(Baothanhhoa.vn) - Trong chăn nuôi, con giống đóng vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nghiên cứu phát triển con giống, du nhập giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để sản xuất, cung ứng cho thị trường. Qua đó, từng bước kiểm soát nguồn giống, hạn chế dịch bệnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: Đầu tư nghiên cứu, phát triển giống con nuôi

Trong chăn nuôi, con giống đóng vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nghiên cứu phát triển con giống, du nhập giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để sản xuất, cung ứng cho thị trường. Qua đó, từng bước kiểm soát nguồn giống, hạn chế dịch bệnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: Đầu tư nghiên cứu, phát triển giống con nuôiChú trọng công tác tiêm phòng vắc-xin cho con giống để tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. ảnh: Kim Ngọc

Tin liên quan:
  • Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: Đầu tư nghiên cứu, phát triển giống con nuôi
    Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: Cơ chế, chính sách khuyến khích ...

    Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đã góp phần tạo động lực để ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng có bước phát triển khá toàn diện, chuyển dần sang quy mô lớn và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 3.123 trang trại chăn nuôi và chục nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với tổng đàn lợn khoảng 1,2 triệu con, đàn gia cầm 23 triệu con và tổng đàn trâu, bò khoảng hơn 450 nghìn con. Để duy trì, phát triển đàn vật nuôi, mỗi năm nhu cầu con giống phục vụ chăn nuôi trong toàn tỉnh khoảng 7,2 triệu con giống gia cầm, gần 300 nghìn con lợn giống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được 70% số lượng lợn giống và khoảng 50% giống gia cầm. Chị Lê Thị Hưng, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc), cho biết: Sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, gia đình đã quyết định đầu tư tái đàn. Tuy nhiên, do nhiều người chăn nuôi tái đàn cùng thời điểm nên dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn giống có chất lượng, gia đình phải chấp nhận mua con giống tại trang trại giống nhỏ, lẻ với giá cao. Cũng theo chị Hưng, với các hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn thì về cơ bản đã chủ động được nguồn giống, nhưng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc tìm được nguồn giống bảo đảm chất lượng không dễ dàng.

Thực tế sản xuất cho thấy, đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều mua con giống từ tỉnh ngoài về, khiến công tác kiểm soát dịch bệnh trên con giống của lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, như dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra trên địa bàn tỉnh năm 2020, nhận định từ các ổ dịch phát sinh ban đầu cho thấy, nguyên nhân phát sinh là do các hộ chăn nuôi mua giống từ các cơ sở cung ứng con giống tại TP Hà Nội, vận chuyển bằng xe ô tô khách hoặc mua từ những người bán gia cầm trôi nổi trên thị trường, không có xuất xứ nguồn gốc, không qua kiểm dịch và giống gia cầm được nhập về vẫn chưa được tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm. Bên cạnh đó, tại các cơ sở sản xuất, cung ứng con giống tự phát chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để chọn lọc nên chất lượng con giống không bảo đảm, có thể dẫn tới tình trạng nguồn giống bị lai tạp, con nuôi kém chất lượng. Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 152/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 và Nghị quyết số 191/NQ-HĐND ngày 16-10-2019 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021. Theo đó, hằng năm hỗ trợ nuôi giữ đàn lợn giống 1.800 đến 2.000 con lợn ngoại sinh sản cấp ông, bà; 10.000 lợn cái hậu bị bố, mẹ; nuôi giữ hơn 6.500 con giống gia cầm. Chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi giữ giống gốc có thêm nguồn lực đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước cải thiện các chỉ số kinh tế, kỹ thuật, như: số lứa đẻ lợn nái/năm tăng từ 2 lứa/năm lên 2,2 lứa/năm; lợn thịt tăng bình quân 90 kg/con lên trên 100 kg/con; đàn gia cầm mái cho sản lượng trứng cao hơn 3 đến 5%, tỷ lệ ấp nở đạt hơn 90%;... Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống vật nuôi mới để nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi cũng được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật chăn nuôi Thanh Hóa (thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) chú trọng triển khai thực hiện. Trung tâm được đầu tư hệ thống sản xuất tinh đông lạnh cho trâu, bò; từ đó, cung ứng ni tơ, tinh trâu, bò được phối bằng tinh bò Zebu, Drough Master, Red Agus và BBB để các đơn vị, địa phương phát triển đàn bò thịt chất lượng cao; chọn tạo các giống gà, vịt hậu bị... Hằng năm, trung tâm cung ứng được 300 con trâu, bò đực giống; 12 nghìn gà, vịt hậu bị; 25 nghìn liều tinh trâu, bò và vật tư kèm theo cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 2 cơ sở nghiên cứu giống gia cầm, 23 cơ sở cung cấp lợn giống. Bên cạnh việc nghiên cứu, phát triển giống, các cơ sở đã tích cực du nhập giống gia súc, gia cầm có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, như: các giống lợn cấp cụ, kỵ, ông, bà Yorkshire, Landrace..., du nhập giống bò BBB, Drouhgtmaster,... Phối giống với bò cái nền lai zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò thịt; 3.000 liều tinh trâu Murrah để lai tạo đàn trâu chất lượng hơn; các giống tiến bộ kỹ thuật đạt hơn 85% đó là gà, vịt siêu trứng.

