(Baothanhhoa.vn) - Trong tiết trời mưa phùn se lạnh, từng giọt mồ hôi vẫn thánh thót rơi từ mặt những người sao chè ở xã Bình Sơn. Cái nóng hừng hực từ lò đun củi rực hồng, khói than làm cay xè khóe mắt - những nhọc nhằn như gắn chặt với nghề. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của những người làm công việc đặc thù này lại khá thấp. Với họ, đó là mưu sinh, là nghề chính để con cái có tiền ăn học, để biến cây chè trên vùng đồi phía Tây huyện Triệu Sơn thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người tin dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhọc nhằn nghề sao chè

Trong tiết trời mưa phùn se lạnh, từng giọt mồ hôi vẫn thánh thót rơi từ mặt những người sao chè ở xã Bình Sơn. Cái nóng hừng hực từ lò đun củi rực hồng, khói than làm cay xè khóe mắt - những nhọc nhằn như gắn chặt với nghề. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của những người làm công việc đặc thù này lại khá thấp. Với họ, đó là mưu sinh, là nghề chính để con cái có tiền ăn học, để biến cây chè trên vùng đồi phía Tây huyện Triệu Sơn thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người tin dùng.

Nhọc nhằn nghề sao chè

Hoạt động sao chè của gia đình chị Cao Thị Hoa, thôn Đông Tranh, xã Bình Sơn.

Dưới những cơn mưa ngọt lành sau Tết Nguyên đán, từng đồi chè ở xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn càng thêm phần tốt tươi. Lớp lớp chồi non phủ màu xanh mướt mát khắp một vùng rộng lớn. Đây cũng là mùa cây chè ở xã 135 này cho sản lượng cao nhất trong năm. Nghề sao chè thủ công theo đó cũng phát triển mạnh. Do xuất phát từ kinh nghiệm cũng như cách làm riêng, nên cơ bản các khâu sao chè ở Bình Sơn vẫn phải làm thủ công với nhiều công đoạn.

Chúng tôi tìm đến gia đình chị Cao Thị Hoa, ở thôn Đông Tranh trong xã. Đôi vai gầy của người phụ nữ luống tuổi như bị níu nghiêng bởi bao tải chè nặng chịch vừa được chị vác từ trên đồi về. Sương sớm cùng mưa phùn làm ướt nhẹm những đọt chè non vừa hái. Vợ chồng chị phải trải bạt, bật quạt hong khô chè mới có thể sơ chế. Để đủ một mẻ sao vào buổi trưa, chị Hoa cùng chồng tiếp tục ngược đồi để hái thêm. Khom mình vượt qua những vạt chè tít tắp trên ngọn đồi bát úp, chúng tôi đồng hành cùng buổi thu hoạch của gia đình có diện tích chè lớn nhất nhì ở thôn Đông Tranh này. Thêm cả người hàng xóm đến giúp sức, những đôi bàn tay thoăn thắt bẻ ngang từng đọt chè mơn mởn. Từng kẽ ngón tay khi đã kẹp căng đầy những ngọn chè non tơ, sẽ được gom vào để những bao tải ngày càng thêm nặng. Gần hết buổi sáng, hàng chục cân búp chè tươi đã được tập kết đầy hè của căn nhà cấp 4 ven chân đồi.

Theo kinh nghiệm của chị Hoa, nếu để chè ướt đem sao sẽ không đạt được chất lượng như ý. Nhưng khi ráo nước phải đem sao ngay khi chè còn tươi thì màu nước khi pha mới đẹp. Thế nên đã quá giờ cơm trưa, nhưng vợ chồng “bà chủ” của hơn 1 ha chè này phải thay nhau tranh thủ dùng bữa. Từng cây gỗ lớn được đốt như nấu bánh chưng ngày tết, nhưng phải ngồi bên để điều tiết ngọn lửa vừa phải. Cái nóng hừng hực từ than hồng tỏa khắp căn bếp đã trở nên quen thuộc với những người sao chè nơi đây. Dù mùa đông buốt giá hay tiết hè oi ả, người sao chè cũng thường vắt chiếc khăn mặt ngang vai để liên tục lau mồ hôi.

