(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc ở khu vực miền núi tỉnh ta có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng. Trong khi đó, diện tích đồng cỏ tự nhiên đang có chiều hướng giảm dần nên nhu cầu về thức ăn cho đàn gia súc trở nên cấp thiết. Vì vậy, thông qua các chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ phát triển sản xuất... các địa phương đã thực hiện đưa các loại cây trồng làm thức ăn chăn nuôi trở thành một trong những đối tượng chuyển đổi, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mở rộng diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi ở khu vực miền núi

Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc ở khu vực miền núi tỉnh ta có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng. Trong khi đó, diện tích đồng cỏ tự nhiên đang có chiều hướng giảm dần nên nhu cầu về thức ăn cho đàn gia súc trở nên cấp thiết. Vì vậy, thông qua các chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ phát triển sản xuất... các địa phương đã thực hiện đưa các loại cây trồng làm thức ăn chăn nuôi trở thành một trong những đối tượng chuyển đổi, mang lại giá trị kinh tế cao.

Mở rộng diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi ở khu vực miền núi

Diện tích trồng cỏ chăn nuôi tại xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy).

Nhằm tận dụng quỹ đất và phát triển cây trồng lợi thế theo định hướng của tỉnh, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, huyện Thường Xuân đã rà soát, bố trí quỹ đất để trồng cây thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng diện tích đất bãi ven sông để trồng cỏ chăn nuôi và thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp, đất vườn tạp sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi, như ngô dày, cỏ voi. Thông qua việc thực hiện các giải pháp, đến nay, toàn huyện đã phát triển được hơn 449,36 ha cây thức ăn chăn nuôi, tăng 51,82 ha so với cùng kỳ năm 2018. Một số xã có diện tích cây trồng làm thức ăn nhiều, như: Ngọc Phụng, Luận Thành, Thọ Thanh, Lương Sơn... Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Thường Xuân, việc trồng cây thức ăn chăn nuôi không những giúp người chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm được chi phí trong quá trình nuôi mà còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Theo ước tính, 9 tháng năm 2019, sản lượng cây làm thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt 7.189,76 tấn, tăng 1.147,15 tấn so với kế hoạch. Theo tính toán của người dân, mỗi ha cỏ chăn nuôi năng suất đạt 160 tạ/ha. Thông qua hợp đồng liên kết với các công ty, trang trại, doanh thu bình quân đạt khoảng 100-110 triệu đồng/ha.

Trên địa bàn tỉnh ta, cùng với việc phát triển đàn bò sữa, bò thịt chất lượng cao, nhu cầu thức ăn xanh ngày một tăng lên. Nắm bắt được nhu cầu đó, hầu hết các địa phương ở khu vực miền núi đã khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng diện tích đất khó sản xuất, canh tác để trồng các loại cây làm thức ăn chăn nuôi cung cấp cho các hộ, trang trại và công ty chăn nuôi thông qua các hợp đồng kinh tế. Tiêu biểu, như: Mô hình chuyển đổi sang trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi trên đất bãi ven sông của HTX dịch vụ nông nghiệp Cẩm Yên (Cẩm Thủy), diện tích hơn 5 ha, liên kết với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), trừ chi phí người dân thu lãi 2,5-3 triệu đồng/sào (sản xuất 3 vụ/năm); mô hình chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô dày lấy thân làm thức ăn cho gia súc của HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh đóng trên địa bàn xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc), tổng diện tích gần 70 ha/năm (3 vụ) liên kết với Vinamilk, Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH... trừ chi phí thu lãi 80-90 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng cỏ VA206, Maluto... diện tích 45 ha liên kết với Trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 của người dân xã Phú Nhuận (Như Thanh)...

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh ta lựa chọn phát triển cây trồng làm thức ăn chăn nuôi trở thành 1 trong 7 sản phẩm trồng trọt lợi thế và đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển, mở rộng diện tích cây thức ăn chăn nuôi đạt 12.700 ha. Vì vậy, hầu hết các địa phương đều đề ra chỉ tiêu phát triển cụ thể đối với loại cây này. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến tháng 10-2019, toàn tỉnh đã phát triển được 9.580 ha cây thức ăn chăn nuôi, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Trong đó, khoảng 80% là diện tích trồng các giống cỏ làm thức ăn chăn nuôi, như: VA06, Mulato, cỏ voi... Đáng chú ý, hơn 61% diện tích cây trồng làm thức ăn chăn nuôi được phát triển ở khu vực miền núi. Đây được xem như hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.

Để phát triển và mở rộng diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi theo mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất hiệu quả kinh tế thấp, ở khu vực khó khăn sang trồng cỏ và cây thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, thực hiện các biện pháp lựa chọn giống, áp dụng thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế từ loại cây trồng này. Đối với khu vực miền núi, cần ưu tiên những loại cây trồng có khả năng chống chịu khắc nghiệt của thời tiết và khả năng lưu gốc cao, như: Cỏ voi, cỏ Maluto, Mombasa Ghine, VA 06...

Bài và ảnh: Lê Hòa


Bài Và Ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]