Đi đôi với đó, để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn đầu tư xây dựng nhà máy ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín, chủ động từ con giống, thức ăn, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như nhà máy giống gia cầm công nghệ cao của Công ty CP Nông sản Phú Gia, với quy mô 120.000 gà giống được nhập khẩu từ Bỉ, sử dụng công nghệ ấp nở số 1 trên thế giới hiện nay. Theo đó, nhà máy được đầu tư hệ thống điều khiển nhiệt độ, độ ẩm hoàn toàn tự động, cho tỷ lệ nở đạt đến 98%; đồng thời, áp dụng công nghệ tiêm phòng vắc-xin tự động cho gà con giúp tăng khả năng kháng bệnh, lớn nhanh, lông mượt. Trung bình mỗi tháng, nhà máy cung cấp cho hệ thống nuôi gà gia công cho Công ty CP Nông sản Phú Gia và thị trường từ 800.000 đến 850.000 con gà giống chất lượng cao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 23 trang trại lợn giống của các tập đoàn, doanh nghiệp đang nuôi và khai thác đàn giống gốc ông, bà, cụ, kỵ, với số lượng khoảng hơn 10.000 con giống, như: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn Newhope...; 4 trang trại chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn Vinamilk và trang trại bò sữa Ogarnic ở huyện Yên Định sử dụng các loại giống năng suất, chất lượng cao.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh ta là một trong những địa phương có nguồn giống đa dạng, có sự chuyển biến lớn trong cơ cấu giống các loại vật nuôi, nhiều giống lai có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, năng suất, giá trị kinh tế cao. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh ta phấn đấu có 26 triệu con gia cầm, đáp ứng được 60% nhu cầu con giống; duy trì tổng đàn 1,2 triệu con lợn và được cung cấp khoảng 70% nhu cầu con giống trở lên. Ông Lê Khắc Chiến, Viện phó Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu trên đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn giống phục vụ người chăn nuôi. Trước hết, căn cứ vào nhu cầu của người chăn nuôi để quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật trong phát triển nguồn giống, như: thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; hàng năm, tổ chức tốt việc bình tuyển, quản lý đàn lợn giống cấp bố mẹ, đàn bò cái đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống thương phẩm phục vụ sản xuất. Với những hộ chủ động được con giống, cần chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại và phát triển chăn nuôi theo phương pháp sinh học, tiêm phòng vắc-xin định kỳ.

Ngoài các giải pháp trên, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống ra, vào địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh; đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tránh mua con giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát dịch bệnh. Để phát triển chăn nuôi hiệu quả kinh tế, theo hướng bền vững, bên cạnh việc hỗ trợ người chăn nuôi, các đơn vị sản xuất giống vật nuôi trong tỉnh; các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết từ con giống đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nhóm PV Phòng Kinh tế

Bài cuối: Tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]