(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra từ làng, được nuôi dưỡng và lớn lên cùng với nghề truyền thống, nhiều thanh niên trẻ đã lựa chọn con đường kế nghiệp nghề xưa mà cha ông để lại. Với niềm đam mê và sự cố gắng, nỗ lực, đã có những ông chủ trẻ khẳng định được bản lĩnh và tìm thị trường ổn định cho sản phẩm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề xưa và những ông chủ trẻ hôm nay

Sinh ra từ làng, được nuôi dưỡng và lớn lên cùng với nghề truyền thống, nhiều thanh niên trẻ đã lựa chọn con đường kế nghiệp nghề xưa mà cha ông để lại. Với niềm đam mê và sự cố gắng, nỗ lực, đã có những ông chủ trẻ khẳng định được bản lĩnh và tìm thị trường ổn định cho sản phẩm.

Nghề xưa và những ông chủ trẻ hôm nay

Anh Phạm Văn Tiến, chủ xưởng sản xuất Tấn Lộc Tài (làng Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc).

Tiếng đục đẽo, cưa bào... dẫn chúng tôi tìm đến làng mộc Đạt Tài (xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa) trong những ngày cuối năm. Tìm đến cơ sở nội thất Lâm Hằng của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1993), tham quan cơ ngơi khang trang rộng gần 600m2 nằm ngay trục đường chính dẫn vào làng Đạt Tài, đã khiến chúng tôi không khỏi thán phục.

Tốt nghiệp THPT năm 2011, Nguyễn Văn Lâm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa. Vào cuối tuần, Lâm đều tranh thủ về phụ bố mẹ làm nghề ở xưởng mộc “tại gia”. Trò chuyện với chúng tôi, Lâm cho biết, hầu như cuối tuần nào em cũng tranh thủ về làm mộc, vừa là đỡ “nhớ” nghề, vừa “kiếm thêm” được 2 công làm cuối tuần để lấy kinh phí lên tỉnh học. Vì là nghề cha truyền con nối nên ngay từ nhỏ Lâm đã đam mê với nghề mộc. Từ ngày còn học THPT, Lâm đã thành thạo các kỹ năng mài giũa, đục đẽo... Hơn nữa, được bố hướng dẫn và thường xuyên tiếp xúc nên Lâm khá am hiểu về đồ gỗ và các loại gỗ. Song, các công đoạn phức tạp như khắc chạm, lên hình, lên khối... lại cần đến kỹ thuật, sự cần mẫn và đôi bàn tay khéo léo. Với tình yêu nghề được vun đắp từ bé, những ngày nghỉ cặm cụi ở xưởng mộc đối với Lâm không hề nhàm chán hay cực nhọc, trái lại “vừa lấp đầy được những ngày nghỉ nhàn rỗi, vừa thấy mình có ích và tích lũy được kiến thức của những công đoạn khó” - Lâm cho biết.

Với lòng đam mê và nhận thấy nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm mộc truyền thống, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa (năm 2014), không đi theo nghề y đã theo học trong suốt 3 năm trời, Lâm quyết định trở về quê hương để phát triển xưởng mộc của gia đình. Được sự hỗ trợ tích cực từ bố, Lâm được truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý từ việc chọn gỗ, xử lý gỗ đến các kỹ thuật làm nghề. Vốn nhanh nhẹn, hoạt bát nên cơ sở sản xuất ngày càng được mở rộng, các sản phẩm từ cơ sở đồ gỗ nội thất Lâm Hằng ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất Lâm Hằng tạo thêm việc làm thường xuyên cho 6 lao động, thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Được biết, năm 2022, cơ sở của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Lâm sẽ mở rộng thêm gần 200m2 để làm xưởng sản xuất nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

