng phẳng, độ cao trung bình dao động từ 5 - 15m so với mực nước biển, địa hình xen kẽ giữa vùng đất bằng với các đồi thấp và núi đá vôi độc lập. Đây là vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp của tỉnh. Vùng ven biển có diện tích toàn vùng là 118.078 ha, chiếm 10,6% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đây là vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, chạy dọc theo 102 km bờ biển là các cửa sông, vùng đất cát ven biển có địa hình lượn sóng chạy dọc bờ biển, độ cao trung bình 3 - 6m. Vùng này có nhiều tiềm năng để phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, như: trồng trọt, chăn nuôi gia cầm, nhất là nuôi trồng thủy sản.

Căn cứ vào đặc điểm, tiềm năng, lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, trong phát triển nông nghiệp, những năm qua, cùng với việc định hướng cụ thể cho các địa phương về phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác, ngành nông nghiệp đã cùng với chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp theo vùng, như: rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất để tích hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch chung của tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai; đồng thời, lựa chọn đối tượng, cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế và lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp, kêu gọi doanh nghiệp, HTX hoặc hộ nông dân có khả năng đầu tư để thực hiện, nhân rộng các mô hình. Xây dựng các tổ hợp liên kết nông nghiệp, chế biến nông sản, các cơ sở cung cấp dịch vụ nghiên cứu, đào tạo, tư vấn phát triển sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành chuỗi sản xuất bền vững.

Trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo vùng, nhiều địa phương đã xây dựng được những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng chuyên canh. Đơn cử như huyện Vĩnh Lộc, hình thành được 12 vùng sản xuất tập trung, như: vùng lúa năng suất, chất lượng cao, vùng sản xuất chuối tiêu hồng, vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng sản xuất mía, vùng sản xuất rau an toàn tập trung... Hay như huyện Đông Sơn, đã xây dựng được vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao, với tổng diện tích 4.000 ha; xây dựng 3 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, chuyên canh, liên kết tiêu thụ với các cửa hàng thực phẩm an toàn, với quy mô 8 ha; xây dựng 17 cánh đồng sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, quy mô gần 600 ha...

Hiện, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 17 vùng trồng cây tập trung, chuyên canh cấp tỉnh, như: Vùng sản xuất lúa thâm canh, tổng diện tích 158.158 ha/vụ, vùng rau an toàn tập trung 12.560 ha, tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng miền núi thấp, đồng bằng và ven biển; vùng trồng cây ăn quả tập trung gần 7.000 ha, tập trung tại các huyện miền núi thấp và đồng bằng, như: Thọ Xuân, Như Xuân, Yên Định, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn; vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi 12.700 ha, tập trung tại các huyện miền núi trung du. Khu vực miền núi, còn hình thành và phát triển được vùng nguyên liệu rừng gỗ lớn tập trung cho công nghiệp chế biến, với tổng diện tích đạt 56.000 ha; vùng trồng luồng thâm canh, với diện tích 30.000 ha. Khu vực ven biển phát triển được diện tích nuôi tôm tập trung tại các huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn... Ngoài các vùng trồng tập trung cấp tỉnh, các địa phương còn xây dựng được 55 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cấp cơ sở.

Ông Vũ Quang Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: Những năm qua, tỉnh đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, từ đó nâng cao trình độ sản xuất của người dân, tạo sức lan tỏa trong việc thay đổi tư duy sản xuất của đông đảo người dân, giúp hiệu quả kinh tế được nâng lên từ 15 đến 20%. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, từ việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp theo vùng còn tạo điều kiện thuận lợi để các sở, ngành và chính quyền các địa phương trong định hướng, chỉ đạo, quản lý sản xuất.

Bàn về vấn đề phát triển nông nghiệp theo vùng, Tiến sĩ Lê Văn Ninh, Trưởng Khoa Nông, lâm, ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức, cho rằng: Phát triển nông nghiệp theo vùng đã được các nước có nền nông nghiệp tiến bộ trên thế giới thực hiện từ lâu. Đơn cử như nước Mỹ, từ việc quy hoạch và định hướng những vùng canh tác chuyên canh, nên họ đã có được những cánh đồng ngô, đậu nành, lúa mì, cam... rộng mênh mông. Điều này giúp cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất vô cùng thuận lợi. Nhờ vậy, tuy chỉ có 1% dân số của toàn nước Mỹ làm nông nghiệp, nhưng đây vẫn được đánh giá là nước có nền nông nghiệp đứng đầu thế giới. Dẫn chứng đó để thấy rằng, việc phát triển nông nghiệp theo vùng là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp của thế giới và trong nước. Xét về nông nghiệp trong tỉnh, những năm gần đây, nông nghiệp Thanh Hóa đang bắt nhịp với sự phát triển của nền nông nghiệp thế giới. Với những quyết sách cùng định hướng phát triển đúng đắn, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có những bước phát triển, trong đó phải kể đến việc hình thành được những vùng sản xuất tập trung dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu của từng vùng. Điều này sẽ giúp tỉnh tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mang tính vùng miền, phù hợp với lộ trình của Chương trình OCOP mà tỉnh đang thực hiện. Thông qua công tác nghiên cứu, cho thấy: yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tính đặc trưng của sản phẩm nông nghiệp. Vì thế, muốn tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, cần phải có định hướng phát triển các sản phẩm gắn với đặc trưng của vùng, miền đó. Ví dụ như, giống vịt Cổ Lũng chỉ có thể nuôi ở các huyện miền núi cao thì mới tạo ra được chất lượng và hương vị đặc trưng; hay giống bưởi Luận Văn chỉ được trồng ở một số xã của huyện Thọ Xuân thì mới tạo ra được màu sắc và hương thơm đặc trưng. Hay chỉ có cói trồng ở vùng đất Nga Sơn mới đạt chất lượng để xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính... Tất cả những điều trên khẳng định rằng, việc phát triển nông nghiệp theo vùng là hướng đi đúng đắn và thực sự cần thiết đối với sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Những kết quả nêu trên đã phần nào minh chứng được sự đúng đắn trong định hướng phát triển nông nghiệp theo vùng. Do đó, để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho tỉnh tiếp tục định hướng phát triển nông nghiệp tại các vùng. Theo đó, vùng trung du miền núi được định hướng phát triển mạnh lĩnh vực lâm nghiệp, cây ăn quả, các loại cây nguyên liệu gắn với chế biến; phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, các con nuôi đặc sản; đồng thời, đẩy mạnh nuôi thủy sản tại các hồ thủy điện, thủy lợi. Vùng đồng bằng sẽ được định hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh, đa dạng hóa các đối tượng nuôi... Vùng ven biển được định hướng phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần thủy sản trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản, xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hình thành các vùng sản xuất lúa gạo, rau, quả chất lượng, phát triển hoa, cây cảnh phục vụ đô thị và du lịch; ổn định diện tích đầu tư thâm canh cây cói phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn và xuất khẩu.

Bài 3: Phát triển nông nghiệp toàn diện, đa sản phẩm.

Nhóm PV phòng Kinh tế


Nhóm PV phòng Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]