(Baothanhhoa.vn) - Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, vai trò của phụ nữ đã được phát huy tối đa trong việc phát triển kinh tế, xã hội trong những năm gần đây. Với tinh thần chủ động, ham học hỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất đã giúp nhiều cá nhân vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Nhân lên các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, vai trò của phụ nữ đã được phát huy tối đa trong việc phát triển kinh tế, xã hội trong những năm gần đây. Với tinh thần chủ động, ham học hỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất đã giúp nhiều cá nhân vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Nhân lên các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủCác sản phẩm từ tổ yến của chị Nguyễn Thị Thạo, xã Vạn Hòa (Nông Cống) được bày bán và trưng bày ở nhiều hội chợ và triển lãm trên địa bàn tỉnh.

Vốn là người năng động, nhạy bén, nên chị Nguyễn Thị Thạo ở thôn Đồng Thanh, xã Vạn Hòa (Nông Cống) đã sớm nhận thấy được thị trường tiềm năng cũng như hiệu quả kinh tế từ việc nuôi chim yến. Năm 2018, chị Thạo quyết tâm về quê thành lập Công ty CP yến sào V.N Nam Khánh Nest, tại xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống. Từ một gian nhà cũ, chị đã cải tạo và xây thêm tầng 2 làm nhà yến, xưởng sơ chế với diện tích sàn khoảng 40m2, gắn ván ốp trần cho yến làm tổ, thiết bị tạo âm thanh dụ yến, cân bằng độ ẩm và nhiệt độ, tạo mùi... để đảm bảo điều kiện nhà nuôi tương tự như môi trường tự nhiên trong hang động, thích hợp cho chim làm tổ. Hiện tại, cơ sở của chị đang tạo việc làm cho 35 lao động sơ chế tổ yến, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm nuôi và nghiên cứu về chim yến, chị Thạo đã bắt đầu liên kết với các hộ dân trên địa bàn tỉnh để chuyển giao kỹ thuật nuôi yến và thu mua tổ yến. Mỗi tháng công ty sản xuất và cung cấp ra thị trường từ 1 đến 1,2 tạ yến thành phẩm với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/hộp loại 100 gram; yến chưng sẵn 65.000 đồng đến 150.000 đồng/1 hũ, cung cấp cho thị trường trong nước như: yến xơ mướp, yến sợi, yến sợi nguyên tổ, chân yến. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác của công ty đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, như: yến ép thẳng, yến rút khô nguyên tổ.

Chia sẻ về con đường làm kinh tế của mình, chị Thạo chia sẻ: "Lúc đầu tôi cũng nhận thấy mình mạo hiểm, nhưng không mạo hiểm, không hành động thì sẽ không còn lúc nào để làm được nữa. Với định kiến xã hội từ xưa tới nay, câu chuyện làm kinh tế, “làm việc lớn” luôn nằm trong tay đàn ông nhưng tôi của ngày hôm nay, muốn chứng minh điều ngược lại. Là không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ cũng có thể làm được điều đó! Chỉ cần đủ quyết tâm, đủ tự tin và đủ sự đam mê thì không có việc lớn nào làm khó được phái yếu”.

Chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con nhỏ ăn học, nhưng chị Nguyễn Thị Tươi, ở xã Mỹ Tân (Ngọc Lặc) đã không ngừng cố gắng để vươn lên. Là một trong những hộ nghèo được chính quyền địa phương quan tâm, thông qua tổ chức hội phụ nữ huyện Ngọc Lặc, chị Tươi được vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư cải tạo đất để trồng thanh long. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn, chủ động học hỏi, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh, trên 300 gốc thanh long của gia đình chị phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao. “Với đầu ra và giá cả tương đối ổn định, hàng năm trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng” - chị Tươi chia sẻ. Ngoài ra chị còn nuôi bò, gà và trồng các loại rau màu để tăng thêm thu nhập. Từ sự động viên, hỗ trợ kịp thời của tổ chức hội phụ nữ huyện Ngọc Lặc đã góp phần giúp chị Tươi có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026) có đề cập đến tính bền vững của công tác xóa đói giảm nghèo, phấn đấu chỉ tiêu hàng năm: Mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 5 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo, toàn tỉnh giúp ít nhất 2.800 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo để đến cuối nhiệm kỳ, giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ dưới 2%. Đồng thời, đặt ra chỉ tiêu hỗ trợ thành lập mới 250 doanh nghiệp nữ, 10 HTX do phụ nữ làm chủ. Nhằm khuyến khích hội viên phụ nữ khởi nghiệp, phát triển ngành nghề. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Với mục tiêu này, từ năm 2022, các cấp hội đã tổ chức khảo sát, đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nêu cao tinh thần chủ động từng bước vượt khó, tích cực thực hiện phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, các phong trào thi đua, những chủ trương phát triển nông nghiệp và kinh tế hộ gia đình. Các cấp hội phụ nữ cũng phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ... Đến nay, các cấp hội toàn tỉnh đã phát triển được 20 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: kinh doanh, dịch vụ; làm nghề thủ công; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng trọt; nuôi trồng thủy sản...; xây dựng nhiều tổ, nhóm vay vốn tiết kiệm. Các cấp hội đã tín chấp gần 600 tỷ đồng cho trên 41.000 lượt hộ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Trong số này có hơn 80% số chị em sử dụng vốn vay đạt hiệu quả; nhiều hội viên, phụ nữ đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn khởi sự kinh doanh và xây dựng các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ cho nhiều lượt hội viên; tổ chức chung kết cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” năm 2022 với sự tham gia của 22 ý tưởng, sản phẩm xuất sắc; tổ chức Ngày Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút 56 gian hàng của hội viên, phụ nữ các cấp hội phụ nữ trong tỉnh và thành viên Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh tham gia trưng bày, quảng bá. Cùng với đó, hội LHPN các huyện đã khuyến khích hội viên phát triển ngành nghề theo tổ hợp tác, HTX, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Có thể nói, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên, phụ nữ; mang lại lợi ích thiết thực, góp phần khẳng định được vị thế cũng như tiếng nói của phụ nữ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]