“Tre già thì măng mọc”, tưởng như đó là điều hiển nhiên. Nhưng với nghề mộc, hay nghề rèn ở xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc), nhìn vào những vết sẹo lớn nhỏ trên đôi bàn tay thô ráp, ở xưởng sản xuất đầy khói bụi, ồn ào mới thấy việc người trẻ tìm về nghề xưa đáng quý biết nhường nào. Về xã Tiến Lộc, hỏi thăm xưởng sản xuất của anh Phạm Văn Tiến (sinh năm 1995, chủ xưởng rèn Tấn Lộc Tài) người dân địa phương ai cũng khen ngợi chàng trai trẻ giỏi giang, tháo vát. Với quy mô rộng gần 300m2, xưởng sản xuất đã được anh Tiến đầu tư một số máy móc hiện đại như: máy plasma, máy đột dập, lò tôi cao tần, máy cắt tôn... với trị giá trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, xưởng sản xuất đang tạo việc làm ổn định cho 11 lao động tại nhà, với mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng và khoảng 100 lao động địa phương nhận sản phẩm về gia công. “Trong năm 2022, cơ sở chúng tôi sẽ phấn đấu xây dựng thành công sản phẩm dao thép không gỉ đạt chứng nhận OCOP. Bên cạnh đó, tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua hình thức giao dịch trực tuyến”, anh Phạm Văn Tiến cho biết thêm.

Và nhắc đến nghề truyền thống, nhắc đến những “ông chủ” trẻ, không thể không nhắc tới những người trẻ làm nghề ở làng Trà Đông - làng nghề đúc đồng truyền thống nức tiếng của huyện Thiệu Hóa và là niềm tự hào của cả xứ Thanh. Bên ấm chè nóng, anh Đặng Quốc Toàn (sinh năm 1991, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) tạm gác lại công việc để tiếp chuyện chúng tôi. Chia sẻ về tình yêu với nghề truyền thống, anh Toàn hài hước: “Ngay từ trong bụng mẹ mình đã ngửi thấy mùi đồng rồi. Bọn trẻ con làng Chè lớn lên giữa đống đồ chơi bằng đồng nên niềm đam mê được hun đúc từ thuở bé”.

Được biết, hiện nay anh Đặng Quốc Toàn được gia đình giao cho quản lý Công ty TNHH Phục hồi nghề đúc đồng thủ công truyền thống làng Trà Đông. Trong năm 2021, cơ sở sản xuất của anh Toàn đã có sản phẩm “Trống đồng Toàn Linh” đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. “Hiện nay, không khó để thế hệ trẻ tiếp cận với máy móc hiện đại, hay đẩy mạnh sản xuất với số lượng lớn hơn, đồng đều hơn, tinh xảo hơn. Nhưng với mong muốn giữ lại nghề đúc đồng truyền thống của cha ông, những người trẻ như chúng tôi vẫn tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt, tỉ mỉ và phức tạp từ khâu chọn nguyên liệu, chọn đất làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc đồng... cho đến làm nguội, định vị dáng, cạo, nạo, vi chỉnh, đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm. Để giữ nghề, tạo thương hiệu trên thị trường, việc phát huy tinh hoa văn hóa nghề truyền thống được đặc biệt coi trọng”, anh Đặng Quốc Toàn cho biết.

Nói về đường hướng phát triển làng nghề truyền thống của xã, ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: “Lực lượng trẻ có điểm mạnh đó là sự năng động, sáng tạo và nhạy bén với xu thế. Trong bối cảnh hội nhập mở cửa, nghề đúc đồng Trà Đông ngày càng có cơ hội phát triển mạnh, trong đó có sự đóng góp tích cực của thế hệ trẻ, đặc biệt là các thế hệ trong các gia đình nghệ nhân. Trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tham gia sàn giao dịch trực tuyến. Do đó, việc tham gia của lớp trẻ là điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển làng nghề, đưa sản phẩm đúc đồng đến với đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế”.

Cùng với những ông chủ trẻ ở làng nghề mộc Đạt Tài, làng rèn xã Tiến Lộc hay làng đúc đồng Trà Đông, trong những năm gần đây, ở nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, việc người trẻ tìm về với nghề truyền thống ngày càng nhiều. Theo đó, nghề xưa ngày càng có thêm cơ hội “hồi sinh” và phát triển nhờ lớp trẻ dám nghĩ, dám làm.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]