Nhọc nhằn nghề sao chè

Sản phẩm trà Bình Sơn sau nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Khi lò sao bằng thép tựa như chiếc chum nằm ngang đã được đun nóng, vợ chồng chị Hoa phải thật nhanh tay phả từng vốc ngọn chè non vào lò. Theo kinh nghiệm, cùng một mẻ, nếu khâu cho chè vào quá lâu thì sẽ có phần cháy quá, phần còn lại chưa đạt. Với sự trợ giúp của chiếc mô tơ điện cơ nhỏ, lò kim loại nóng quay liên hồi đề từng ngọn chè rơi hướng tâm, không chạm lâu vào thành lò. Khoảng 5 – 7 phút, những lá chè non săn lại, nhùng nhục héo mềm. Lò nghiêng, chè nhanh chóng được đổ ra nong tỏa khói nghi ngút. Khi còn nóng, những bàn tay lăn qua vò lại từng vốc để chè xoăn lại, định hình búp chè khô. Cái nóng dường như không còn gây khó cho những bàn tay đã chai sạn hàng chục năm chuyên làm động tác này. Trong sự hối hả, chị Hoa trải lòng: “Làm nhiều quen rồi, sẽ không thấy nóng nữa. Với lại, cả cuộc sống nhìn vào đây, nên không làm không được”.

Những búp chè khoảng 3 lá sau khi “quằn quại” giữa đáy nong và những đôi bàn tay thì đều xoắn quắt. Tất cả đọt chè sau khi được vò, được hất trở lại lò sao, quay chừng nửa tiếng để khô cong, chuyển dần sang màu xám. Chừng khoảng hơn 2 giờ, công đoạn sao một mẻ chè đã xong, thành quả gần 1 ngày của gia đình chị Hoa là hơn 2 kg chè búp khô. Chè thành phẩm được bán sỉ tại địa phương chỉ khoảng từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg, nên thu nhập cả gia đình cho mọi công đoạn chăm sóc chè, thu hái, sao chè,... cũng chẳng đáng là bao. Đó là chưa kể, việc thu hái chè cũng chỉ theo đợt, những tháng mùa đông hay mùa hè nắng nóng sẽ thu hoạch được ít hơn do chè kém phát triển.

Như để giới thiệu những công phu trong lao động, tinh túy của vùng đất đỏ ba-zan kết tinh trong từng búp trà, vợ chồng chị Hoa pha ngay một ấm trà vừa hoàn thành công đoạn sản xuất cho chúng tôi thưởng thức. Những ly trà màu xanh vàng bắt mắt do được sao chế bằng hơn 20 năm đúc kết kinh nghiệm của gia đình. Nhấp ngụm trà còn nghi ngút khói, vị ngọt đầm thấm dần vào đầu lưỡi. Chầm chậm nuốt từng ngụm nhỏ để cảm nhận, hậu vị của trà còn đọng mãi trong cổ họng. Theo ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, trà của địa phương được sản xuất theo quy trình sạch. Vị trà cũng “còn nguyên” chứ không tẩm hương liệu tạo mùi thơm ban đầu như nhiều nơi.

Tại xã Bình Sơn, nghề sao chè phát triển hơn 20 năm nay từ khi các đồi chè được trồng theo chương trình trồng rừng 327 để phủ xanh đất trống đồi trọc. Trước đây, chỉ một số hộ có lò sao chè nên làm dịch vụ sao thuê cho những hộ khác trong vùng. Ít năm gần đây, đa phần các hộ có diện tích chè lớn đều đầu tư xây dựng lò sao, tự sao lấy để tăng thu nhập. Trong xã, ông Lê Văn Thanh được coi là một trong những “cao thủ” sao chè bởi ông đúc kết được những kinh nghiệm quý. “Với nghề chè, khâu sao chính là công đoạn quan trọng nhất quyết định chất lượng trà. Nước trà màu xanh, vị ngọt đậm đà, đọng lại lâu là do biết điều tiết nhiệt độ, thời gian sao vừa độ. Trái lại, để chè quá cháy nước trà sẽ đen đậm, có vị chát, nên kinh nghiệm là rất quan trọng” – ông Thanh chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn Lê Đình Tú, hiện toàn xã có hơn 300 ha chè, trong đó hơn 250 ha đã cho thu hoạch. Mỗi héc-ta chè cho sản lượng khoảng 1,5 tấn trà búp khô mỗi năm. Nghề sao chè cũng theo đó phát triển mạnh, bởi chè Bình Sơn đã được công nhận sản phẩm OCOP nên đầu ra khá rộng mở. Nay sản phẩm truyền thống này đã vượt ra thị trường tỉnh Thanh Hóa, được khách hàng nhiều tỉnh tin dùng.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]